Tăng cường đấu tranh, xử lý hoạt động tín dụng đen

08:12, 13/12/2019

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đối tượng núp bóng các doanh nghiệp dịch vụ tài chính, đòi nợ, kinh doanh cầm cố tiếp cận những người đang cần vay vốn gấp để mồi chài cho vay với thủ tục đơn giản, lãi suất hấp dẫn. Nhưng sau khi đã ký hợp đồng vay, nhiều người mới tá hỏa vì lãi suất thực tế phải trả cao gấp nhiều lần so với vay các tổ chức tín dụng chính thức. Nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ đã bị các đối tượng đòi nợ thuê sử dụng các biện pháp thúc nợ trái pháp luật như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản... Điển hình như vụ việc nhóm đối tượng côn đồ sử dụng hung khí, thậm chí cả súng để uy hiếp đòi nợ tại gia đình ông Nguyễn Hữu Mão ở thôn Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) cuối năm 2018; các nhóm đối tượng côn đồ ném “bom bẩn”, sử dụng loa thùng mở nhạc sàn, nhạc đám ma, nhạc tụng kinh Phật với âm lượng lớn để uy hiếp đòi nợ tại gia đình ông Nguyễn Cao Kỳ, xóm 4B xã Hải Minh (Hải Hậu) đầu năm 2019...

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (Vietinbank) Chi nhánh thành phố Nam Định đẩy mạnh cung ứng khoản vay ưu đãi nhằm ngăn chặn phát sinh vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (Vietinbank) Chi nhánh thành phố Nam Định đẩy mạnh cung ứng khoản vay ưu đãi nhằm ngăn chặn phát sinh vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

Tín dụng đen núp bóng lừa người dân thiếu kinh nghiệm, trong hoàn cảnh khó khăn và những “biện pháp” đòi nợ trái luật gây mất an ninh trật tự, tâm lý bất ổn cho người dân và nhiều hệ lụy xã hội khác. Trước thực trạng này, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, huy động các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Trong đó, yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong đấu tranh, xử lý đối tượng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi bảo kê, bao che và tham gia các hoạt động liên quan đến tín dụng đen. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương rà soát các đối tượng hình sự, côn đồ núp bóng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có biểu hiện hoạt động tín dụng đen trên địa bàn để có biện pháp đấu tranh, xử lý. Kết quả, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 11 đối tượng hình sự, côn đồ núp bóng doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động bảo kê tín dụng đen, phân công, phân cấp cho Công an các đơn vị quản lý, đấu tranh; đã kiểm tra 33 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, cho vay thế chấp, cầm đồ; điều tra, xử lý 10 vụ án có liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Trong đó, khởi tố 6 vụ, 10 bị can về tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự; 3 vụ/10 bị can về tội cố ý gây thương tích; 1 vụ/2 bị can về tội cướp tài sản. Qua đó đã góp phần kiềm chế tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, gây bức xúc dư luận nhân dân. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng ngân hàng tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản vay ưu đãi đến các tầng lớp nhân dân biết để vay vốn khi có nhu cầu... nhằm ngăn chặn phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ cán bộ, nhân viên trong ngành về việc chấp hành các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến tín dụng đen; chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thời gian tới, ngành Ngân hàng tập trung quản lý chặt chẽ hơn việc cho vay tiền mặt các Công ty tài chính theo Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 4-11-2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Thông tư 18 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, quy định công ty tài chính chỉ được đôn đốc, thu hồi nợ theo phương thức phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật; không được thu hồi nợ bằng biện pháp đe dọa khách hàng theo kiểu “xã hội đen”; chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày theo hình thức các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng và chỉ được nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 7 đến 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng tiền mặt tiêu dùng, mua sắm, sản xuất, cung ứng hàng hóa của người dân, doanh nghiệp tăng cao kéo theo nguy cơ gia tăng các hoạt động tín dụng đen. Vì vậy, các địa phương tăng cường tuyên truyền về các hệ lụy, hậu quả, tác hại của việc vay tiền ngoài các tổ chức tín dụng, ngân hàng; các biểu hiện nhận diện đối tượng tội phạm tín dụng đen; các phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường; các hành vi đòi nợ trái pháp luật của tội phạm để người dân nâng cao ý thức cảnh giác không sa bẫy tín dụng đen, kỹ năng phòng, chống tội phạm tín dụng đen. Vận động nhân dân trên địa bàn thường xuyên bóc gỡ, xóa bỏ tờ rơi, biển quảng cáo về cho vay tài chính, cầm đồ dán, treo trên tường, cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh, nơi công cộng làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng phát tờ rơi, sơn quảng cáo liên quan đến cho vay, huy động vốn có dấu hiệu của hoạt động tín dụng đen, các đối tượng nghi vấn đòi nợ với các hành vi đổ chất bẩn, chất thải “khủng bố, trấn áp” người vay để đòi nợ gây mất an ninh trật tự. Các ngành, các địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn người dân, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, tiếp cận các kênh tín dụng chính thức, tránh tìm đến tín dụng đen./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com