Qua 10 năm tích cực triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã đi vào chiều sâu, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương. Tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt ngày càng tăng đã khẳng định ý nghĩa thiết thực, đúng đắn của Cuộc vận động.
I. Khẳng định vị thế hàng Việt Nam
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động trong bối cảnh đất nước sau 20 năm đổi mới, bên cạnh những kết quả to lớn đạt được thì nền kinh tế cũng bộc lộ những yếu kém, bất cập trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như nội địa đối với các sản phẩm hàng hóa Việt Nam ngày một gay gắt hơn. Trước yêu cầu đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội, Bộ Chính trị quyết định tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và khuyến khích động viên sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sau 10 năm kiên trì triển khai Cuộc vận động với sự tích cực vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, trên cả nước hàng Việt đã trở thành sản phẩm tiêu dùng chính, chiếm đến 90% nhu cầu của người dân so với 30% trước khi bắt đầu triển khai Cuộc vận động. Tại tỉnh ta, người tiêu dùng đã nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp trong nước cung ứng. Tâm lý thích dùng hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, chuyển từ phải vận động sang tự nguyện lựa chọn sử dụng hàng Việt thay cho các mặt hàng ngoại nhập, hàng mác ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ như trước đây. Tại hệ thống phân phối hàng hóa từ siêu thị, trung tâm thương mại đến chợ truyền thống đã ưu tiên lựa chọn hàng sản xuất trong nước cung ứng tới người tiêu dùng. Trong đó, một số siêu thị như Co.op Mart, BigC và MiCom plaza (Thành phố Nam Định); Lan Chi (Giao Thủy), Countrymart (Hải Hậu) đã duy trì tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của mình ở mức cao hơn 90%. Các đơn vị này còn chủ động phối hợp với nhà sản xuất tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm, thực hiện tốt chính sách khuyến mại, giảm giá, tặng quà khi mua sản phẩm nhằm kích thích tiêu thụ hàng hóa đã giúp tăng tỷ trọng hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh, tăng cường khai thác nguồn hàng sản xuất trong nước để dần thay thế các loại hàng hóa cùng chủng loại nhập khẩu từ nước ngoài. Không dừng lại ở việc chiếm lĩnh thị phần trong nước, hàng Việt còn liên tục mở rộng thị trường và chủng loại sản phẩm xuất khẩu. Đến nay, hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất đã có mặt tại thị trường 53 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của tỉnh đạt trên 1,6 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu đa dạng, phong phú, trong đó tập trung ở 6 ngành hàng gồm: nông sản, lâm sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ và cơ khí chế tạo. Cơ cấu hàng xuất khẩu đã chuyển dần từ gia công sang sản xuất thành phẩm, xuất khẩu nguyên vật liệu đối với hàng dệt may; tăng cường sản phẩm qua chế biến thay vì xuất khẩu nguyên liệu như trước đây. Một số mặt hàng nông sản của tỉnh mới tham gia thị trường xuất khẩu như muối biển nhạt Royal của Công ty Cổ phần Muối Nam Định xuất sang thị trường Nhật Bản; sản phẩm khoai lang, khoai tây, ngô nếp tươi sấy và khoai sọ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương (Thành phố Nam Định) được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc… Theo đánh giá của Sở Công thương, một dấu hiệu thị trường cho thấy thương hiệu hàng Việt đã được nâng cao uy tín ở cả thị trường trong nước và quốc tế đó là việc nhãn mác hàng Việt bị làm giả gắn vào hàng hóa tiêu thụ trong nước. Trong đó nhóm sản phẩm may mặc, đồ gia dụng bị làm giả nhiều nhất. Đặc biệt một số sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của tỉnh ta như máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, dụng cụ cầm tay của làng nghề Xuân Tiến (Xuân Trường), làng rèn Vân Chàng, xã Nam Giang (Nam Trực); sản phẩm nước mắm Ninh Cơ; rượu nếp Yên Phú (Ý Yên)… thường xuyên bị các gian thương giả mạo dưới hình thức gắn nhãn mác sản phẩm lên hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất được giới thiệu ở Hội nghị kết nối xuất nhập khẩu nông sản, trái cây, thuỷ hải sản năm 2018 tại Lào Cai. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
II. Những cách làm hiệu quả
Triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai và thành lập Ban Chỉ đạo các cấp. Trong đó xác định trọng tâm của Cuộc vận động tập trung vào 3 vấn đề chính gồm: đẩy mạnh tuyên truyền; hỗ trợ doanh nghiệp và tập trung kiểm soát thị trường, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, hàng hóa lưu thông thông suốt. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức khảo sát điều tra thị trường tiêu dùng làm cơ sở ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp định hướng phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước; hỗ trợ đổi mới, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20-4-2010 về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước khi đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng... Các sở, ngành chức năng, các tổ chức hội đoàn thể chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động một cách thiết thực. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường được các cấp chính quyền, các sở, ngành chức năng chú trọng. Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh được triển khai như: “Tôn vinh hàng Việt”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”; hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết doanh nghiệp với nông dân, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản hàng hóa; tổ chức hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại… Các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động như “Thanh niên Việt Nam đồng hành cùng hàng Việt Nam”; “Phiên chợ công nhân”, “Gian hàng giảm giá”, “Chợ lưu động” đưa hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ tập trung. 10 năm qua đã có 26 hội chợ triển lãm, 4 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tổ chức tại các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Các ngành chức năng hỗ trợ gần 144 lượt doanh nghiệp tham gia 2.017 gian hàng tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; tổ chức 3 hội nghị hợp tác liên kết cung ứng tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh với các tỉnh lân cận; hỗ trợ 449 chương trình khuyến công, 273 chương trình đào tạo nghề, 75 mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; 101 chương trình tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật… Với sự hỗ trợ tích cực đó, cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã nỗ lực đầu tư nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, thay đổi tư duy trong việc ưu tiên sản xuất, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Nhiều nhóm sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong tỉnh như sản phẩm vải, sợi, may mặc của nhóm các doanh nghiệp dệt may; máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp của làng nghề Xuân Tiến (Xuân Trường), sản phẩm nông thủy sản của các thành viên Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định… đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Có thể khẳng định Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát huy bản lĩnh trí tuệ người Việt Nam; phát huy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đoàn kết chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân tạo thành sức mạnh, động lực to lớn để khắc phục khó khăn, thách thức phát triển ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững./.
Nguyễn Hương