Nhộm nhoạm chợ "tạm" ở các khu, cụm công nghiệp

06:05, 17/05/2019

Những năm gần đây, quanh các khu, cụm công nghiệp hay các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh xuất hiện không ít những chợ “tạm” họp chóng vánh vào một số thời điểm trong ngày phục vụ công nhân lao động. Những chợ “tạm” này tồn tại nhiều vấn đề đáng lưu tâm về nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, việc xây dựng văn minh thương mại và cuộc sống người dân khu vực lân cận.

Hàng hóa bày bán ngay đường vào Công ty Vietpan Pacific, xã Đồng Sơn (Nam Trực).
Hàng hóa bày bán ngay đường vào Công ty Vietpan Pacific, xã Đồng Sơn (Nam Trực).

Các chợ “tạm” thường họp ngay sát cổng các doanh nghiệp, hay bám theo trục đường dẫn vào các khu, cụm công nghiệp, và chỉ họp vào trước giờ công nhân vào ca hoặc tan ca. Buổi sáng, chủ yếu là người bán đồ ăn sáng, các loại bún, bánh, đồ ăn nhanh; buổi chiều từ khoảng 17h đến 19h, chợ bán đầy đủ các loại từ rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, đồ gia dụng, quần áo may sẵn… Hàng hóa bán tại chợ “tạm” khá phong phú, tuy nhiên đa phần không rõ nguồn gốc xuất xứ nên chất lượng không thể đánh giá. Đối với nhóm hàng thực phẩm thường được người bán gom từ chợ đầu mối hoặc hàng “ế” ở các chợ dân sinh mang về bán cho công nhân với giá rẻ. Chính vì chợ “tạm” nên người bán chỉ cần một chiếc bao tải nhỏ, một mảnh nilon trải ngay xuống nền đường để bày hàng. Không chỉ có thực phẩm, có cả hàng may mặc, công nghệ phẩm là các sản phẩm thấp cấp có giá phù hợp với “túi tiền” của công nhân. Lợi dụng thời điểm “tranh tối tranh sáng”, “mua vội bán vội” nên nhiều tiểu thương thường trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào để trục lợi. Các chợ “tạm” hoạt động rất sôi động, từ khoảng 16h, tiểu thương đã lục tục dựng lều, che bạt, bày biện hàng hóa đón giờ công nhân tan tầm. Tại xã Yên Bình (Ý Yên), khoảng 17h, Công ty May Santa Clara vừa mở cổng, hàng trăm công nhân ùa ra và vội vã ghé vào “chợ” để mua thức ăn về chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Con đường vốn rộng rãi nhưng người mua, người bán, rồi xe ra, xe vào lấn chiếm khiến lòng đường chật chội… giao thông bị cản trở. Chị Trần Thanh Lan, công nhân Công ty May Santa Clara cho biết, ở khu vực nông thôn, chợ chỉ họp vào buổi sáng, lại theo phiên trong khi chúng tôi đi làm từ sáng sớm, không có thời gian chuẩn bị chu đáo đồ ăn thức uống trong cả ngày cho gia đình nên buổi chiều về có chợ ngay cổng Công ty thật tiện lợi. Hàng hóa ở chợ cũng phong phú; giá cả lại rất phù hợp, thậm chí còn rẻ hơn so với chợ dân sinh hàng ngày. Dẫu biết rằng hàng hóa ở đây, đặc biệt là hoa quả, thức ăn mua vào giờ này không được tươi ngon, nhưng thời gian tan ca sau 18h thì chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Tại Cụm công nghiệp Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), nơi có nhiều doanh nghiệp của địa phương đầu tư nên không quản lý chặt giờ nghỉ trưa, nhiều công nhân thường tranh thủ sau giờ cơm trưa ra ngoài mua sắm. Do đó, khu vực này ngoài hai phiên chính là sáng và chiều thì chợ tạm còn hoạt động khá sầm uất vào lúc giữa trưa, 11h30 đến 12h30 dọc đoạn đường vào Cụm công nghiệp Nghĩa Sơn với hơn 30 điểm bán hàng từ bún, bánh, hoa quả, đến quần áo, túi xách... Cứ như thế, nơi hai phiên sáng, chiều; nơi họp cả ba phiên sáng, trưa, chiều, chợ tạm tại các khu, cụm công nghiệp ở các vùng nông thôn tự phát mọc lên ngày một nhiều đáp ứng nhu cầu đời sống thiết yếu của hàng vạn lao động. Vào ngày thứ bảy được nghỉ sớm hoặc ngày lĩnh lương của công nhân, chợ nhộn nhịp hơn nhiều lần, lều quán cũng tăng lên đến vài chục gian hàng đủ loại. Có chợ, tất có tranh giành mua bán, mâu thuẫn trong mặc cả, ngã giá nên việc mất an ninh trật tự cũng xảy ra thường xuyên. Tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), khi Cụm công nghiệp của xã đi vào hoạt động, chợ tạm ngay lập tức hình thành, thu hút hàng trăm người bán hàng. Do chợ nằm trên trục đường chính của xã, lại gần trường học nên vào giờ tan tầm khu vực họp chợ này đông đúc trở nên lộn xộn, mất trật tự và nguy cơ mất an toàn giao thông luôn tiềm ẩn. Dẹp bỏ chợ thì khó mà cho tồn tại thì sai, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân tại địa bàn. Do đó, UBND xã đã phải bố trí lực lượng đảm bảo giao thông, an ninh tại khu vực này, kiên quyết không cho họp chợ, mua bán dưới lòng đường, đồng thời lên phương án di chuyển chợ tạm vào khu vực đất trống gần đó, hỗ trợ điện chiếu sáng và cho các hộ dân xung quanh tổ chức dịch vụ trông giữ xe, dọn vệ sinh, thu gom rác thải sau mỗi buổi chợ… để đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Việc xử lý tình huống với chợ “tạm” của xã Nghĩa Minh được coi là phương án hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên, không mấy địa phương có đủ lực lượng để làm công tác đảm bảo an ninh cũng như vị trí đất trống phù hợp để di chuyển chợ nên việc dẹp, ngăn chặn chợ “tạm” ở nhiều địa phương đang là vấn đề khó.

Mặc dù có nhiều tiện lợi, phù hợp với điều kiện thời gian, mức chi tiêu của công nhân song chợ tạm họp trái phép, không phù hợp với quy hoạch thương mại của tỉnh; gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong khu vực. Trước nhu cầu chính đáng này của công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, khắc phục các hệ lụy xã hội do chợ tạm, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm…, chính quyền địa phương cần phối hợp với các bên liên quan tính toán bố trí khu vực thuận lợi cho việc họp chợ hoặc tổ chức các hình thức cung ứng hàng hóa bán lẻ phù hợp (như tổ chức bách hóa tại căng tin doanh nghiệp, siêu thị mi ni trong khu công nghiệp…)./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com