Xây dựng thương hiệu cho nông sản không phải vấn đề mới. Tuy nhiên từ trước đến nay hầu hết các loại nông sản được xây dựng thương hiệu chủ yếu do cơ quan chức năng triển khai đến các làng nghề, các doanh nghiệp, các HTXDVNN… còn chuyện nông dân tự làm thương hiệu cho nông sản của riêng mình thì chưa có tiền lệ. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn tự tiến hành xây dựng thương hiệu cho nông sản của chính mình. Đây là một bước chuyển đổi nhận thức trong phát triển kinh tế tư nhân thể hiện trách nhiệm của người sản xuất với sản phẩm làm ra và là then chốt quyết định thành công của người nông dân trong thời kỳ hội nhập.
Kiểm tra chất lượng nấm Linh Chi trước khi xuất xưởng tại cơ sở sản xuất Nấm Nhật Bằng, xã Trực Thái (Trực Ninh). |
Nước mắm Lâm Bão
Tỉnh ta có nghề chế biến nước mắm và các sản phẩm dạng mắm nổi tiếng với nhiều làng nghề và nhiều thương hiệu nước mắm. Nhưng người sành ăn thường chọn nước mắm của người dân Thị trấn Cồn (Hải Hậu) với các đặc trưng sản phẩm trong vắt, có màu cánh gián đậm, mùi thơm nhẹ rất riêng và hội tụ cả vị mặn mòi của muối sạch đã được ủ kỹ, vị ngọt, béo của hàm lượng đạm cao chiết xuất thủ công từ các loại cá dỏng, cá lâm, cá nục... Sinh ra trong làng nghề chế biến nước mắm truyền thống nên ngay khi rời quân ngũ, ông Lâm Văn Bão đã quyết tâm chọn nghề làm mắm để phát triển kinh tế gia đình. Với quan điểm giữ trọn hương vị truyền thống mà cha ông đã dày công đúc rút, ông đã tuân thủ tuyệt đối từng quy trình chế biến sản phẩm từ khâu chọn cá, ủ muối đến thời gian phơi nắng và khuấy đảo nguyên liệu hằng ngày. Đặc biệt, ông kiên trì giữ cách làm mắm hoàn toàn thủ công, không sử dụng hóa chất và đảm bảo thời gian ủ chượp không dưới 12 tháng để mắm chắt không tanh lại chiết xuất hết được hàm lượng đạm trong thịt cá mới xuất bán. Do đó sản phẩm của gia đình ông cung ứng ra thị trường luôn được người tiêu dùng tín nhiệm. Cái tên nước mắm “Ông Bão” quen thuộc với người dân quanh vùng từ đó. “Tiếng lành đồn xa”, không chỉ khách hàng ở gần đến tận nơi mua nước mắm của gia đình ông mà khách hàng phương xa đặt mua hàng cũng nhiều. Hằng ngày, ông cùng các con cháu đóng mắm vào can gửi xe tải, xe khách chuyển hàng đi. Sản xuất phát triển, nhưng cũng đúng lúc này, nhiều khách quen của gia đình ông chững lại không thấy báo lấy hàng nữa, sản lượng tiêu thụ kém hẳn. Ông bán tín bán nghi nghĩ rằng lượng hàng cung ứng ra thị trường đã bão hòa bởi ngoài gia đình ông còn hàng trăm hộ khác cũng xuất bán nước mắm ra thị trường. Tuy nhiên khi những khách hàng thân thiết gọi điện chúc mừng gia đình ông đã mở đại lý, điểm cung ứng tại nhiều địa điểm khác ở trong và ngoài tỉnh và yêu cầu ông tư vấn kỹ cho các điểm cung ứng cách bảo quản để nước mắm giữ nguyên hương vị ban đầu tại cơ sở sản xuất, ông mới giật mình phát hiện rằng sản phẩm của gia đình mình đã bị các cơ sở khác mượn danh làm giả bởi cơ sở của ông chưa mở đại lý nào. Vậy là bao vất vả, tâm huyết phát triển sản phẩm truyền thống của ông đã đổ sông đổ bể. Sản lượng mắm cung ứng ra thị trường hao hụt là thiệt hại trước mắt, nhưng ông lo nếu cứ tiếp diễn thế này thì sẽ mất uy tín khó có thể khôi phục lại được. Ông tìm đến anh em, bạn bè và cả con cháu “đi nhiều, biết nhiều” nhờ tư vấn giúp ông giải quyết vấn đề này để vừa đảm bảo tính pháp lý và có cơ sở để người tiêu dùng nhận biết chính xác sản phẩm. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Sở KH và CN, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT), năm 2013 ông lần lượt làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, gửi mẫu tới các cơ quan chức năng giám định chất lượng, công bố chất lượng; thiết kế nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch cho sản phẩm của mình. Đến nay, sản phẩm nước mắm của gia đình ông đã có nhãn hiệu riêng với tên Lâm Bão cùng các chỉ tiêu chất lượng, mã số, mã vạch ngày sử dụng, hạn sử dụng… để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và đủ cơ sở pháp lý để tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại cũng như được bảo vệ khi có tranh chấp thương mại xảy ra. Ngay sau khi hoàn thiện xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, ông tiếp tục đầu tư phát triển các công cụ hỗ trợ thương mại tiêu thụ cho sản phẩm như xây dựng website quảng bá sản phẩm, công bố tiêu chuẩn chất lượng, điểm nhận biết khác biệt giữa nước mắm Lâm Bão và các sản phẩm cùng loại khác… Những nỗ lực đồng bộ này đã giúp cho sản phẩm lấy lại uy tín, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Nấm Nhật Bằng
Ở xã Trực Thái (Trực Ninh), anh Vũ Văn Bằng lại đang say sưa với việc xây dựng nhãn hiệu “Nấm Nhật Bằng” cho các sản phẩm nấm của mình. Hiện gia đình anh Bằng đang sản xuất 3 loại nấm là nấm linh chi, nấm mỡ và nấm sò xuất bán ra thị trường với sản lượng gần 200 tấn nấm các loại mỗi năm. Đồng chí Tạ Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Quanh vùng có hàng chục mô hình trồng nấm nhưng gia đình anh Bằng là người đầu tiên tiếp cận kỹ thuật trồng nấm, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đăng ký thương hiệu để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm”. Từ năm 2008, khi mà bà con vẫn còn xa lạ với những mô hình trồng nấm thì anh Bằng đã mày mò đi khắp các địa phương tìm hiểu học nghề trồng nấm, đầu tư cơ sở vật chất tìm mua nguyên liệu, chủ động giống nấm phục vụ sản xuất. Nhờ tuân thủ các quy trình kỹ thuật, sản phẩm nấm của gia đình anh luôn đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng và mẫu mã đẹp hơn hẳn so với các sản phẩm khác cùng loại. Từ chỗ là khách hàng chuyên mua giống nấm của Viện Công nghệ di truyền (Bộ NN và PTNT) về trồng cấy, đến nay sản phẩm của gia đình anh lại được chính Viện đề nghị thu mua về chế biến. Do nhu cầu của khách hàng cần khối lượng lớn nhưng cơ sở của anh chưa đáp ứng đủ nên anh phải thu mua thêm nấm của các trang trại khác. Khó khăn bắt đầu nảy sinh từ đó bởi chất lượng hàng hóa không đồng đều khiến nhiều phen anh suýt mất nghiệp vì bị trả lại sản phẩm. Ngoài thiệt hại về kinh tế, anh hiểu rằng nếu tình trạng này cứ tiếp diễn khách hàng sẽ hủy hợp đồng, mối làm ăn lớn sẽ không còn. Thêm vào đó, khách hàng yêu cầu anh có văn bản cụ thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và chỉ tiêu chất lượng được các cơ quan chức năng chứng nhận mới nhập hàng chứ không đảm bảo bằng miệng như trước. Anh đã nghĩ đến việc phải xây dựng thương hiệu một cách bài bản để sản phẩm có thể đi vào thị trường “danh chính ngôn thuận”. Tìm đến cơ quan quản lý khoa học cấp huyện, cấp tỉnh hỏi quy trình xây dựng nhãn hiệu, anh được cán bộ phụ trách lĩnh vực sở hữu trí tuệ hướng dẫn tận tình, cụ thể và hỗ trợ liên hệ với các cơ quan chức năng để hoàn thiện xây dựng thương hiệu một cách thuận lợi nhất. Giữa năm 2015, thương hiệu Nấm Nhật Bằng được hoàn thiện. Đến nay việc quan trọng nhất của anh là phát triển thương hiệu Nấm Nhật Bằng sao cho thật hiệu quả để mở rộng thị trường.
Ngoài hai thương hiệu này, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều thương hiệu nông sản khác như nấm Linh Phát xã Hải Chính (Hải Hậu), đồ ăn nhanh Nam Thái (TP Nam Định), bánh kẹo Thành Nam (Nghĩa Hưng)… Đây là tín hiệu vui đối với thị trường tiêu dùng nói chung và những người làm công tác sở hữu trí tuệ nói riêng bởi những nỗ lực trong công tác tuyên truyền đã có tác động làm chuyển đổi nhận thức của người dân. Để tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích người nông dân xây dựng thương hiệu cho nông sản, các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, đổi mới nội dung tuyên truyền theo hướng thật cụ thể giúp người dân không bỡ ngỡ trước những khái niệm về xây dựng thương hiệu cũng như hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của hộ sản xuất, kinh doanh với việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt khi nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế quốc tế. Hỗ trợ người sản xuất trong từng công việc cụ thể như: tư vấn, thiết kế lô-gô, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu... Cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính giúp người dân thuận tiện trong quá trình làm thủ tục xây dựng thương hiệu./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương