Từ những đôi bàn tay tài hoa

07:02, 27/02/2016

Những ngày đầu năm mới 2016, chúng tôi có dịp trở lại làng nghề truyền thống mây tre đan Yên Tiến (Ý Yên) để tìm hiểu thêm về các sản phẩm của làng nghề. Từ đôi bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân với sự giúp sức của máy móc, sự nhạy bén của những người thợ thủ công, tre nứa trước đây chỉ dùng đan thúng mủng, giần, sàng, nay đã thành hàng mỹ nghệ với những bát, âu, khay, lọ… được trang trí khéo léo, đẹp mắt. Qua đó, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho những người làm mây tre đan lâu đời của xã.

Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa tại xưởng sản xuất của anh Bùi Văn Mật, thôn Thượng Thôn, xã Yên Tiến (Ý Yên).
Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa tại xưởng sản xuất của anh Bùi Văn Mật, thôn Thượng Thôn, xã Yên Tiến (Ý Yên).

Xưởng sản xuất mây tre đan nhà anh Bùi Văn Mật, thôn Thượng Thôn, xã Yên Tiến (Ý Yên) hiện có 10 thợ làm việc, hằng năm xuất bán ra thị trường khoảng trên 40 nghìn sản phẩm với đủ các mặt hàng như lọ hoa, bát âu... Cũng như nhiều hộ gia đình khác, các sản phẩm của gia đình sau khi hoàn thiện thì nhập bán cho các Cty lớn ở trong nước để xuất bán ra nước ngoài. Xưởng nhà anh Mật chỉ là một trong nhiều xưởng có quy mô “khá” của làng nghề. Với trên 2.000 hộ gia đình (trong tổng số 3.200 hộ) tham gia sản xuất mây, tre, nứa và khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn, mỗi ngày người dân Yên Tiến sử dụng từ 150-200 tấn nguyên liệu mây, tre để làm ra khoảng trên 40 nghìn sản phẩm, tập trung ở một số thôn như: thôn Thượng, Lâm Trang, Tân Cầu, Thượng Đồng… Sử dụng các nguyên liệu chính là tre, nứa, luồng để làm các sản phẩm mỹ nghệ, những nghệ nhân ở Yên Tiến thường chọn các giống luồng, tre, nứa ở Thanh Hóa, Hà Giang, Lạng Sơn. Trước hết, họ tiến hành ngâm nguyên liệu dưới nước, mục đích là để tăng độ dẻo dai, chống mối mọt. Tùy vào độ “già” của nguyên liệu mà ngâm lâu hay chóng. Khi tre, nứa, luồng đã “ngậm” đủ nước, thợ làng nghề vớt lên cho vào các loại máy công nghiệp hiện đại như chà, xoay li tâm, chần, phun… để xử lý, tạo tác sản phẩm. Sản phẩm thô hoàn thành, những người thợ tiếp tục đổ sơn bào, kẹt đá cho đầy rãnh, dùng máy mài đánh nhẵn bề mặt ngoài. Sau đó họ cốn để chống xé, tránh nứt rồi tiếp tục bả phẳng bề mặt một lần nữa. Công đoạn cuối cùng là phun màu lấp đầy các khe rãnh và phun màu, phun bóng đều toàn bộ thành phẩm. Tuy đã có sự hỗ trợ tối đa từ máy móc nhưng theo anh Mật, để có một sản phẩm mỹ nghệ đẹp, đôi bàn tay, con mắt mỹ thuật của nghệ nhân vẫn đóng vai trò cốt lõi. Và công đoạn khó nhất đối với một sản phẩm mỹ nghệ hoàn hảo phụ thuộc vào việc pha màu sơn. “Nếu khách hàng yêu cầu lô hàng bát phải có màu hồng cánh sen thì chúng tôi phải biết để pha các loại sơn theo sắc hồng nào để sản phẩm ra đúng màu. Ngoài ra, trên cùng một sản phẩm có khi khách lại yêu cầu màu theo các sắc độ đậm nhạt khác nhau, độ “loang” khác nhau. Khi đó, nếu không có kinh nghiệm, kỹ năng, “hiểu” màu, chúng tôi sẽ không bao giờ pha được chuẩn màu sản phẩm. Đó là chưa kể, với mỗi nguyên liệu khác nhau, việc “bắt” màu, lên màu cũng khác đòi hỏi người thợ phải biết tính toán”, anh Mật chia sẻ thêm. Trong số các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà thợ làng nghề Yên Tiến làm thì các loại lọ sẽ khó làm nhất, các loại âu, bát là sản phẩm dễ làm hơn cả.

Nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu thị trường, vài năm trở lại đây, ngoài những sản phẩm truyền thống là bát, âu, khay, lọ…, những thợ nghề Yên Tiến còn mạnh dạn thử nghiệm một số các sản phẩm mới như thìa, dĩa với chất liệu từ gỗ. Họ dùng máy ép thủy lực ép gỗ rồi cắt kích thước theo mẫu. Tuy nhiên, những mặt hàng này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, vì vậy chỉ những thợ có kinh nghiệm lâu năm mới có thể làm được. Ngoài ra, họ cũng nhận các đơn hàng như lộc bình sơn khảm vỏ trứng hoặc vẽ hoa văn trên các sản phẩm gốm, sứ hoặc tạo ra những sản phẩm có bề mặt ngoài sơn bằng nhũ bóng… Sự đa dạng trên đã mang lại những hiệu quả kinh tế cao cho dân làng nghề. Nhiều sản phẩm mỹ nghệ của xã đã xuất sang nhiều thị trường lớn, khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ... Với ưu điểm sản xuất quanh năm, ít phụ thuộc thời tiết, không “kén” lao động, ai cũng có thể làm nghề từ trẻ em cho đến thanh niên, người già, nghề thủ công mỹ nghệ ở Yên Tiến đã trở thành một trong những nghề cho thu nhập khá của người dân nơi đây với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên hiện làng nghề cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức: “Từ năm 2013, thị trường đồ mỹ nghệ thủ công truyền thống có dấu hiệu bão hòa. Hàng hóa làm ra không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể xuất bán được ngay. Chưa kể, hiện nay các sản phẩm của làng nghề đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều làng nghề khác trong cả nước. Hơn thế nữa, các mặt hàng mỹ nghệ của xã hầu hết xuất đi nước ngoài nên thị trường đòi hỏi rất khắt khe. Nếu trong quá trình xuất một lô hàng, khách hàng kiểm định ngẫu nhiên sản phẩm, phát hiện một sản phẩm lỗi chúng tôi sẽ bị phạt rất nặng. Điều đó vừa kích thích sản xuất nhưng cũng là một khó khăn. Vì đây vẫn là các sản phẩm thủ công nên trong quá trình chế biến, sản xuất khó tránh khỏi sai sót”, anh Mật bộc bạch. Bên cạnh những khó khăn trên, sự phát triển nhanh chóng của nghề truyền thống mây tre ở Yên Tiến cũng đi liền với những hệ lụy về môi trường sống. Hiện nay, người dân làng nghề hằng ngày đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí nặng nề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của hơn 13 nghìn người dân trong xã cũng như vùng lân cận.

Bao đời nay, người dân Yên Tiến say mê, gắn bó với nghề đan lát, người đi trước truyền nghề lại cho người đi sau. Mặc dù ngày nay công nghệ, máy móc hiện đã thay giúp sức người nhưng đi khắp trong làng, ngoài xã, cảnh tượng quen thuộc vẫn thấy người người, nhà nhà ngồi pha, chẻ nan… bởi đó là công việc quen thuộc của dân làng nghề. Bằng đôi bàn tay khéo léo, từ những cây tre, nứa quen thuộc, nhiều sản phẩm mới được hình thành; từ đó giúp người dân làng nghề có thu nhập khá hơn, đời sống ấm no hơn. Từ hiệu quả kinh tế, tin tưởng rằng các thế hệ con cháu tiếp theo của làng nghề sẽ tiếp tục “giữ lửa” cho nghề truyền thống./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com