Báo cáo tình hình giá cả thị trường vừa được công bố, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4 có một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá. Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi chưa được kiểm soát hoàn toàn, khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ… những yếu tố này đã và đang ảnh hưởng đến tình hình sản xuất. Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ, 30-4 và 1-5 sẽ là dịp giá một số hàng hoá, dịch vụ có khả năng biến động mang tính mùa vụ do nhu cầu tăng. Thêm vào đó, tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước ở một số địa phương… cũng sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá trong tháng 4 này. Dù vậy, theo cơ quan điều hành giá cả, trong tháng 4 cũng có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Đó là giá nhiều hàng hoá, nguyên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới sẽ chỉ biến động nhẹ. Cân đối cung cầu hàng hoá dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động. Giá một số loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu được dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm. Cùng với đó, những nỗ lực kiềm chế lạm phát, bình ổn giá của Chính phủ tiếp tục được giữ vững… nên Bộ Tài chính dự báo, mặt bằng giá thị trường tháng 4 sẽ chỉ tăng nhẹ so với tháng 3.
Phân tích thị trường giá cả những tháng đầu năm, Bộ Tài chính nhận định: Giá cả các mặt hàng thiết yếu hầu như không có nhiều biến động. Giá gạo, đường khá ổn định. Đặc biệt, đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, theo đánh giá của Bộ Tài chính, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá thịt lợn và thịt gia cầm đều giảm trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2012. Thị trường vật liệu xây dựng hiện cũng đang khá ổn định và hầu như không có chuyển biến gì. Do đó, Bộ Tài chính dự báo, giá các mặt hàng thiết yếu nói trên vẫn có xu hướng ổn định trong thời gian tới.
Hiện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 3 tháng đầu năm đang ở mức 2,39%, như vậy so với mục tiêu của cả năm (khoảng 6-6,5%) là đã đi được hơn 1/3 chặng đường. Bởi vậy, đánh giá chung của Bộ Tài chính, 9 tháng còn lại của năm 2013, bên cạnh các yếu tố tác động như giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, bão lũ, dịch bệnh… có thể xảy ra, thì có hai yếu tố có khả năng tác động đến chỉ số giá tiêu dùng đó là nhiều tỉnh, thành phố sẽ tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có khả năng sẽ tăng giá dịch vụ giáo dục (học phí) phổ thông, mầm non năm học 2013-2014 theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ./.
Theo daidoanket.vn