Hiệu quả từ đồng vốn vay cho người khiếm thị

04:05, 28/05/2021

Hội Người mù tỉnh hiện có khoảng 3.000 cán bộ, hội viên thường xuyên sinh hoạt (trong đó có 1.420 hội viên nữ, gần 50% số hội viên trong độ tuổi lao động và gần 150 trẻ em mù đang trong độ tuổi đến trường). Nhiều năm qua, từ nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hội viên Hội Người mù tỉnh phấn khởi, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm ăn có lãi, tạo việc làm, xây dựng được nhà ở, mua sắm được các đồ dùng sinh hoạt, nuôi dạy con ăn học trưởng thành...

Dịch vụ massage bấm huyệt đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hội viên khiếm thị (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Dịch vụ massage bấm huyệt đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hội viên khiếm thị (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Các cấp hội đã đứng ra tín chấp các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế từng bước xóa đói, giảm nghèo. Trong năm 2020, Hội Người mù tỉnh đã triển khai chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia cho 7 dự án đầu tư chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Đến nay các hội viên sử dụng vốn vay làm kinh tế gia đình đều phát triển tốt, có thu nhập khá, đời sống được nâng lên, đều trả gốc, lãi theo đúng quy định. Để đồng vốn được sử dụng hiệu quả, Hội Người mù tỉnh đã mở 4 lớp cho 84 hội viên, trong đó có 2 lớp xoa bóp, bấm huyệt, 1 lớp tin học văn phòng, 1 lớp dạy chữ nổi. Ngoài ra, các cấp hội còn tổ chức mở 10 lớp tập huấn truyền nghề cho 130 hội viên. Nhờ được học nghề, vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tự tạo việc làm, tăng thu nhập. Tới thăm cơ sở tẩm quất của chị Trần Thị Nhung, hội viên Hội Người mù Nam Trực, chúng tôi thấy hiệu quả của việc vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Chị Nhung tâm sự: Từ khi tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù huyện, cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều. Tại đây, tôi được học chữ nổi, học nghề tẩm quất, được giao lưu với những người cùng hoàn cảnh. Được Hội Người mù huyện tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm tôi đầu tư, sửa chữa phòng, mua sắm thiết bị phục vụ cho nghề tẩm quất”. Nhờ hoạt động kinh doanh có hiệu quả, chị đã có thu nhập ổn định để nuôi con cái học hành và xây được ngôi nhà khá khang trang, rộng rãi. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho bản thân, cơ sở của chị còn giúp 5 lao động khiếm thị gắn bó lâu dài với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập như vậy, một số lao động khiếm thị không chỉ phụ giúp nuôi sống bản thân, gia đình mà còn mua sắm được vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Cũng bằng nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hội viên Hội Người mù ở các địa phương đã vươn lên ổn định cuộc sống. Anh Trần Văn Khôi, cũng là hội viên của Hội Người mù Nam Trực được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp Hội cũng đã mở 2 cơ sở tẩm quất ở thành phố Nam Định và thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng). Ông Nguyễn Gia Bình, hội viên Hội Người mù Vụ Bản được Hội tạo điều kiện dạy nghề tăm tre chổi đót với thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng. Được Hội Người mù huyện tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, ông mở hướng chăn nuôi lợn; mỗi năm thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Ông Trần Xuân Dương, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần lớn vào thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm trong đó có những người khiếm thị. Sau khi người khiếm thị có việc làm, xóa được đói, giảm được nghèo, tư duy nhận thức đã có nhiều thay đổi, không trông chờ ỷ lại như trước đây. Được Hội cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn tích cực sản xuất chăn nuôi, có việc làm nên hội viên đã có nguồn thu nhập ổn định, nhiều gia đình đã vươn lên khá giả”.

Với nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, Hội Người mù tỉnh đã trở thành chỗ dựa tin cậy của những người khiếm thị trên địa bàn. Trong đó từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hội viên đã từng bước vươn lên thoát nghèo, hòa nhập với cộng đồng./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com