Qua hai năm triển khai thí điểm chương trình cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao

08:05, 30/05/2016

Nhằm bổ sung nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngày 5-3-2014, Chính phủ đã có Nghị quyết số 14/NQ-CP về chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh ta là một trong 8 tỉnh được chọn làm điểm triển khai thực hiện chương trình. Qua 2 năm triển khai đã thu được một số kết quả bước đầu, song vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết để chính sách này thực sự phát huy hiệu quả tích cực.

Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại giúp người nông dân có thêm nguồn lực đầu tư hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và nâng cao giá trị thu nhập. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng xã Yên Thọ, huyện Ý Yên).
Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại giúp người nông dân có thêm nguồn lực đầu tư hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và nâng cao giá trị thu nhập. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng xã Yên Thọ, huyện Ý Yên).

Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và của UBND tỉnh về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14 của Chính phủ, Chi nhánh NHNN tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước tiến hành khảo sát tìm kiếm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực hiện cho vay, đáp ứng nhu cầu về vốn vay của doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Theo Quyết định số 1223/QĐ-NHNN ngày 26-6-2014 của NHNN thì Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) là 1 trong 28 doanh nghiệp của cả nước được lựa chọn tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14. Được sự hỗ trợ của Chi nhánh NHNN tỉnh, Sở NN và PTNT, Cty đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất giống lúa và cây vụ đông. Theo đó, tổng nhu cầu nguồn vốn Cty cần là 75 tỷ đồng; trong đó bao gồm 26 tỷ đồng vốn lưu động đầu tư cho chuỗi liên kết sản xuất giống và cây trồng vụ đông, số còn lại là vốn trung, dài hạn đầu tư xây dựng kho lạnh, mua máy gặt, xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất. Theo tiến độ triển khai, đến nay Cty đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Nam Định giải ngân cho vay 25,7 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn trên, Cty đã đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất giống lúa lai F1 trên quy mô 300ha. Ngoài ra, Cty còn xúc tiến liên kết với các hộ nông dân sản xuất các giống lúa có tiềm năng năng suất cao đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Tại các vùng đất thuê gom này, Cty đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; đầu tư xây dựng hệ thống dàn sấy, kho bảo quản, mua máy gặt, máy làm đất và liên kết với các hộ nông dân tổ chức sản xuất lúa giống… Việc liên kết giữa Cty TNHH Cường Tân với nông dân thông qua tổ hợp tác, có sự tham gia của các nhà khoa học, dưới sự quản lý của Nhà nước đã tạo thành chuỗi liên kết, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Đồng chí Lâm Văn Chiến, Phó giám đốc Cty TNHH Cường Tân cho biết: Đối với nông dân, tham gia liên kết sản xuất đã giúp họ khai thác tốt hơn quỹ đất, tăng hệ số sử dụng đất, đồng thời tăng thêm thu nhập từ 20-23 triệu đồng/ha/vụ. Đối với Cty cũng được hưởng chênh lệch 150-200 đồng/kg sản phẩm từ việc tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm, tương đương 1,5-2 tỷ đồng/vụ. Việc tổ chức sản xuất cây vụ đông đã tạo ra việc làm cho nhiều người lao động ở các địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân… Tham gia chuỗi liên kết này, doanh nghiệp và người nông dân hoàn toàn chủ động trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, lợi ích và rủi ro được chia sẻ và có sự đồng thuận cao trước khi sản xuất. Mô hình liên kết giữa Cty TNHH Cường Tân với nông dân các địa phương, với sự hỗ trợ của ngân hàng đã bước đầu thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của một số địa phương; đồng thời góp phần thay đổi tư duy kinh tế, thói quen sản xuất của bà con nông dân.

Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình tín dụng này, số doanh nghiệp chủ động tham gia chương trình chưa nhiều. Nhận thức về mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa đầy đủ, dẫn đến việc chưa thống nhất trong chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình của chính quyền địa phương và các ngân hàng thương mại. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án. Trên thực tế, việc cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế do trên địa bàn tỉnh ta chưa có nhiều doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa hình thành được hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mức lãi suất cho vay theo chương trình vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp tham gia chương trình, trong khi nguồn lực tài chính của doanh nghiệp tham gia liên kết còn hạn chế nên việc hỗ trợ đối với người nông dân chưa nhiều. Hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân chưa thật sự bền vững và tính ràng buộc không cao dẫn đến nông dân vẫn hay tự ý phá vỡ hợp đồng. Về tài sản bảo đảm tiền vay, trên thực tế tài sản của các doanh nghiệp hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho sản xuất như: hệ thống kênh mương nội đồng, nhà kho, máy cày, máy cấy… là tài sản có giá trị lớn nhưng chưa được định giá và chưa được chứng nhận quyền sở hữu, điều đó đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc thế chấp tài sản bảo đảm khoản vay. Việc quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp và ký kết hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân còn lỏng lẻo và chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh quan hệ, tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng của cả hai bên. Trình tự, thủ tục xác nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được hướng dẫn cụ thể nên địa phương còn lúng túng và các ngân hàng thương mại chưa có cơ sở để tập trung đầu tư vốn tín dụng. Hơn nữa việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nhiều rủi ro nhưng thiếu cơ chế dự phòng xử lý rủi ro xảy ra, trong khi chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai tích cực nên các ngân hàng khá e ngại khi quyết định cấp vốn đầu tư… Để giải quyết những khó khăn trên, trước hết chính sách bảo hiểm nông nghiệp cần được triển khai rộng rãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm triển khai dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 14, Nghị định 55 của Chính phủ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mô hình liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị các loại nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Các huyện, thành phố cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và có định hướng sản xuất phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình xây dựng NTM. Đây chính là cơ sở, căn cứ để các ngân hàng xem xét, quyết định cho doanh nghiệp vay. Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại địa bàn và kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những lợi ích thiết thực của việc sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn trong giai đoạn hiện nay để người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức, trách nhiệm và tích cực tham gia./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com