Là huyện nông nghiệp điển hình trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Hải Hậu luôn chú trọng đẩy mạnh công tác khuyến nông, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi. Do đó huyện luôn dẫn đầu tỉnh về năng suất lúa, diện tích sản xuất cây vụ đông; chăn nuôi phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại.
Mô hình trồng ngô đông trên đất 2 lúa tại xã Hải Đường. |
Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Mỗi năm, huyện xây dựng hàng trăm mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở cả 3 vụ để chọn lọc, bổ sung vào sản xuất tại địa phương. Điển hình là mô hình sản xuất lúa tái sinh được Trạm Khuyến nông huyện thực hiện với quy mô 6,5ha tại xóm 3, xã Hải Tây. Lúa tái sinh là tận dụng mầm ngủ còn sống trên gốc rạ sau khi thu hoạch lúa vụ trước, tạo điều kiện thích hợp về nước, nhiệt độ, ánh sáng và chất dinh dưỡng cho các mầm đó phát triển. Nhánh tái sinh cũng trổ bông làm hạt, chín cho thu hoạch thêm một vụ nữa. Do thời gian sinh trưởng lúa tái sinh ngắn, lá của lúa tái sinh ngắn và dày nên mức độ nhiễm bệnh khô vằn, bạc lá thấp, vì vậy chỉ phải phun trừ bệnh khô vằn 1 lần khi cây lúa đứng cái và 1 lần trừ rầy nâu khi lúa vừa trỗ xong. Năng suất của mô hình đạt 125-130 kg/sào. Mặc dù năng suất lúa tái sinh không cao bằng lúa mùa nhưng về kinh tế còn có thể lãi hơn cả lúa chính vụ bởi không tốn chi phí từ làm đất, mua giống gieo mạ, cấy; các chi phí chăm bón, thuốc trừ sâu cũng giảm hơn. Đồng thời, mô hình tạo thêm quỹ đất, quỹ thời gian cho nông dân mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa, đặc biệt là tại các vùng có truyền thống thâm canh cây màu như Hải Tây. Mô hình trồng ngô đông trên đất 2 lúa theo phương thức làm đất tối thiểu được Trạm Khuyến nông huyện thực hiện ở 5 xã: Hải Hưng, Hải Minh, Hải Đường, Hải Trung và Hải Phong cũng đang được một số xã trên địa bàn huyện nhân rộng trong 2 năm trở lại đây. Mô hình sử dụng giống ngô tẻ LVN885, là giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, chịu hạn, chịu rét nên rất thích hợp để trồng vụ đông dưới đất ruộng 2 lúa, có thể trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất ngô trên thực tế đồng ruộng từ khi bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch; được hỗ trợ giống và toàn bộ công bơm tát nước. Kết quả, năng suất bình quân của mô hình đạt 180-200kg hạt/sào, sau khi trừ chi phí về giống, phân bón, thuốc BVTV lãi từ 1-1,2 triệu đồng/sào. Mặc dù thu nhập chưa thực sự cao nhưng giải quyết được bài toán khó về “tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông”, kể cả khi nhân rộng mô hình ra quy mô lớn do sản phẩm ngô tẻ vừa có thể làm lương thực, vừa có thể làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại chỗ. Bên cạnh đó, mô hình còn khẳng định được nhiều ưu điểm nổi bật như: tranh thủ được thời vụ do không mất công làm đất; chi phí sản xuất không cao; dễ làm, dễ mở rộng diện tích; tiết kiệm nước tưới; tận dụng nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa mùa nông dân không tốn công xử lý, góp phần cải tạo đất, hạn chế ô nhiễm môi trường… Đây là tiền đề để huyện tiếp tục mở rộng diện tích, tiến tới đưa cây ngô trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa của Hải Hậu. Qua công tác khuyến nông, từ địa phương có rất ít đất chuyên màu Hải Hậu đã trở thành huyện dẫn đầu về diện tích và hiệu quả trồng cây vụ đông của tỉnh. Nhiều giống cây truyền thống, cây mới đạt hiệu quả như: bí xanh, ngô, cải bắp, súp lơ, khoai lang, dưa chuột, cải dầu...
Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, xác định các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời có khả năng chống chịu tốt, mỗi năm Trạm Khuyến nông Hải Hậu triển khai xây dựng nhiều mô hình khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới và tìm ra một số giống lúa triển vọng phù hợp với điều kiện thâm canh của địa phương như: M1, LTH8, LH12, Đài thơm, Tám xoan đột biến… Nổi bật là mô hình trình diễn giống lúa PC6 tại các xã Hải Đường, Hải Trung, Hải Hưng, Hải Sơn. Kết quả mô hình cho thấy đây là giống lúa thích hợp gieo cấy ở cả vụ xuân và vụ mùa, có thời gian sinh trưởng ngắn, đẻ nhánh sớm, tập trung, độ thuần đồng ruộng khá, chịu thâm canh cao, thích ứng với mọi chân đất. Ưu điểm lớn nhất của giống lúa này là khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là khả năng chống rét khá, cho năng suất cao, có triển vọng thay thế cho các giống lúa truyền thống đã sử dụng trong nhiều năm. Hiện giống PC6 đã được đưa vào bộ giống lúa của huyện và được mở rộng trên 300ha tại tất cả các xã, thị trấn. Trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhiều mô hình tiêu biểu, hiệu quả cũng đang được triển khai nhân rộng như: mô hình nuôi gà, lợn an toàn sinh học theo quy mô trang trại ở các xã Hải Đông, Hải Xuân; mô hình trồng đinh lăng kết hợp nuôi cá diêu hồng tại xã Hải An; mô hình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp ở xã Hải Đường; mô hình nuôi thâm canh cá lóc bông tại xã Hải Hoà… Cùng với khuyến nông của huyện, hoạt động khuyến nông cấp xã cũng được đẩy mạnh. Mỗi năm, cả 35 xã, thị trấn trong huyện đều xây dựng 2-3 mô hình trồng trọt. Điển hình như mô hình trồng cây vụ đông trên đất cấy 2 vụ lúa của Hải Tây; mô hình cấy lúa mùa không làm đất tại xã Hải Phong; mô hình trồng cây dược liệu tại Hải Quang. Hàng chục mô hình chăn nuôi tại các xã như nuôi gà an toàn sinh học tại xã Hải Đông, nuôi vịt tại xã Hải Xuân, nuôi thỏ tại xã Hải Tân, nuôi chim bồ câu sinh sản tại xã Hải Lộc. Ở các xã Hải Chính, Hải Lý, Hải Trung đã xây dựng mô hình tận dụng rơm, rạ sản xuất nấm.
Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông đã góp phần khai thác tiềm năng đất đai và lao động ở Hải Hậu, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nông dân về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá, đã và đang tạo bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh