Khi hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những cơ hội mang lại, hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng sản xuất đã bộc lộ những bất cập như: bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới; tham gia vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài... Do đó, việc xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu mang tầm quốc gia vừa là yêu cầu cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với các cơ quan chuyên môn và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là điều kiện tốt nhất để định vị trên thị trường cho sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước.
Nghiên cứu điều chế thuốc tại Cty CP Dược phẩm Nam Hà (TP Nam Định). |
Để doanh nghiệp hướng đến phát triển thương hiệu quốc gia, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu; áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến vào sản xuất, lựa chọn các thương hiệu sản phẩm tiêu biểu trong từng lĩnh vực tham gia các giải thưởng quy mô quốc gia theo các tiêu chí chuẩn trong giai đoạn hội nhập hiện nay như “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo”. Là đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp, thời gian qua, Sở KH và CN đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh dưới nhiều hình thức khác nhau như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận… Nhiều nông sản địa phương nổi tiếng từ lâu đời sau khi được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ pháp lý xây dựng thương hiệu đã nhanh chóng xúc tiến thương mại, tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại và khẳng định được thương hiệu của mình trên toàn quốc. Trong đó sản phẩm đồ gỗ Yên Ninh (Ý Yên), đúc đồng Tống Xá (Ý Yên), hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực)… đã đảm bảo các tiêu chí cũng như thủ tục pháp lý xuất khẩu ra thị trường thế giới. Sở KH và CN đã dày công khôi phục các thương hiệu từng “vang bóng một thời” nhưng bị sa sút do quá trình quản lý thương hiệu của đơn vị sở hữu chưa hiệu quả. Đồng thời hướng dẫn những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia do Bộ KH và CN tổ chức. Qua các kỳ dự giải, năm nào tỉnh cũng có doanh nghiệp đạt giải vàng, giải bạc. Tiêu biểu như Cty CP May Nam Hà, Cty TNHH Nam Dược, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc… Năm 2015, 2 doanh nghiệp của tỉnh là Cty TNHH Nam Dược và Cty CP Dược phẩm Nam Hà vinh dự đạt giải. Trong đó Cty TNHH Nam Dược 3 lần liên tiếp đạt giải vàng chất lượng quốc gia và là 1 trong ba doanh nghiệp lớn của Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương” (GPEA) năm 2015, tổ chức ngày 9-11-2015 tại Thượng Hải (Trung Quốc) nhân dịp Hội nghị Chất lượng quốc tế lần thứ 21 tổ chức tại đây. GPEA do Tổ chức chất lượng châu Á - Thái Bình Dương thành lập dựa trên mô hình giải thưởng chất lượng quốc gia của Mỹ. Giải thưởng Chất lượng quốc gia của Việt Nam nằm trong hệ thống GPEA. Giải thưởng góp phần nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, xây dựng văn hóa, phong trào năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa bàn đứng chân. Cùng với Sở KH và CN, các Sở Công thương, NN và PTNT cũng có nhiều hoạt động khuyến khích, hướng các doanh nghiệp, tổ chức thuộc ngành mình quản lý tham gia vào các chương trình, giải thưởng lớn như: Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao; Giải cầu vàng hàng Việt Nam chất lượng cao; Cúp vàng Techmart Việt Nam ASEAN+3; Siêu Cúp Thương hiệu mạnh và phát triển bền vững; Cúp vàng Thương hiệu Việt uy tín; Giải thưởng “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam”… Những giải thưởng này là cơ hội giúp doanh nghiệp phấn đấu theo tiêu chí chất lượng, định hướng thị trường và tiêu dùng chuẩn mực hướng đến sự phát triển hoàn hảo mà các chuyên gia đã nghiên cứu. Thực tế, sau khi đạt các giải thưởng, sản phẩm của các doanh nghiệp nhanh chóng được tôn vinh và được người tiêu dùng nội địa cũng như các đối tác nước ngoài tìm đến đặt hàng và củng cố niềm tin, mở rộng hợp tác. Đến nay, các doanh nghiệp trên đều đã khẳng định được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng nội địa và đã chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu. Trong đó sản phẩm thuốc của Cty CP Dược phẩm Nam Hà đã có trên 50 năm là sản phẩm uy tín với người tiêu dùng trong nước, được Bộ Y tế tin tưởng giao nhiệm vụ sản xuất thuốc cho các Chương trình y tế quốc gia như thuốc phòng chống lao, tránh thai và chống sốt rét… Cty cũng là bạn hàng quen thuộc của nhiều đối tác ở các nước châu Phi, Mi-an-ma, Ấn Độ, Phi-líp-pin, Căm-pu-chia. Đồng chí Nguyễn Hùng Vương, giám đốc Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương, xã Giao Nhân (Giao Thủy) cho biết: Là một doanh nghiệp chế biến hải sản nên ngay khi được tiếp cận với giải thưởng Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam tôi đã thực sự tâm đắc bởi đây là giải thưởng mang tầm quốc gia, có tiêu chí xét giải phù hợp với mục tiêu phát triển của Cty. Trong đó giải thưởng đặt mục tiêu vì lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng; khích lệ, động viên tôn vinh những doanh nghiệp, doanh nhân chấp hành đúng quy định pháp luật về VSATTP, nâng cao ý thức tiêu dùng thực phẩm an toàn trong cộng đồng để từ đó tạo ra sản phẩm, thương hiệu, dịch vụ uy tín, xuất sắc trong ngành thực phẩm của Việt Nam, hướng đến từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế. Được chứng nhận là “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam” là cơ hội cho các sản phẩm chế biến sẵn của Cty được người tiêu dùng trong cả nước biết đến và thuận lợi để tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại.
Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu ra diện rộng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân về thương hiệu cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dựa trên uy tín chất lượng, quy trình sản xuất thân thiện môi trường và tính chuyên nghiệp trong cung ứng dịch vụ, các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu lựa chọn giải thưởng phù hợp với thế mạnh và lợi thế so sánh của các doanh nghiệp trên địa bàn để khai thác hết điều kiện tối ưu của mình. Bên cạnh đó, bổ sung kinh nghiệm, năng lực phát triển và sử dụng thương hiệu như một công cụ tiếp thị, xây dựng chiến lược và đầu tư chiều sâu cho phát triển thương hiệu, tránh tình trạng chạy theo hình thức mà quên mất những giá trị nền tảng có tính bền vững của thương hiệu là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả của quy trình sản xuất, kinh doanh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương