Tăng cường quản lý hoạt động nghề cá trên biển

09:04, 15/04/2016
Những năm gần đây, khai thác thủy sản của ngư dân trong tỉnh gặp không ít khó khăn do diễn biến bất thường của thời tiết và tình hình an ninh trên biển ngày càng diễn ra phức tạp. Số lượng tàu thuyền công suất dưới 20CV khai thác ven bờ tuy giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn làm gia tăng cường lực khai thác tại vùng biển ven bờ, dẫn đến nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái ven bờ suy giảm nghiêm trọng, năng suất và hiệu quả khai thác của một số đội tàu đánh bắt thấp và không ổn định. Nhận thức của ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi (BVNL) thủy sản chưa cao, tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác còn gia tăng dưới nhiều hình thức, làm suy giảm nguồn lợi và phá hủy môi trường sống của các loại thủy sản trong khi lực lượng kiểm tra, giám sát chưa được tăng cường gây khó khăn cho công tác quản lý và BVNL thủy sản. Một số chủ tàu cá và thuyền trưởng chưa thực hiện nghiêm các quy định về trang bị an toàn cho người và tàu cá như thiếu phao cứu sinh, thiếu máy thông tin liên lạc, không báo cáo vị trí và vùng hoạt động của tàu với các cơ quan quản lý… Thực trạng đó đặt ra yêu cầu việc quản lý hoạt động nghề cá trên biển cần được thắt chặt hơn bao giờ hết để bảo đảm phát triển nghề bền vững, đi đôi với giữ gìn an ninh trật tự trên biển. 
Ngư dân xã Hải Hoà (Hải Hậu) chuẩn bị ngư cụ trước khi ra khơi.
Ngư dân xã Hải Hoà (Hải Hậu) chuẩn bị ngư cụ trước khi ra khơi.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện thống nhất đưa ra những biện pháp quản lý triệt để. Trước hết là quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu cá. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.311 chiếc tàu công suất dưới 20CV. Đối với những tàu cá này Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Khai thác và BVNL thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh tổ chức rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện việc phân cấp quản lý tàu cá công suất dưới 20CV theo Quyết định số 4/QĐ-UBND ngày 23-2-2011 của UBND tỉnh. Triển khai giai đoạn I của Kế hoạch số 47/KH-BCĐ về thực hiện Đề án tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới biển của tỉnh, theo kết quả rà soát sau 4 năm thực hiện phân cấp quản lý, số tàu công suất dưới 20CV đã giảm 26,6%; trong đó: huyện Giao Thủy giảm 221 tàu, huyện Hải Hậu giảm 166 tàu, huyện Nghĩa Hưng giảm 84 tàu. Công tác đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng được chú trọng. Ngành NN và PTNT đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND các xã, thị trấn ven biển và các đồn, trạm biên phòng tích cực bám sát địa bàn, tiến hành rà soát, thống kê phân loại tàu cá, hướng dẫn tạo điều kiện cho ngư dân làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp đổi và gia hạn khai thác thủy sản. Chi cục Khai thác và BVNL thủy sản đã ra 12 thông báo về việc tàu cá hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, 5 thông báo xóa đăng ký tàu cá hết hạn đăng kiểm quá 2 năm đã giải bản hoặc bán sang các tỉnh khác; phối hợp tuyên truyền, thông báo, nhắc nhở các chủ tàu cá hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản. Cùng với những biện pháp quản lý trên, Chi cục Khai thác và BVNL thủy sản cũng đã cử cán bộ trực tiếp xuống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền để tuyên truyền, hướng dẫn và tham gia cùng ngư dân thực hiện đánh dấu tàu cá bằng sơn màu vàng cam; phát sổ nhật ký khai thác cho tất cả các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, hướng dẫn ngư dân cách ghi nhật ký khai thác theo quy định; tăng cường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân các quy định cấm, nghề cấm hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đồng thời chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành của Sở phối hợp với các đồn biên phòng tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên biển. Trong năm 2015, ngành Nông nghiệp cũng chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc ngành phối hợp với các địa phương liên quan và ngư dân sắp xếp tổ chức, bố trí nhân lực, cải tiến nâng cấp ngư cụ để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như thuận tiện cho hoạt động quản lý. Chi cục Khai thác và BVNL thủy sản phối hợp với lực lượng Biên phòng nhắc nhở chủ tàu không vi phạm tuyến khai thác, bảo đảm an toàn trong hoạt động khai thác.
 
Ngoài sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi ngư dân cũng tích cực nâng cao nhận thức để hoạt động nghề cá trên biển an toàn phát triển vững mạnh hơn. Nhiều ngư dân đã chủ động đăng ký tham gia lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu cá vỏ thép, kỹ thuật khai thác. Đến nay trên địa bàn các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh đã có 758 thuyền viên đăng ký tham gia các khóa đào tạo. Đã có 40 chủ tàu đăng ký nâng cấp và đóng mới tàu cá vỏ thép thay thế tàu cũ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trên biển, đồng thời đảm bảo an toàn cho các thuyền viên. Ngư dân đã nêu cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong khai thác, đánh bắt hải sản của Việt Nam và các nước trong khu vực nên trong thời gian qua không xảy ra trường hợp tàu cá tỉnh ta vi phạm các quy định bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt.
 
Để hoạt động nghề cá trên biển ngày càng vững mạnh, người dân yên tâm bám biển, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò khai thác, đánh bắt trên biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của dân tộc; đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, tàu cá./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com