Hoạt động thương mại - dịch vụ tại Thành phố Nam Định những năm gần đây đạt kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Năm 2015, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn thành phố ước đạt 6.505 tỷ đồng, tăng 15,08% so cùng kỳ, trong đó, giá trị ngành dịch vụ ước đạt 3.855 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ; tạo việc làm thường xuyên cho trên 17 nghìn lao động.
Khu bán hàng thực phẩm công nghệ khô tại chợ đầu mối Mỹ Tho. |
Để đạt được kết quả trên, thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thương mại - dịch vụ ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu, xây dựng văn minh thương mại, đảm bảo tốt vai trò phân phối lưu thông hàng hóa. Trên địa bàn thành phố có hơn 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và khoảng 12.500 hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ tại 336 tuyến phố thương mại, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị. Hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tự chọn, chợ đầu mối có cơ sở hạ tầng hiện đại như: Big C, Micom Plaza, Media Mart, Trần Anh, Thế giới di động, siêu thị FPT, Viễn thông... được cải tạo, nâng cấp và tích hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu giao thương không chỉ cho nhân dân trong tỉnh mà thu hút cả người tiêu dùng khu vực lân cận, góp phần thúc đẩy giao lưu hàng hoá, mang lại diện mạo mới cho thương mại thành phố. Trong đó, Trung tâm thương mại Micom Plaza là đơn vị thành công trong việc kết hợp kinh doanh thương mại với tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa nghệ thuật; tổ chức trò chơi dân gian truyền thống, trò chơi hiện đại. Siêu thị đã dành tầng 3 rộng hơn 1.000m2 để khai thác dịch vụ vui chơi giải trí. Từ khi siêu thị tổ chức các tuyến xe bus đưa đón khách ở các huyện lượng khách hàng đến tham quan mua sắm và vui chơi tại siêu thị tăng lên đáng kể. Hệ thống chợ truyền thống được đầu tư cải tạo nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi hàng hoá. Đến nay, toàn thành phố có 21 chợ truyền thống đáp ứng tốt nhu cầu cung ứng, tiêu dùng hàng hóa của người dân trong và ngoài tỉnh. Trong đó 5 chợ lớn giữ vai trò đầu mối cung ứng hàng hóa theo chuyên ngành các lĩnh vực hàng hóa như: các chợ Rồng, Mỹ Tho chuyên cung ứng hàng công nghệ phẩm, mỹ phẩm, cơ khí, may mặc, nguyên liệu sản xuất; các chợ Phạm Ngũ Lão, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Cột Cờ chuyên cung ứng thực phẩm khô, tươi sống, rau củ, hoa quả bốn mùa… Nếu như vài năm trước khách xa đến Thành phố Nam Định thường khó khăn, lúng túng trong tìm điểm lưu trú đảm bảo chất lượng thì nay hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng được các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mở rộng, góp phần hình thành chuỗi nhà hàng, khách sạn khá quy mô xung quanh hồ Vỵ Xuyên, dọc Quốc lộ 10, đường Đông A… Các dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển phong phú. Hoạt động xuất khẩu cũng đạt kết quả khả quan, góp phần đảm bảo thị trường đầu ra và cung ứng kịp thời vật tư, máy móc cho sản xuất của địa phương phát triển. Trong năm 2015, tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động xuất khẩu của thành phố vẫn đạt được những kết quả khả quan. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phát triển hoạt động thương mại, Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng chủ động nắm bắt tình hình thị trường, triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gian lận thương mại, buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất và buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, làm tốt công tác quản lý kinh doanh, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về VSATTP tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống; các chợ đầu mối, siêu thị... Nhờ đó, hoạt động kinh doanh thương mại vẫn giữ vững ổn định, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hoạt động thương mại của thành phố vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như chưa thiết lập được mối liên kết bền chặt giữa các cơ sở sản xuất với các nhà kinh doanh và giữa các nhà kinh doanh với nhau để hình thành hệ thống phân phối ổn định, giảm chi phí trong khâu lưu thông. Việc tổ chức mạng lưới cung ứng vật tư gắn với thu mua, tiêu thụ nông sản còn kém, gây bất lợi cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của các cụm dân cư nhưng chưa được sắp xếp, quy hoạch hợp lý như kinh doanh phế liệu, phế thải, sản xuất, sửa chữa cơ khí nhỏ, giết mổ gia súc, gia cầm. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại - dịch vụ vẫn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, có mức vốn thấp, tầm hoạt động hạn chế, còn gặp khó khăn trong xây dựng hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ; các kênh, luồng hàng hóa vào, ra trên địa bàn thành phố còn manh mún, nặng tính thời vụ và tích luỹ dự phòng thấp.
Để lĩnh vực thương mại phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra “đến năm 2020 thương mại dịch vụ chiếm trên 50% tổng sản phẩm trên địa bàn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 7,5%; giá trị xuất khẩu tăng 12,5%”, Thành phố Nam Định cần khuyến khích phát triển các dịch vụ truyền thống, đồng thời mở rộng các loại hình dịch vụ mới như dịch vụ tài chính, tiền tệ, viễn thông, tư vấn… với những “cú hích” lớn của các nhà đầu tư tiềm năng để khai thác và phát huy được các tiềm năng đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng - một khu vực kinh tế năng động. Phát triển và nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ của hệ thống thương mại nhà hàng, khách sạn. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường trong và ngoài nước nhằm thu hút phát triển thương mại phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tiến trình hội nhập thương mại quốc tế. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về thương mại - dịch vụ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương