Quy hoạch Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông theo định hướng sinh thái bền vững

06:01, 02/01/2016

Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 26-6-2015, chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư Vinatex Rạng Đông đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương triển khai các thủ tục cần thiết nhằm sớm bắt tay vào xây dựng hạ tầng KCN. Ngày 2-12-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2572/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phân khu KCN Dệt may Rạng Đông theo tỷ lệ 1/2.000 với tổng diện tích quy hoạch là 519,6ha. Đây là cơ sở để chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, xúc tiến đầu tư theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Tỉnh lộ 490C đã được cải tạo, nâng cấp góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông.
Tỉnh lộ 490C đã được cải tạo, nâng cấp góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông.

Với mục tiêu xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông là KCN khép kín kiểu mẫu, sinh thái, sẽ tồn tại từ 50-100 năm nên trong quá trình quy hoạch nhà đầu tư cùng với đơn vị tư vấn bám sát các Luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Bảo vệ môi trường cũng như các yêu cầu quy định của địa phương. Theo Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh, với đặc thù tổ chức xây dựng khép kín, việc kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại của KCN sẽ thông qua hệ thống cổng được xây dựng tại 4 vị trí phân bố đều trong toàn KCN. Trong đó cổng G1 là cổng phía đông kết nối đường trục chính KCN và trục đường nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây cũng là trục không gian cảnh quan chính của toàn bộ KCN Dệt may Rạng Đông. Cổng G2 phía bắc kết nối với tuyến đê 1958-1960. Cổng G3 phía tây kết nối với đường trục xã Nam Điền. Cổng G4 phía nam kết nối với trục đường đi Khu du lịch nghỉ dưỡng Rạng Đông. Mạng lưới đường được thiết kế theo mô hình ô vuông và hỗn hợp gồm 2 trục đường chính đông - tây (mặt cắt 33m) và bắc - nam (mặt cắt 25m), các tuyến đường liên khu vực và trong KCN có mặt cắt 15m. Toàn bộ KCN được chia thành 7 phân khu chức năng chính. Khu hành chính, dịch vụ được bố trí tại điểm đầu của KCN dọc trục đường chính từ cổng G1 với diện tích 6,7ha thuận tiện cho việc tiếp nhận, xử lý thông tin, điều hành hoạt động của toàn KCN. Các công trình chính bao gồm: văn phòng quản lý đầu vào KCN, trạm xăng dầu, siêu thị, khu thương mại dịch vụ, ngân hàng, an ninh trật tự, bưu chính, viễn thông, bãi đỗ xe… Khu đất xây dựng các xí nghiệp, nhà máy công nghiệp (322,41ha) được phân chia ra các lô đất tùy theo nhu cầu của nhà đầu tư với mật độ xây dựng 60%, số tầng cao xây dựng từ 1 đến 3 tầng. Khu kho tàng, bến bãi (17,09ha) được bố trí tại điểm đầu KCN, thuận tiện cho việc lưu trữ, chuyên chở hàng hóa, nguyên vật liệu. Khu vực hạ tầng kỹ thuật (46,57ha) được bố trí tại trung tâm KCN để phục vụ đồng đều cho các khu chức năng khác. Hệ thống đường dây, đường ống từ trung tâm lan tỏa ra xung quanh sẽ tiết kiệm được chiều dài, giảm thiểu kinh phí xây dựng, giảm tổn thất và hiệu suất kỹ thuật đến các nhà máy. Khu cây xanh, mặt nước (67,06ha) được bố trí tập trung tại trung tâm KCN có tính chất tạo dựng cảnh quan KCN sinh thái và điều hòa khí hậu cho toàn KCN. Tại các khu vực khác cây xanh được trồng phân tán tạo thành dải dọc các trục giao thông và xung quanh các xí nghiệp công nghiệp. Diện tích này cũng được chủ đầu tư quan tâm chỉ đạo dành tỷ lệ 13,31% toàn KCN. Khu nhà ở cho công nghiệp và trường mầm non có tổng diện tích 11,12ha được bố trí tách rời KCN đảm bảo môi trường sống yên tĩnh phù hợp với tính chất khu vực dân sinh. Nhà trẻ sẽ được bố trí trong khu ở của công nhân đáp ứng nhu cầu gửi trẻ tại chỗ cho công nhân. Khu đất xây dựng các nhà máy, phân xưởng công nghiệp được chia thành 49 lô theo nguyên tắc chia các lô đất có diện tích lớn nhất tiếp giáp với trục đường chính và khu vực hạ tầng kỹ thuật, tiếp theo là các lô đất có diện tích trung bình và ngoài cùng là các lô có diện tích nhỏ nhất. Ngoài ra, các quy hoạch khác về hạ tầng kỹ thuật của KCN như quy hoạch san nền, thoát nước mưa; quy hoạch cấp nước, thoát nước, quy hoạch đường giao thông… cũng được đơn vị thiết kế đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ tiêu về môi trường, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển toàn KCN trong tương lai. Đặc biệt, hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải được thiết kế hai hệ thống riêng biệt. Để thoát nước cho toàn KCN không ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng thủy sản của nông trường Rạng Đông và xã Nam Điền, khu vực Cồn Xanh, đơn vị tư vấn quy hoạch xây dựng mới cống thoát nước xuyên qua đê PAM để dẫn nước ra biển. Đồng thời, quy hoạch xây dựng hồ điều hòa trong khu vực cây xanh để điều tiết nước cho KCN và một trạm bơm để xử lý khi xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Đối với nước thải, KCN Dệt may Rạng Đông áp dụng mô hình xử lý tập trung, các nhà máy thành viên sẽ xử lý sơ bộ nước thải của đơn vị bằng hệ thống của mình, sau đó đổ vào hệ thống của nhà máy xử lý nước thải chung của KCN, công suất 110 nghìn m3/ngày đêm. Toàn bộ nước thải trước khi ra môi trường đều phải đạt giới hạn A theo QCVN-40/2011-BTNMT. Rác thải trong KCN ở các nhà máy sẽ được phân loại ngay tại chỗ, đảm bảo tách riêng rác thải sinh hoạt, sản xuất và rác thải nguy hại. Dự kiến, Cty sẽ quy hoạch 1 trạm trung chuyển và xử lý chất thải rắn nằm trong khu đất hạ tầng của KCN.

Các tác động về quốc phòng, an ninh, môi trường chiến lược từ việc xây dựng KCN cũng được đơn vị tư vấn cân nhắc đầy đủ, đặt ra yêu cầu các cấp, ngành phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở KCN và vùng xung quanh, đồng thời tiến hành song song công tác quản lý đầu tư đảm bảo theo đúng quy hoạch đã duyệt, góp phần hình thành KCN Dệt may Rạng Đông thực sự theo mô hình KCN sinh thái phát triển bền vững trong tương lai./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com