Sự thay đổi về cơ chế, chính sách cho vay đã khiến nguồn vốn theo chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng CSXH tỉnh bị tồn đọng. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo để giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động ở các địa phương.
Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, đến ngày 31-12-2015 tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL của toàn tỉnh là 73 tỷ 061 triệu đồng. Doanh số cho vay trong năm 2015 đạt 31 tỷ 299 triệu đồng, đã giải ngân cho 1.163 khách hàng vay vốn góp phần tạo việc làm cho 1.697 lao động ở các địa phương. Doanh số thu nợ trong năm là 31 tỷ 579 triệu đồng. Số vốn còn tồn đọng là 1 tỷ 668 triệu đồng. Trong đó, huyện Vụ Bản 323 triệu đồng, Trực Ninh 165 triệu đồng, Nghĩa Hưng 129 triệu đồng, Giao Thủy 117 triệu đồng, Hải Hậu 339 triệu đồng, Thành phố Nam Định 382 triệu đồng... Đồng chí Phạm Trung Thành, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản cho biết: Thực hiện chương trình cho vay GQVL, năm 2015 Ngân hàng CSXH huyện đã tích cực triển khai cho các cơ sở SXKD và hộ gia đình vay với tổng dư nợ hơn 6,9 tỷ đồng. Cùng với triển khai cho vay, ngân hàng cũng tiến hành thu hồi hơn 600 triệu đồng tiền gốc... Tuy vậy, vào thời điểm cuối năm 2015 trong khi nhiều cơ sở SXKD và người lao động đang rất cần vốn để mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm thì nguồn vốn vay lại bị tồn đọng không thể giải ngân... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chính sách về chương trình cho vay GQVL của Chính phủ có sự thay đổi. Cụ thể, ngày 9-7-2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực kể từ ngày 1-9-2015 thay thế các Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 5-4-2005 và Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23-1-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại Nghị định số 61 thì chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài và cho vay ưu đãi đối với cơ sở SXKD và người lao động từ Quỹ có nhiều điểm mới so với trước đây. Cụ thể, người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng CSXH theo quy định hiện hành. Người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm. Mức vay vốn đi xuất khẩu lao động đối với hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng theo hợp đồng từ Quỹ tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết. Các đối tượng còn lại được vay theo quy định hiện hành của Ngân hàng CSXH. Về cho vay ưu đãi, đối với cơ sở SXKD không còn đối tượng là chủ trang trại, trung tâm giáo dục - lao động - xã hội. Cơ sở SXKD được vay vốn ưu đãi bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo. Cơ sở SXKD đồng thời sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật; dân tộc thiểu số; người khuyết tật và người dân tộc thiểu số được vay vốn từ Quỹ được hưởng mức lãi suất vay vốn ưu đãi bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo, tương đương 3,3%/năm. Thời hạn cho vay đối với các cơ sở SXKD và người lao động từ Quỹ tối đa là 60 tháng thay vì quy định theo từng nhóm dự án như trước đây, thời hạn vay vốn cụ thể do ngân hàng và đối tượng vay vốn thỏa thuận. Về mức cho vay, Nghị định số 61 đã nâng mức tối đa từ 500 triệu đồng/dự án lên 1 tỷ đồng/dự án và không quá 50 triệu đồng/người lao động được tạo việc làm (trước đây không quá 20 triệu đồng/1 việc làm mới). Việc sử dụng Quỹ nhằm tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thay vì thu hút tạo việc làm mới như trước đây đã tạo điều kiện cho các cơ sở SXKD và người lao động có thể tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ưu đãi... Nghị định 61 cũng quy định, Bộ LĐ-TB và XH là cơ quan hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, xây dựng kế hoạch vay vốn và báo cáo kết quả thực hiện. Tuy nhiên, đến hết tháng 11-2015 Bộ LĐ-TB và XH vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, vì vậy đã dẫn đến tình trạng nguồn vốn thu hồi về của chương trình cho vay GQVL chưa thể giải ngân.
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng đã giúp HTX Dệt may Hoàng Mai, xã Nghĩa Sơn đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Trước tình trạng trên, ngày 17-12-2015 UBND tỉnh đã có Công văn số 90/KH-UBND về kế hoạch quản lý, sử dụng vốn vay của Quỹ quốc gia về việc làm nhằm tạo sự thống nhất trong công tác quản lý và điều hành Quỹ do Trung ương phân bổ để cho vay hỗ trợ tạo việc làm theo Nghị định số 61. Theo đó, Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch phân bổ nguồn vốn cấp mới và vốn thu hồi của tỉnh, trình UBND tỉnh quyết định. Trước ngày 1-7 hằng năm, lập kế hoạch vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và vốn vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giao kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho các đơn vị thực hiện; chỉ đạo Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố thực hiện kế hoạch. Căn cứ nguồn vốn kế hoạch và nguồn vốn thu hồi, các đơn vị chủ động chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng dự án, đồng thời xét duyệt các dự án vay vốn theo quy định. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn người vay vốn tiến hành lập hồ sơ vay vốn; tổ chức thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt dự án theo đúng quy định. Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quý về kết quả thực hiện cho vay từ Quỹ về Phòng LĐ-TB và XH. Hướng dẫn quy trình, thủ tục giải ngân thu hồi vốn, xử lý đảm bảo chặt chẽ, đơn giản, tránh phiền hà cho người vay. Thực hiện việc giám sát quy trình sử dụng vốn vay của khách hàng. Kiểm tra nghiệp vụ cho vay, thu nợ và việc sử dụng vốn theo dự án được duyệt, giải quyết gia hạn nợ, thu nợ trước hạn theo thẩm quyền; giám sát quá trình sử dụng vốn vay của người vay. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch điều hành vốn vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hằng năm từ nguồn vốn bổ sung mới và vốn thu hồi của địa phương, kế hoạch sử dụng Quỹ; tổ chức thực hiện quản lý và điều hòa nguồn vốn của Quỹ được UBND tỉnh giao, phê duyệt dự án theo phân cấp, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hiệu quả, các chỉ tiêu tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và bảo tồn vốn của dự án vốn vay từ Quỹ. Chỉ đạo Ngân hàng CSXH địa phương hướng dẫn xây dựng dự án vay vốn đúng quy định, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chương trình đúng cơ chế, chính sách cho vay từ Quỹ. Chỉ đạo Phòng LĐ-TB và XH chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu xây dựng kế hoạch vốn vay, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hằng năm từ nguồn vốn bổ sung mới và thu hồi của huyện, thành phố… Trước ngày 10-7 hằng năm, các tổ chức, hội, đoàn thể của tỉnh được giao quản lý vốn từ Quỹ xây dựng kế hoạch vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn bổ sung mới và vốn thu hồi của đơn vị, kế hoạch sử dụng Quỹ. Quản lý và điều hòa nguồn vốn của Quỹ được UBND tỉnh giao; phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện đúng các quy định cho vay từ Quỹ; kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện.
Văn bản của UBND tỉnh tạo cơ sở cho các ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể, Ngân hàng CSXH tổ chức quản lý điều hành hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong toàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Văn Đại