Tháo gỡ khó khăn cho nghề sản xuất muối

07:06, 19/06/2013

Từ năm 2012, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) không sản xuất muối do toàn bộ 62ha của HTX Tân Phú đã chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản và trồng màu nên toàn tỉnh chỉ còn 11 xã, thị trấn của 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng có sản xuất muối. Tổng diện tích sản xuất muối năm 2012 là 702,99ha, giảm 119,76ha so với năm 2011; trong đó huyện Hải Hậu giảm 94,79ha, huyện Giao Thuỷ giảm 24,47ha, huyện Nghĩa Hưng giảm 0,5ha. Do nhiều tác động bất lợi nên năng suất muối của tỉnh bình quân năm 2012 là 82,52 tấn/ha, giảm 8,56 tấn/ha so với năm 2011. Thu nhập bình quân của người lao động làm muối đạt gần 700 nghìn đồng/người/tháng. Nếu so với giá cả thị trường hiện nay và công sức lao động bỏ ra thì mức thu nhập 700 nghìn đồng/người/tháng là quá thấp và không bảo đảm được nhu cầu cuộc sống. Sản xuất muối là nghề chính, nhưng theo thống kê của ngành NN và PTNT thì thu nhập từ nghề làm muối của diêm dân chỉ chiếm 30% tổng thu nhập cả năm, còn 70% thu nhập từ ngành nghề khác như sản xuất thuỷ sản, trồng rau màu…

Sản xuất muối ở xã Hải Đông (Hải Hậu).
Sản xuất muối ở xã Hải Đông (Hải Hậu).

Để tháo gỡ khó khăn cho người làm muối, nhiều năm gần đây các tiến bộ kỹ thuật đã được triển khai cho các vùng muối qua hoạt động khuyến diêm. Từ cải tạo chạt lọc kiểu cũ sang chạt lọc kiểu mới đã nâng cao chất lượng, muối trắng, ít tạp chất hơn. Để giảm công lao động, công nghệ chuyển đổi chạt lọc từ đầu sân ra giữa sân phơi cát được áp dụng ở 60ha góp phần đáng kể tăng năng suất và giải phóng sức lao động. UBND tỉnh, các doanh nghiệp đã hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất muối sạch về vật tư, thiết bị với mỗi mô hình 75 triệu đồng, xây dựng được 42,6ha ở cả 3 huyện. Mặc dù năng suất có thấp hơn so với sản xuất muối thường nhưng giá bán tăng trên dưới 40% và được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt ứng dụng công nghệ kết tinh muối trên bạt mang lại năng suất tăng gần 20% so với sản xuất kết tinh trên ô nề truyền thống ở các HTX Bạch Long, Cồn Tàu (Giao Thuỷ), Thống Nhất, Tiến Thắng, Trần Phú (Hải Hậu). Năm 2012 từ nguồn khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh đã hỗ trợ cho 4 HTX làm muối của huyện Hải Hậu 2.000m2 bạt, HTX Bạch Long (Giao Thuỷ) 2.000m2 bạt trải trên ô kết tinh; Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình sản xuất muối kết tinh trên bạt 500m2 tại HTX Hải Chính (Hải Hậu). Chỉ riêng kỹ thuật sản xuất muối kết tinh trên bạt thay cho ô nề toàn tỉnh đã có 6,5ha đang sản xuất. Năm 2013, ngành NN và PTNT tỉnh tiếp tục xây dựng 6 mô hình sản xuất muối kết tinh trên bạt và 2 mô hình sản xuất muối sạch, đồng thời khuyến khích diêm dân cải tiến công cụ, chuyển đổi vị trí chạt lọc nhằm giảm bớt công lao động nặng nhọc và tăng năng suất lao động. Công tác khuyến diêm đẩy mạnh, tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gắn với các mô hình sản xuất muối có hiệu quả; tổ chức giới thiệu, tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả cao để HTX và diêm dân học tập, áp dụng. Xác định đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm là động lực phát triển nghề sản xuất muối nên trong những năm qua các Cty, doanh nghiệp tư nhân kết hợp với HTX muối đã góp phần đắc lực giải quyết khó khăn cho nghề muối. Đến nay đã có 13 Cty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu mua, chế biến muối với sản lượng trên 40 nghìn tấn mỗi năm, chiếm 70% sản lượng muối sản xuất trong năm của toàn tỉnh. Các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ, chế biến muối nhiều cho diêm dân là: Cty TNHH Thanh Chương, mỗi năm thu mua khoảng 6.500-7.000 tấn; Cty CP Muối và thương mại Nam Định 4.000 tấn; Cty TNHH Vạn Ninh 4.000 tấn; doanh nghiệp tư nhân Hạnh Huệ 4.000 tấn… Trong số 13 doanh nghiệp thu mua, chế biến muối năm 2012, đã có 10 doanh nghiệp sản xuất muối iốt. 4 HTX nghề muối trực tiếp tham gia tiêu thụ muối cho xã viên gần 3.000 tấn gồm HTX Duyên Hải 1.065 tấn, HTX Bạch Long 1.000 tấn, HTX Đông Hải 576 tấn, HTX Thống Nhất 350 tấn, số muối còn lại được lực lượng tư thương bán lẻ cơ bản tiêu thụ hết. Hiện tại, các đơn vị sản xuất, kinh doanh muối trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Tổng Cty Lương thực miền Bắc triển khai đề án thu mua và sản xuất, cung ứng muối iốt. Ông Nguyễn Văn Toản, giám đốc Cty TNHH Toản Hoa tâm sự: “Những năm trước Cty thu mua trên dưới 4.000 tấn muối cho diêm dân, chủ yếu cung cấp cho các cơ sở sản xuất muối tinh, muối iốt. Năm nay, Cty đã được cấp có thẩm quyền cho phép sản xuất muối iốt. Cty đang chuẩn bị mọi điều kiện để cuối năm có sản phẩm muối iốt cung cấp cho thị trường. Chắc chắn năm tới số lượng muối nguyên liệu Cty mua sẽ tăng cao…”. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm ở xã Bạch Long (Giao Thuỷ) năm 2013 được sự hỗ trợ đầu tư của Bộ KH và CN đã lắp đặt dây chuyền sản xuất muối iốt hiện đại, trị giá trên 2 tỷ đồng, với công suất 22 nghìn tấn/năm, chiếm trên 31% tổng sản lượng muối sản xuất toàn tỉnh. Đây thực sự là tín hiệu vui cho diêm dân và các HTX diêm nghiệp của tỉnh.

Những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho diêm dân và nghề sản xuất muối trong năm 2013 và những năm tới đang được triển khai đồng bộ. Song để thực sự nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người làm muối thì vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch cần được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện, tránh hiện tượng chuyển đổi tự phát. Cải thiện hệ thống thủy lợi theo yêu cầu tách bạch hệ thống tưới tiêu giữa vùng sản xuất muối với vùng nuôi trồng thuỷ sản và trồng màu. Các HTX muối cần được tổ chức lại bảo đảm đủ năng lực sản xuất, kinh doanh và điều hành sản xuất hiệu quả; từng bước chuyển đổi sang sản xuất muối sạch, muối chất lượng cao với các tiến bộ kỹ thuật mới để không ngừng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho xã viên. Các doanh nghiệp phát triển kinh doanh trên tinh thần chia sẻ lợi ích với diêm dân để xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất lâu dài, bền vững, tránh làm ăn chụp giựt. Tháo gỡ khó khăn cho nghề muối phải từ nhiều phía và vì lợi ích lâu dài, để bảo đảm giữ và phát triển nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



Hiểu rõ gen z là gì Khám phá mbti là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com