Để người tiêu dùng yên tâm khi mua các sản phẩm tiết kiệm điện

08:06, 11/06/2013

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng muốn giảm chi phí sử dụng điện khi dùng các thiết bị điện trong gia đình, thời gian qua, các nhà sản xuất sản phẩm điện tử, điện lạnh đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm có tính năng tiết kiệm điện với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng như: thiết bị phụ gắn trực tiếp vào hệ thống điện của gia đình hoặc các sản phẩm có tính năng tiết kiệm điện như máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, tivi, quạt, đèn chiếu sáng…

Tại các cửa hàng bán đồ điện trên địa bàn tỉnh đều bày bán các sản phẩm tiết kiệm điện với nhiều thương hiệu khác nhau: Panasonic, Samsung, Sanyo, Toshiba, LG… Máy điều hòa nhiệt độ quảng cáo có tính năng tiết kiệm từ 22%-40% lượng điện năng tiêu thụ nhờ sử dụng công nghệ lưu điện, hoặc công nghệ biến tần inverter; máy giặt, tủ lạnh “siêu” tiết kiệm điện với máy nén tuyến tính biến tần; tivi LED của các hãng Samsung, LG, các loại nồi cơm điện Happy Cook, Cuckoo, Yasuto đều được công bố lắp đặt theo công nghệ tiết kiệm điện năng tối đa. Tuy nhiên về tính năng tiết kiệm điện năng trong máy điều hòa nhiệt độ, anh Hoàng Mạnh Linh, thợ sửa chữa điện lạnh (TP Nam Định) cho biết: tính năng tiết kiệm điện trong quá trình sử dụng máy điều hòa nhiệt độ công nghệ biến tần inverter có hiệu quả, song lượng điện năng tiết kiệm được so với những bất trắc trong quá trình sử dụng cần phải cân nhắc. Đối với loại máy điều hòa này, sau một thời gian sử dụng nếu hỏng, việc sửa chữa, thay linh kiện rất đắt, đặc biệt là loại gas dùng cho dòng máy inverter này đắt gấp vài lần so với gas dùng cho các loại điều hòa, máy lạnh bình thường. Nếu máy bị hỏng phần mạch thì việc sửa chữa sẽ rất phức tạp. Điều bất tiện trong quá trình sử dụng là khi máy gặp sự cố không được bảo hành tại nhà mà phải mang máy đến chính hãng mới có thiết bị chuyên dụng để sửa chữa, thời gian sửa chữa có thể phải mất vài tháng, gây phiền toái cho người sử dụng. Đối với thiết bị tiết kiệm điện phụ trợ gắn vào hệ thống điện, thực chất đây là thiết bị bù công suất phản kháng làm giảm tổn thất điện năng trên hệ thống điện, chứ không có chức năng tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, khi dùng loại thiết bị này, nếu không nắm vững kỹ thuật thì không những không phát huy được hiệu quả tiết kiệm điện mà còn gây nguy cơ cháy nổ trên toàn hệ thống lưới điện của gia đình. Mặc dù giá các mặt hàng này cao hơn so với các sản phẩm thông thường nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi tính toán lợi ích kinh tế lâu dài. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả tiết kiệm điện của các sản phẩm này ít được chứng minh trong quá trình sử dụng. Một số loại bóng đèn thắp sáng được quảng cáo có tính năng tiết kiệm điện nhưng hiệu quả chiếu sáng thấp, độ bền kém.

Khách hàng nên mua đồ điện, điện tử tại các trung tâm thương mại có uy tín để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Khách hàng nên mua đồ điện, điện tử tại các trung tâm thương mại có uy tín để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Các sản phẩm đèn chiếu sáng được giới thiệu là tiết kiệm 80% sản lượng điện tiêu thụ so với đèn sợi đốt thông thường. Riêng nhóm sản phẩm chiếu sáng, bên cạnh sản phẩm của các hãng uy tín như Rạng Đông, Philips, Điện Quang… đang bị “cạnh tranh” bởi các sản phẩm cùng loại nhưng kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc. Các sản phẩm này không có sự khác biệt về kiểu dáng, tính năng, công suất sử dụng nhưng giá bán chênh lệch từ 3-4 lần, khiến người tiêu dùng băn khoăn khi chọn lựa. Thực tế sử dụng, hầu hết các thông số như độ sáng, công suất tiêu thụ điện năng và tuổi thọ của các loại đèn này thường không đạt như công bố, trong đó tuổi thọ của bóng đèn chỉ từ 1.000-3.000 giờ, trong khi loại đèn của các hãng sản xuất uy tín, đảm bảo chất lượng đạt khoảng 8.000 giờ. Ngoài đèn compact, các loại đèn LED với đủ kiểu dáng, kích thước có tính năng tích điện, sử dụng tiết kiệm năng lượng, có thể phát sáng khi cắm vào nguồn sinh điện (kể cả đường điện thoại cố định)… cũng thu hút sự chú ý của khách hàng. Tuy nhiên, việc lợi dụng đường truyền viễn thông để thắp sáng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ điện thoại và internet của các nhà cung cấp dịch vụ.

Rõ ràng sự nhập nhèm của thị trường thiết bị tiết kiệm điện và thiếu kiến thức chuyên môn của người tiêu dùng khi lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện theo quảng cáo của nhà sản xuất, phân phối có thể dẫn đến “lợi bất cập hại”(!). Trong khi trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm tiết kiệm điện kém chất lượng mà các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được thì hầu hết khách hàng lại chọn mua sản phẩm do tin vào quảng cáo và tư vấn của người bán hàng mà chưa qua thẩm định giá trị thực về vấn đề tiết kiệm điện năng và độ an toàn khi sử dụng nên người tiêu dùng sẽ là người chịu thiệt. Để hạn chế bất cập này, ngoài việc các ngành chức năng tập trung kiểm soát chất lượng sản phẩm, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường và giám sát việc thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các sản phẩm điện tử. Bản thân người tiêu dùng nên cân nhắc và chọn mua sản phẩm của các hãng có uy tín, được các cơ quan chức năng kiểm định về mức độ an toàn, tiết kiệm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu cách sử dụng các thiết bị điện khoa học, không chỉ để giảm tổn thất điện năng mà còn kéo dài tuổi thọ của các thiết bị điện, giảm chi phí đầu tư thiết bị với phương châm tiêu dùng tiết kiệm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com