Theo đánh giá của Sở Công thương, trong quý I năm 2013, mặc dù giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định song số lượng sản phẩm tăng không cao. Đặc biệt nhiều DN, cơ sở sản xuất ở các làng nghề truyền thống gặp khó khăn.
Huyện Trực Ninh có các làng nghề dệt truyền thống nổi tiếng như: Dịch Diệp (Trực Chính); Nhự Nương, Cự Trữ (Phương Định)... Thực hiện chiến lược phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện, đến năm 2010 nghề dệt được nhân rộng ra các xã Trực Đạo, Việt Hùng và Thị trấn Cát Thành, Cổ Lễ… Toàn huyện có gần 1.800 khung dệt, trong đó riêng các làng nghề dệt truyền thống đã chiếm gần 1.000 khung dệt. Tuy nhiên, sau vài năm phát triển đến nay nghề dệt của huyện chỉ còn 2 xã Phương Định, Trực Chính duy trì làm nghề, còn các xã, thị trấn mới phát triển nghề hầu như không sản xuất. Nghề dệt là nghề truyền thống ở xã Nam Hồng (Nam Trực), sau một thời gian dài trầm lắng, được sự "tiếp sức" của các doanh nghiệp trong tỉnh, nghề dệt đã dần khôi phục. Thời điểm cực thịnh, toàn xã có gần 500 khung dệt của 8 DN và hàng trăm khung dệt ở các gia đình, sản phẩm chính là các loại khăn xuất khẩu, thu hút trên 1.000 lao động địa phương. Tuy nhiên, đến nay toàn xã chỉ còn khoảng 200 khung dệt với khoảng 300 lao động tham gia. Nhiều DN đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển hướng sang các ngành nghề khác như: may công nghiệp, nhuộm… để duy trì sản xuất kinh doanh. Không chỉ nghề dệt, nhiều ngành nghề truyền thống ở các địa phương cũng đang gặp khó khăn. Ở xã Nam Tiến (Nam Trực) ngoài làng nghề truyền thống Thạch Cầu chuyên sản xuất nón lá và các sản phẩm gia dụng từ tre nứa đã bị mai một, nghề đúc đồng ở thôn Đồng Quỹ cũng đang tồn tại cầm chừng. Sau một thời gian trầm lắng, thôn Đồng Quỹ đã khôi phục được 10 lò đúc nhưng hầu hết là sản xuất nhỏ lẻ hoặc gia công sản phẩm thô cho các làng nghề khác. Còn ở xã Liên Minh (Vụ Bản) những năm trước ngoài sản xuất nông nghiệp, xã có nhiều nghề phát triển mang lại thu nhập cao cho người dân như: sơn mài, sản xuất đồ thờ, đan cót, hàng thủ công mỹ nghệ từ tre nứa ghép. Thời điểm hưng thịnh, trên địa bàn xã đã có 3 Cty, gần 10 tổ hợp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 2.000 lao động địa phương và hàng trăm lao động thời vụ ở các xã lân cận. Hiện nay, xã Liên Minh chỉ còn duy nhất thôn Ngõ Trang vẫn duy trì nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre nứa ghép với 2 tổ hợp sản xuất của các ông Vũ Hồng Hải, Vũ Văn Đoán, mỗi tổ hợp tạo việc làm thường xuyên cho 45-50 lao động và khoảng gần 100 lao động nhận gia công sản phẩm tại nhà, còn các Cty và tổ hợp sản xuất khác đã ngừng hoạt động hoặc chuyển hướng kinh doanh. Nghề sơn mài của xã đã ngừng sản xuất, nghề đan cót chủ yếu làm nhỏ lẻ tận dụng lao động, nghề làm đồ thờ cũng chỉ sản xuất cầm chừng.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre nứa ghép tại cơ sở của ông Vũ Hồng Hải, thôn Ngõ Trang, xã Liên Minh (Vụ Bản). |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trên của các nghề truyền thống như: suy giảm kinh tế kéo dài, thị trường trong nước và xuất khẩu trầm lắng, chi phí "đầu vào" nguyên vật liệu cao trong khi giá bán không tăng, hàng tồn kho nhiều, hiệu quả sản xuất thấp. Mặt khác nhiều làng nghề truyền thống chưa có sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên thị trường; mẫu mã sản phẩm đơn điệu, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề không đủ năng lực xuất khẩu trực tiếp, việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp đầu mối dẫn đến thiếu chủ động. Nghề thủ công mỹ nghệ từ tre nứa ghép, mây tre đan ở Vĩnh Hào, Liên Minh (Vụ Bản); Yên Tiến (Ý Yên); Trực Tuấn (Trực Ninh)… chủ yếu là gia công sản phẩm nên hiệu quả đầu tư, lợi nhuận không cao, không chủ động được thị trường. Doanh nghiệp, làng nghề hạn chế việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường… Việc tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn, giúp các làng nghề truyền thống phát triển bền vững cần sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách; tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển hạ tầng nông thôn. Nhân rộng mô hình liên kết giữa các làng nghề, cơ sở sản xuất với các vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thông tin, định hướng cho các địa phương trong việc lựa chọn phát triển ngành nghề, sản phẩm, tranh thủ các nguồn vốn chương trình khuyến công để dạy nghề cho người lao động; tiếp thu kinh nghiệm của các nghệ nhân, phát huy sáng tạo để từng bước sản xuất các sản phẩm đảm bảo chất lượng, có tính cạnh tranh cao có thể đứng vững trên thị trường. Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, lưu thông, bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nghiệp vụ quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp…
Bài và ảnh: Thành Trung