Công tác khuyến nông, khuyến ngư góp phần nâng cao trình độ sản xuất của nông dân

07:05, 02/05/2013

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác khuyến nông - khuyến ngư (KNKN), góp phần nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Mỗi năm, hệ thống KNKN trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Trung tâm KNKN tỉnh (Sở NN và PTNT) đã in và phát hàng chục nghìn bản hướng dẫn về quy trình kỹ thuật sản xuất cây trồng, con nuôi mới. Nhờ vậy, kiến thức và kỹ năng, trình độ sản xuất của người nông dân được nâng lên. Năm 2012, hệ thống KNKN toàn tỉnh đã tổ chức được 733 lớp tập huấn cho hơn 50 nghìn lượt người tham gia; mở 2 lớp tập huấn nghiệp vụ khuyến nông cho 60 cán bộ khuyến nông từ tỉnh tới cơ sở theo chương trình khuyến nông Trung ương; 1 lớp tập huấn về kỹ năng sư phạm dạy nghề cho lao động nông thôn (TOT). Bên cạnh công tác tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ, Trung tâm KNKN tỉnh còn phối hợp với các địa phương xây dựng 377 mô hình khảo nghiệm, trình diễn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau, nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Trong lĩnh vực trồng trọt, Trung tâm đã khảo nghiệm tập đoàn giống lúa gồm 59 giống lúa tại HTX Hùng Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy) và HTX Minh Tân, xã Minh Tân (Vụ Bản) nhằm xác định giống triển vọng phù hợp với tập quán canh tác và thổ nhưỡng của các địa phương. Qua đó đã xác định được các giống lúa lai như: Xuyên Hương 178, Kinh Sở ưu 137 năng suất đạt 79-81 tạ/ha, có chất lượng gạo ngon hơn giống lúa D.ưu 527; các giống lúa thuần như: RVT năng suất đạt 60-67 tạ/ha, Trân Châu hương năng suất đạt 62,5-70,7 tạ/ha, cao hơn giống lúa đối chứng là Bắc Thơm số 7 từ 12-18%, chất lượng gạo ngon, chỉ nhiễm nhẹ bệnh bạc lá ở vụ mùa… Đặc biệt, 2 giống lúa RVT và Nam Định 5 có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với yêu cầu xây dựng cánh đồng mẫu lớn và hiện đang được nhân ra diện rộng.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh thái tại hộ ông Phạm Văn Hải, xóm Thi Châu B, xã Nam Dương (Nam Trực).
Mô hình chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh thái tại hộ ông Phạm Văn Hải, xóm Thi Châu B, xã Nam Dương (Nam Trực).

Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Trung tâm đã xây dựng mô hình gieo cấy lúa bằng phương thức sạ hàng rộng - hàng hẹp. Năm 2012, mô hình được triển khai tại 2 huyện Nam Trực và Giao Thủy với quy mô 28ha đã đem lại hiệu quả kinh tế khi giá trị thu nhập tăng 4-5 triệu đồng/ha. Vụ xuân 2013, diện tích gieo sạ toàn tỉnh được mở rộng lên 12 nghìn ha, chiếm 15,6% tổng diện tích gieo cấy lúa xuân. Cùng với gieo sạ hàng, Trung tâm tiếp tục xây dựng mô hình cơ giới hóa khâu làm đất với quy mô 12 máy tại 9 huyện bằng máy làm đất có công suất 24-25HP. Đặc biệt, mô hình cánh đồng mẫu lớn và mô hình thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp của Trung tâm KNKN tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng tại các địa phương. Từ các mô hình trên, đến nay toàn tỉnh có trên 6.485 máy làm đất, 1.869 công cụ sạ hàng, 227 máy gặt đập liên hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện điều kiện lao động cho nông dân. Với mục tiêu hướng đến những phương pháp canh tác mới, áp dụng công nghệ sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường, Trung tâm KNKN tỉnh còn xây dựng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (VietGAP) được triển khai ở HTX Mỹ Trung, xã Thành Lợi (Vụ Bản); thực hiện mô hình nuôi lợn thịt an toàn sinh học và áp dụng quy trình VietGAP tại xã Giao Long (Giao Thủy) và Mỹ Hưng (Mỹ Lộc), quy mô 80 con; sau 3 tháng nuôi trọng lượng trung bình của đàn lợn đạt 88,7kg/con. Trong lĩnh vực thủy sản, Trung tâm KNKN tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi tôm chân trắng với quy mô 0,25ha theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Giao Phong (Giao Thủy). Những mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của nông dân, giúp họ hiểu rằng chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo gắn kết sản xuất với thị trường, mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, các mô hình nuôi tôm càng xanh; mô hình con nuôi đặc sản, con nuôi mới như: cá hồng mỹ, cua biển, cá bống bớp tại các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng cho hiệu quả kinh tế cao, thu lãi từ 160-540 triệu đồng/ha. Trong sản xuất muối, Trung tâm đã đưa mô hình sản xuất muối trải bạt HDPE công nghệ cao tại các xã Hải Chính (Hải Hậu) và Bạch Long (Giao Thủy) với diện tích 0,5ha/mô hình. Kết quả năng suất muối của mô hình tăng 40%, lãi thuần tăng 50% so với sản xuất truyền thống, mở ra phương thức sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao cho diêm dân và bảo đảm VSATTP cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trên thực tế việc nhân rộng các mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái, nuôi tôm càng xanh… còn chậm. Nhiều xã chưa có mô hình, nông dân chưa được tập huấn. Công tác tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân chưa đồng đều ở các vùng, miền và chưa rộng khắp trên địa bàn tỉnh… Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác KNKN trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới các ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác KNKN; phối hợp với các cơ quan khoa học, doanh nghiệp tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào quản lý và sản xuất. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống KNKN từ tỉnh đến cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ứng dụng, chuyển giao nhanh các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo VSATTP, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com