Nhân rộng mô hình trồng khoai tây đông theo phương pháp làm đất tối thiểu

08:02, 27/02/2013

Trồng khoai tây vụ đông theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ không những cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao mà còn khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần cải tạo đất và mở ra hướng trồng khoai tây vụ đông trên đất cấy 2 vụ lúa ở các địa phương.

I - Hiệu quả bước đầu

Từ thực tế hiệu quả các mô hình trồng khoai tây vụ đông theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ trong 3 năm (2009-2011), năm 2012 UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ kinh phí để 9 huyện trên địa bàn tỉnh xây dựng mỗi huyện 1 mô hình trồng khoai tây theo phương pháp này với quy mô 1 mẫu (3.600m2)/mô hình. Vụ đông năm 2012, hầu hết các địa phương đều trồng 3.600m2, trong đó nhiều nhất là xã Xuân Phong (Xuân Trường) trồng 5.040m2, đưa tổng diện tích trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ của toàn tỉnh đạt 3,42ha. Do ảnh hưởng của bão số 8 và mưa liên tục kéo dài sau bão nên việc triển khai mô hình của các huyện chậm lại. Nông dân lại phải thu hoạch sớm 15-20 ngày so với thời gian sinh trưởng của cây khoai tây đông để kịp làm đất cấy lúa vụ xuân 2013 nên chưa phát huy hết tiềm năng năng suất. Tuy nhiên, nhiều mô hình trồng khoai tây đông theo phương pháp làm đất tối thiểu vẫn đạt năng suất khá như: Xã Trực Chính (Trực Ninh) đạt 540kg/sào (1,5 tấn/ha), xã Xuân Phong (Xuân Trường) đạt 525kg/sào, xã Minh Thuận (Vụ Bản) đạt 500kg/sào, xã Hải Bắc (Hải Hậu) đạt 500kg/sào, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) đạt 450 kg/sào… Năng suất bình quân của 9 mô hình đạt 445kg/sào (1,24 tấn/ha).  Hạch toán kinh tế, bình quân tổng doanh thu 4.895 nghìn đồng/sào, lãi ròng đạt 3.193 nghìn đồng/sào (89 triệu đồng/ha). Lãi ròng cao nhất là mô hình của xã Trực Chính đạt 4.300 nghìn đồng/sào (gần 120 triệu đồng/ha); tiếp đến là mô hình xã Xuân Phong (Xuân Trường) đạt 4.101 nghìn đồng/sào (gần 114 triệu đồng/ha)… Kết quả trên cho thấy hiệu quả kinh tế của cây khoai tây đông trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ rất cao: tổng thu bình quân 4.895 nghìn đồng/sào (gần 136 triệu đồng/ha), lãi ròng bình quân 3.193 nghìn đồng/sào (89 triệu đồng/ha), trong khi tổng thu bình quân chung từ trồng trọt toàn tỉnh năm 2012 đạt 90 triệu đồng/ha. Xã Xuân Phong (Xuân Trường) có truyền thống trồng khoai tây đông hàng chục năm nay đã hạch toán để so sánh giữa trồng khoai tây đông theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ với trồng khoai tây đông truyền thống trong vụ đông năm 2012: Về sản lượng, phương pháp trồng mới đạt 525kg/sào, tăng 90kg/sào so với phương pháp trồng truyền thống. Do giảm công làm đất và tăng năng suất nên mỗi sào trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu lợi nhuận tăng 1.340 nghìn đồng/sào so với phương pháp trồng truyền thống (trên 37 triệu đồng/ha) (!). Đồng chí Trần Văn Hội, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho rằng, nếu tính chi li, hiệu quả còn cao hơn vì công thu hoạch chỉ bằng 1/2, công tưới cũng chỉ bằng nửa… so với cách trồng khoai tây truyền thống. Đặc biệt khi thu hoạch không phải cuốc nên chất lượng củ tốt hơn, ít bị xây xát vỏ… Anh Trịnh Văn Diện, thôn An Trạch, xã Trực Chính (Trực Ninh) trồng 3.600m2 khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ trong vụ đông năm 2012 khẳng định: “Vùng đất này trồng cây vụ đông thì chưa có loại cây nào “ăn đứt” được cây khoai tây trồng theo phương pháp mới này…”.

Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ ở Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc).
Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ ở Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc).

II - Cần sớm nhân rộng mô hình

Không chỉ 9 mô hình trồng khoai tây đông theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ trong năm 2012 mà cả 5-6 mô hình trồng theo phương pháp này từ năm 2009 đến nay của Chi cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư xây dựng đều khẳng định hiệu quả cao hơn 700-1.311 nghìn đồng/sào so với cách trồng khoai tây truyền thống trên đất màu (19,5-36,4 triệu đồng/ha). Ngoài ra mô hình mới này còn góp phần giúp nông dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Từ nhiều năm nay, người nông dân ít dùng rơm rạ trong đun nấu nên sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ thường được đốt tại ruộng, vừa ô nhiễm môi trường, vừa làm chai đất ruộng và diệt thiên địch. Nếu nhân rộng được mô hình trồng khoai tây đông theo phương pháp làm đất tối thiểu sẽ hạn chế rất nhiều hiện tượng trên vì cứ 1 sào trồng khoai tây theo phương pháp này tận dụng được 3-4 sào rạ. Số rạ này sau khi thu hoạch khoai tây đã ải mục, trở thành lượng phân hữu cơ lớn trả lại độ phì nhiêu cho đất trong điều kiện hiện nay lượng phân chuồng bón ruộng hầu như không có. Những năm qua, tỉnh và các địa phương đã phát động mở rộng diện tích trồng vụ đông với nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ nhưng việc mở rộng vẫn rất ỳ ạch. Bởi vì những cây dễ trồng ít phải chăm sóc, dễ nhân rộng là đậu tương đông, các cây cho hiệu quả kinh tế cao như: dưa chuột, cà chua, bầu, bí… lại yêu cầu rất khắt khe về thời vụ (chỉ trong tháng 9 hoặc đến 10-10 là phải gieo trồng xong) và cũng “kén” đất trồng. Cây khoai tây đông trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu không “kén” đất, không khắt khe về thời vụ, rất thích hợp với vụ đông, chỉ cần đủ thời gian sinh trưởng (90 ngày) và cho hiệu quả kinh tế cao. Đây chính là cơ hội cho các địa phương mở rộng diện tích trồng cây vụ đông cho thu nhập cao trong xây dựng NTM. Song để nhân rộng mô hình này các địa phương cũng phải lường trước những khó khăn. Đó là thời vụ trồng khoai tây đông theo phương pháp này cũng phải từ trung tuần cho đến cuối tháng 10, chậm nhất cũng chỉ là những ngày đầu tháng 11 thì đến khi thu hoạch mới cho năng suất cao nhất, đặc biệt không để khoai tây bị úng từ lúc trồng đến khi thu hoạch. Để phát triển cây khoai tây đông theo phương pháp này, các địa phương phải nghĩ ngay đến xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản giống, bảo quản sau thu hoạch. UBND tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ các cá nhân, tập thể xây dựng kho lạnh từ nhiều năm nay, đặc biệt là chuẩn bị đầu ra cho cây khoai tây đông trước khi mở rộng đại trà. Mặc dù sản phẩm khoai tây có thể làm lương thực, làm thực phẩm đều tốt nhưng tình trạng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là được mùa thì mất giá, nhất là khi sản xuất đại trà với khối lượng sản phẩm lớn thì vấn đề đầu ra là quyết định khi yếu tố đầu vào đang thuận lợi. Bởi vậy tỉnh cần đưa cây khoai tây thành một trọng điểm trong phát triển cánh đồng mẫu lớn vụ đông để huy động nguồn lực, huy động các doanh nghiệp tham gia cùng nông dân sản xuất, tiêu thụ khoai tây. Về lâu dài, hướng đến việc có một nhà máy chế biến khoai tây với công suất lớn trên địa bàn tỉnh.

Mô hình trồng khoai tây đông theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ, mở ra hướng đi mới trong mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. Thuận lợi, thời cơ đã có, vấn đề tổ chức sản xuất, nhất là tìm đầu ra cho cây khoai tây đông là yếu tố quyết định. Nếu giải quyết được bài toán tiêu thụ sản phẩm cho cây khoai tây đông thì vụ đông ở tỉnh ta không chỉ dừng lại ở 30%, 40%... mà có thể đạt 70-80% diện tích canh tác và hiệu quả thu nhập trên 100 triệu đồng cho mỗi ha canh tác là trong tầm tay. Đây cũng là một trong những động lực để các địa phương xây dựng thành công 19 tiêu chí NTM./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com