Để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, đồng thời khuyến khích hành khách vào bến lên xe, không đón xe dọc đường, ổn định hoạt động vận tải tuyến cố định, Sở GTVT đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bến xe.
|
Thanh tra giao thông (Sở GTVT) kiểm tra việc chấp hành quy định vận tải hành khách tại Bến xe Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng). |
Sở GTVT đã tăng cường quản lý hoạt động của bến xe khách theo Thông tư 24/2010/TT-BGTVT và Quy chuẩn kỹ thuật về bến xe khách (QCVN 45:2012/BGTVT) của Bộ GTVT; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT đối với các bến xe do doanh nghiệp, HTX quản lý, khai thác. Sở GTVT đã xây dựng Quy hoạch bến xe khách trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thu hút đầu tư cải tạo, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ bến xe, đáp ứng yêu cầu phục vụ hành khách, góp phần điều tiết hoạt động vận tải khách của các huyện, thành phố. Nhờ nỗ lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, đến nay, toàn tỉnh có 11 bến xe ô tô khách đạt quy chuẩn (trong đó có 10 bến loại 4 trở lên) và 1 trạm dừng nghỉ Nam Sơn (TP Nam Định) được xây dựng theo quy hoạch, khang trang, đúng quy chuẩn, đảm bảo phục vụ trên tuyến vận tải hành khách liên tỉnh. Trong năm 2015 có hai bến xe được xây mới gồm Bến xe khách phía Nam và Bến xe Quất Lâm. Trong đó, Bến xe khách phía Nam mới tại xã Nghĩa An (Nam Trực), được đưa vào khai thác từ tháng 7-2015. Bến được xây dựng theo quy hoạch, nhằm giải quyết hạn chế cấp bách của bến xe phía Nam cũ; đồng thời khắc phục tình trạng trong nhiều năm huyện Nam Trực chưa có bến xe. Bến xe có tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng; đạt quy mô bến loại III với tổng diện tích hơn 10 nghìn m2, hạ tầng cơ sở của bến được đầu tư cơ bản đạt chuẩn quy mô bến loại I. Công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự khu vực bến xe cũng được Sở GTVT tăng cường chỉ đạo. Sở GTVT cũng chú trọng tập huấn, phổ biến các nghị định, thông tư về quản lý vận tải khách và bến xe của Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cho các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp, người kinh doanh vận tải bằng ô tô; thực hiện nghiêm túc các biện pháp xử lý vi phạm như: thu hồi phù hiệu, thu hồi quyết định chấp thuận khai thác tuyến và đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam thu hồi chấp thuận khai thác đối với các xe không đảm bảo, chấp hành đúng quy định, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm của phương tiện và người kinh doanh.
Việc siết chặt quản lý từ phía ngành chức năng đã từng bước đạt hiệu quả tích cực. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe cũng chủ động nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ xe ra, vào bến xe khách; phục vụ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách và phương tiện. Các bến đều thực hiện nghiêm túc quy trình giải quyết cho xe ra vào bến; tập trung kiểm tra trước giờ xuất bến, đảm bảo phương tiện xuất bến an toàn, đúng quy định. Trong đó, chú trọng kiểm tra biển kiểm soát của xe, phù hiệu tuyến cố định, niêm yết trên xe...; điều kiện ATGT của xe ô tô; điều kiện của lái xe; các tiêu chí theo nội dung chất lượng dịch vụ đã đăng ký với cơ quan quản lý tuyến và số lượng khách trên xe trước giờ xuất bến... Các bến xe đều đã công khai tại bến các thủ tục hành chính, quy trình xuất, nhập bến, điều kiện của xe chạy tuyến cố định, thời gian biểu chạy xe, giá vé, quy chế làm việc, quy chế tiếp công dân, nội quy bến bãi, giá dịch vụ tại bến xe… để hành khách biết, cùng giám sát việc thực hiện. Các bến đều đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra thủ tục hành chính trước giờ xuất bến, đồng thời loại bỏ các phương tiện chưa đăng ký với cơ quan quản lý tuyến, niên hạn của xe so với cự ly vận chuyển. Các bến xe đã phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Công an các huyện, thành phố, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác đảm bảo tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực bến xe. Chủ động thực hiện nghiêm việc ký hợp đồng đón, trả khách tại bến xe với các doanh nghiệp, HTX có xe khai thác. Nhờ đó, đến thời điểm hiện nay, tuyến xe khách chất lượng cao Nam Định - Hà Nội đã duy trì nền nếp việc bán và kiểm soát vé tại quầy vé trong bến, không bắt, trả khách dọc đường, không bán vé trên xe, vừa bảo đảm văn minh, lịch sự, vừa bảo vệ quyền lợi cho hành khách; số lượng hành khách vào bến mua vé, lên xe đã ngày một tăng lên; giảm tình trạng dừng xe bắt khách bên ngoài bến xe./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy