Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1-2020

08:01, 02/01/2020

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2020

Nghị định 90/2019/NĐ-CP ban hành ngày 15-11-2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

Theo đó, từ ngày 1-1-2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng so với mức áp dụng năm 2019.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I tăng từ 4.180.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II tăng từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV tăng từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.

Tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Nghị định 93/2019/NĐ-CP ban hành ngày 25-11-2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện (Quỹ) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15-1-2020.

Theo đó, Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Quỹ được phối hợp với cá nhân, tổ chức để vận động quyên góp, vận động tài trợ cho quỹ hoặc để triển khai các đề án, dự án cụ thể của quỹ theo quy định của pháp luật; phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân cần sự trợ giúp để xây dựng và thực hiện các đề án tài trợ theo mục đích hoạt động của quỹ.

Quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước

Nghị định 73/2019/NĐ-CP ban hành ngày 5-9-2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.

Nghị định này quy định quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sau: Dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách Nhà nước; các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Hỗ trợ tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống không quá 3 tỷ đồng/1 công trình

Nghị định 83/2019/NĐ-CP ban hành ngày 12-11-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.

Về nội dung chi của Quỹ phòng, chống thiên tai, Nghị định sửa đổi: Chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai và hoạt động cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai; tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng chống thiên tai được hỗ trợ kinh phí tối đa không quá 3 tỷ đồng/1 công trình (quy định cũ nhỏ hơn 1 tỷ đồng/công trình).

Quy định chi tiết 4 điều kiện sản xuất phân bón

Nghị định 84/2019/NĐ-CP ban hành ngày 14-11-2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.

Nghị định quy định chi tiết điều kiện sản xuất phân bón như sau: 1- Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài; có nhà xưởng kết cấu vững chắc; tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng; 2- Dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất phân bón phải phù hợp với quy trình sản xuất từng loại phân bón, dạng phân bón quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; 3- Có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025 hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trừ các cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón; 4- Có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương, đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 1 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

Thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia

Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ban hành ngày 14-11-2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.

Nghị định quy định rõ việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Về thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, Nghị định quy định việc khai, sửa đổi, bổ sung thông tin khai có thể được thực hiện theo một trong hai hình thức tạo lập thông tin khai điện tử sau: 1- Tạo lập thông tin khai theo các tiêu chí, định dạng do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng theo chuẩn dữ liệu do Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia hướng dẫn; gửi đến Cổng thông tin một cửa quốc gia; 2- Khai trực tiếp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng

Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ban hành ngày 14-11-2019 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 15-1-2020.

Cụ thể, mức vốn pháp định đối với các loại hình ngân hàng, tổ chức tín dụng như sau: 1- Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng; 2- Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng; 3- Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng; 4- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD); 5- Công ty tài chính: 500 tỷ đồng; 6- Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng; 7- Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng; 8- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn: 0,5 tỷ đồng; 9- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam - Campuchia

Nghị định số 92/2019/NĐ-CP ban hành ngày 20-11-2019 của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2019-2020 có hiệu lực từ ngày 6-1-2020.

Bỏ quy định cấp chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C

Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6-6-2008 ban hành quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực từ ngày 15-1-2020.

Những chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT trước đó thì vẫn có giá trị sử dụng.

Các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.

Cho phép người chấp hành án được thay đổi nơi cư trú

Có hiệu lực thi hành từ ngày 22-1-2020, Thông tư 181/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ do quân đội quản lý, thi hành thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc.

Thông tư nêu rõ điều kiện thay đổi nơi cư trú, gồm: Bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về cư trú; được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

Lý do chính đáng phải thay đổi nơi cư trú, gồm: Đang sinh sống cùng gia đình mà gia đình chuyển đến nơi khác; chuyển đến ở với vợ hoặc chồng sau khi kết hôn; chuyển đến sinh sống cùng ông, bà, cha, mẹ, con để thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trong trường hợp ông, bà, cha, mẹ, con bị bệnh hiểm nghèo, con chưa thành niên không có khả năng lao động hoặc tự nuôi dưỡng…

Phạm nhân được nhận quà thân nhân gửi qua đường Bưu chính 2 lần/tháng

Theo Thông tư 182/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận quà và liên lạc với thân nhân bằng điện thoại có hiệu lực từ ngày 22-1-2020, mỗi tháng phạm nhân được nhận quà do thân nhân gửi qua đường Bưu chính 2 lần, mỗi lần không quá 3kg, nếu gửi 1 lần thì không quá 6kg.

Hướng dẫn mới về hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới

Thông tư 80/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Thông tư 80 có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2020, bãi bỏ Thông tư 217/2015/TT-BTC./.

PV


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com