Thời điểm sau Tết thường phát sinh một số tệ nạn xã hội như: bài bạc, trộm cắp, cướp giật tài sản, bói toán, ăn xin, uống rượu bia khi tham gia giao thông… đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường các biện pháp phòng, chống và tập trung tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác, nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật.
Tôi về quê nội ở xã Giao Tân (Giao Thủy) để ăn Tết. Mùng 2 Tết, tôi cùng mẹ chồng sang nhà hàng xóm chúc Tết và “tá hỏa” khi chứng kiến cảnh một sới bạc gia đình “nho nhỏ” gồm đủ các lứa tuổi. Ngay cạnh bàn uống nước giữa phòng khách, gia chủ trải 1 cái chiếu cũ, giữa chiếu bày bộ bài tú lơ khơ mới tinh và la liệt những tờ tiền có mệnh giá từ 10-100 nghìn đồng. Ngoài 4 người chơi chính, quanh chiếu bạc tự phát còn có vài người “chầu rìa”. Chủ nhà vừa cười vừa nói với chúng tôi, chơi “vui” là chính. Và mặc dù chỉ chơi cho vui nhưng sau khoảng 45 phút chứng kiến, tôi thấy có người “méo mặt” ra khỏi chiếu sớm khi đã… rỗng túi. Những chiếu bạc “nho nhỏ” này không chỉ tồn tại ở các vùng nông thôn mà còn xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Nam Định, thậm chí “tràn” cả vào giới công chức, viên chức, công nhân, người lao động... Sau vài câu hỏi thăm, chúc mừng năm mới, ở một xí nghiệp nọ, lập tức có người khép cửa phòng nháy mắt: “Chơi vui có thưởng lỳ xì đầu năm”. Có 5 người tuổi từ 25 đến 40 quây quanh 1 cỗ bài chơi theo kiểu đánh phỏm, ai “cháy” phỏm phải nộp 100 nghìn đồng. Sau một buổi sáng như thế, có người kiếm được từ vài trăm đến hàng triệu đồng và đương nhiên có thể cả tháng lương của ai đó sẽ “bay vèo” theo chiếu bạc.
Thời gian gần đây, bên cạnh việc đánh bạc dưới các hình thức đánh bài ăn tiền, xóc đĩa, lô đề... còn xuất hiện một số hình thức mới như cá độ bóng đá, đánh bạc dưới hình thức trò chơi điện tử, đánh bạc trực tuyến trên mạng internet... với thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, hoạt động cờ bạc ngày càng được các con bạc, nhà cái tổ chức chặt chẽ hơn, phân công người canh gác, có quy định ám hiệu… nhằm đối phó với cơ quan Công an. Thành phần tham gia đánh bạc rất đa dạng, từ thanh thiếu niên cho đến người lớn tuổi và những đối tượng hình sự, có nhiều tiền án, tiền sự, manh động, liều lĩnh. Các con bạc sát phạt nhau cả ngày lẫn đêm, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Từ cờ bạc sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cho xã hội, làm gia tăng nhiều loại tội phạm khác như cho vay nặng lãi, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản…, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và bức xúc trong nhân dân. Tết đến xuân về còn là dịp để cho những hiện tượng như bói toán, mê tín dị đoan, ăn xin… hoành hành. Mặc dù năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên địa bàn tỉnh không tổ chức các lễ hội nhưng tại một số chùa chiền, phủ… vẫn không khó để bắt gặp những người đi xem bói “dạo” đang chèo kéo, “mời” công khai khách xem tử vi, vận hạn trong năm. Đó là chưa kể đền, chùa miếu mạo nào cũng thường kê những chiếc bàn nhỏ đặt ở 2 bên cửa các bàn xóc thẻ, giải tử vi. Tại những nơi này, du khách phải trả từ 20-50 nghìn đồng (bao gồm cả tiền rút lá số tử vi và nghe “thầy” giải quẻ). Theo quan sát của chúng tôi, có những thầy giải quẻ có thể thu tới vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Khu vực chùa chiền, các chợ dân sinh, các ngã ba, ngã tư… còn là nơi “hành nghề”, kiếm sống cho lực lượng “cái bang” lợi dụng lòng thương của người qua đường để trục lợi. Cá biệt, trong số họ còn có những người “giả” bị khuyết tật, lợi dụng trẻ em để kiếm tiền bất chính. Mặc dù đã có quy định cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông, tuy nhiên vào thời điểm sau Tết, trong các buổi liên hoan, tụ họp, tình trạng sử dụng rượu, bia nhưng vẫn tham gia giao thông đang có dấu hiệu “tăng nhiệt” trở lại. Sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ gây nên những hậu quả khôn lường. Không chỉ uống rượu bia, qua theo dõi thực tế, Tết cũng là dịp gia tăng tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, trên các tuyến phố, đặc biệt là các vùng nông thôn vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, xe đạp điện... Ngoài tệ nạn cờ bạc, bói toán, uống rượu bia khi tham gia giao thông, dịp sau Tết còn hay xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản, cướp giật. Thời điểm này, kẻ trộm thường lợi dụng sự chủ quan của các gia đình để trộm xe máy, vật dụng có giá trị, vàng, tiền mặt… Tại những nơi đông người như khu vui chơi, giải trí, chợ, các siêu thị, nhà hàng… lợi dụng chỗ đông người kẻ gian còn tiến hành các hoạt động móc túi, cướp giật… Đối tượng có thể hoạt động đơn lẻ hoặc đi theo nhóm, lợi dụng sự chen chúc, xô đẩy để móc túi, giật đồ trang sức bằng vàng, túi xách, điện thoại di động... Đặc biệt, các đối tượng cướp giật thường hay “nhắm” đến là phụ nữ và người có tuổi. Vì vậy, người dân khi tham gia giao thông hoặc đi chơi, du xuân nếu đeo trang sức có giá trị cần phải mặc áo dài tay, áo kín cổ và nên đi theo nhóm để có thể hỗ trợ lẫn nhau khi cần.
Nhằm hạn chế các tệ nạn xã hội vào dịp sau Tết Nguyên đán, bên cạnh sự “vào cuộc” mạnh mẽ của lực lượng Công an, chính quyền các địa phương cũng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để người dân nâng cao cảnh giác, đấu tranh với những thói hư tật xấu, thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới ở cơ sở. Đồng thời vận động, khuyến khích người dân chủ động tố giác các tệ nạn xã hội, hành vi tiêu cực để lực lượng chức năng kịp thời vào cuộc điều tra, xử lý./.
Hoa Quyên