Những năm qua, các cấp, các ngành huyện Nam Trực đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Nam Trực phối hợp với các cơ quan trong huyện chuẩn bị nội dung tuyên truyền pháp luật tới nhân dân. |
Đồng chí Vũ Tiến Duật, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho biết: "Để kịp thời đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện. Theo đó, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật tập trung vào các quy định pháp luật mới của Trung ương và địa phương, nhất là các quy định về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường, cải cách hành chính, khiếu nại, tố cáo… và các quy định liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, việc triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các phòng, ban, xã, thị trấn đã triển khai nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin pháp luật. Mặt khác, việc mở rộng đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng thường xuyên được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm và chú trọng thực hiện thông qua các Đề án như “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”; “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động”; “Đề án tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn”; “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”... Tiêu biểu như Công an huyện đã tổ chức hàng chục buổi phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, người lao động; Phòng Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, người khuyết tật, phụ nữ đặc thù... Song song với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở được các xã, thị trấn thực hiện có hiệu quả. Hiện toàn huyện có 377 tổ hòa giải với 2.083 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải thực hiện 60 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành 48 vụ, đạt 80%, góp phần duy trì, củng cố đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật cũng được chú trọng thực hiện. 100% các xã, thị trấn có tủ sách pháp luật, bình quân mỗi tủ sách có trên 250 đầu sách, qua đó tạo điều kiện cho cán bộ, nhân dân đến tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật. Là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng chí Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng, cho biết: "Những năm gần đây, trên địa bàn xã thực hiện nhiều dự án của tỉnh, huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của xã, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp". Trên địa bàn xã hiện có 2 cụm công nghiệp với 10 doanh nghiệp và gần 6.000 công nhân là người địa phương và các nơi khác tham gia lao động sản xuất, do đó, cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông, cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn lao động… Để hạn chế những vấn đề phát sinh, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến các lĩnh vực nêu trên thông qua tuyên truyền trên đài truyền thanh xã; lồng ghép qua các hội nghị giao ban, các buổi sinh hoạt cộng đồng và cấp, phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật. Đặc biệt, xã chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các buổi tiếp công dân tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, chế độ trợ cấp, chế độ, chính sách, ô nhiễm môi trường… để người dân, doanh nghiệp hiểu các quy định của pháp luật ở từng lĩnh vực, từ đó tự nguyện chấp hành, góp phần tích cực vào việc kiềm chế, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng nếp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của nhân dân trong xã. Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Nam Trực đã tổ chức 150 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cấp phát gần 5.000 tài liệu pháp luật, phát sóng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh gần 1.500 lượt tin, bài và các nội dung liên quan đến pháp luật. Hiện nay ở tất cả 20 xã, thị trấn trong huyện đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 100% các thôn, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Nam Trực tăng cường quán triệt thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản khác có liên quan để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Coi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật “là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị”. Quan tâm tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chú trọng củng cố, phát huy vai trò của người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, đơn vị và nhất là UBND các xã, thị trấn. Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, đối tượng./.
Bài và ảnh: Văn Trọng