Giao Thủy phát huy vai trò tổ hòa giải ở cơ sở

06:06, 18/06/2019

Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Ðảng và chính quyền địa phương, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Giao Thủy có nhiều chuyển biến tích cực; việc hình thành, củng cố các tổ hòa giải ở các thôn, xóm, tổ dân phố đã đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả. Qua đó đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm; hạn chế các vi phạm pháp luật ở cơ sở.

Các thành viên tổ hòa giải ở tổ dân phố số 4, Thị trấn Ngô Đồng trao đổi công việc.
Các thành viên tổ hòa giải ở tổ dân phố số 4, Thị trấn Ngô Đồng trao đổi công việc.

Xác định vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm UBND huyện Giao Thủy ban hành nhiều văn bản, đồng thời rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tổ hòa giải, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ðặc biệt, ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành, UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; lồng ghép với tuyên truyền văn bản pháp luật khác; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các hoạt động hưởng ứng, tham gia hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc; qua các hoạt động hưởng ứng ngày pháp luật... từ đó giúp cán bộ, nhân dân hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải, tạo ý thức tôn trọng pháp luật, tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mặt khác huyện thường xuyên bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho những người thực hiện quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; 100% công chức thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn đều được tham dự các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và UBND huyện tổ chức. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã tổ chức 25 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải cho gần 5.000 lượt hòa giải viên; tổ chức tuyên truyền pháp luật về hòa giải được 1.000 cuộc cho gần 20 nghìn lượt người. Phòng Tư pháp đã biên soạn và phát hành trên 1.500 cuốn Sổ tay hòa giải ở cơ sở, cung cấp trên 120 nghìn tờ gấp pháp luật cấp phát cho tổ hòa giải ở cơ sở và người dân trên địa bàn; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các xã, thị trấn kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải và các tổ hòa giải tại 100% thôn dân cư. Hiện nay, toàn huyện có 322 tổ hòa giải với 2.521 hòa giải viên. Cùng với việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, các phòng, ban và các xã, thị trấn trong huyện cũng đã thường xuyên phối hợp, lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào tại cộng đồng dân cư, gắn công tác hòa giải với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Thực tiễn cho thấy, việc phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên cơ sở là điểm mấu chốt giúp “hóa giải” các mâu thuẫn, tranh chấp hay những xích mích trong các mối quan hệ tại cộng đồng dân cư, góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính… đồng thời hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Ở tổ dân phố số 4, Thị trấn Ngô Ðồng có hơn 400 hộ dân, chủ yếu hoạt động kinh doanh thương mại nên những mâu thuẫn hàng ngày liên quan đến việc mua bán, tập kết hàng hóa thường xuyên xảy ra. Ðồng chí Nguyễn Thanh Bình, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố số 4 cho biết: Bám sát đặc thù địa bàn, tổ hòa giải đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo đảm hành lang an toàn giao thông, vận động bà con ứng xử có văn hóa trong hoạt động kinh doanh. Với phương châm bám sát cơ sở, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, những năm qua, tổ hòa giải của khu phố luôn hòa giải thành 100% các vụ việc phát sinh tại địa bàn, không có vụ nào phải chuyển lên UBND thị trấn.

Ðồng chí Nguyễn Thành Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn huyện trong những năm qua đang từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả. Trung bình mỗi năm, toàn huyện tiếp nhận và hòa giải từ 60 đến 80 vụ, việc, tỷ lệ hòa giải thành luôn đạt từ 87% đến 90%. Ðối với những vụ việc hòa giải không thành đều được hòa giải viên hướng dẫn chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài…. Tuy nhiên, công tác hòa giải ở Giao Thủy hiện còn gặp nhiều vướng mắc do sự phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể có liên quan trong công tác hòa giải đôi lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ. Công tác tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và phổ biến kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp tài liệu pháp luật cho hòa giải viên chưa được thường xuyên. Phong trào hòa giải chưa được thực hiện đồng đều trong phạm vi toàn huyện; một số tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức; bên cạnh đó trình độ dân trí của người dân không đồng đều gây khó khăn cho công tác hòa giải cơ sở. Ðể tiếp tục phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới huyện Giao Thủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải; thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; quan tâm bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; quan tâm củng cố tổ chức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com