Đang là thời điểm giữa hè, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng các quán hàng bán đồ uống giải khát với đa dạng mặt hàng trà sữa, sinh tố, chè, nước mía, nước dừa, trà chanh… vẫn “nở rộ” trên các tuyến phố đáp ứng nhu cầu mua mang về của người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các quán kinh doanh đồ uống này có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (?).
Một cơ sở kinh doanh đồ uống sinh tố, nước ép hoa quả trên đường Quang Trung (thành phố Nam Định). |
Trong những ngày nắng nóng vừa qua, các quán nước giải khát trên các hè phố ở thành phố Nam Định luôn đông khách. Do đây là mặt hàng nước uống bình dân, được chế biến đơn giản, chủ yếu từ nguyên liệu thiên nhiên và có giá thành phù hợp nên thu hút khá đông người tiêu dùng có mức thu nhập thấp. Tại quán nước mía vỉa hè trên trục đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) chúng tôi không khỏi băn khoăn khi chứng kiến quy trình pha chế của chủ quán. Mía đã cạo vỏ được đựng trong các xô nhựa đặt dưới đất, không được che đậy, vô tư hứng bụi. Khách ghé quán gọi vài cốc nước mía, người bán nhanh nhẹn lấy từng đoạn mía bỏ vào máy ép, xung quanh ruồi nhặng vẫn vo ve. Nước mía ép xong được đựng trong chiếc bình nhựa cũ bẩn, sau đó đổ vào những chiếc cốc nhựa, người bán lấy tay trần bốc cả nắm đá viên bỏ vào cốc và dập nắp để khách mang đi. Chị Lan, chủ quán cho biết, những ngày nắng nóng chị bán được khoảng 2-3 vác mía, mỗi vác 10 cây với khoảng 40-50 cốc nước, có giá từ 5-10 nghìn đồng/cốc. Bên cạnh nước mía, trà sữa cũng là loại đồ uống giải nhiệt mùa hè được giới trẻ yêu thích. Với một chút ngậy của sữa pha thêm một chút đắng của trà kết hợp hài hòa với công thức riêng của mỗi cửa hàng đã tạo ra thức uống “hot” hiện nay. Qua tìm hiểu, đa số các quán trà sữa nhỏ lẻ, tự phát trên địa bàn thành phố hiện nay sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc. Những loại bột trà, bột sữa được đóng trong túi lớn không nhãn mác, không thông tin về nhà sản xuất hay hạn sử dụng. Đáng lo ngại là những loại siro mang đủ hương vị, màu sắc được pha chế vào những cốc trà sữa hầu hết được tạo thành từ hóa chất, không phải mùi thơm tự nhiên của trái cây. Trong vai thực khách, chúng tôi vào một quán trà sữa khá nổi tiếng ở đường Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) gọi ly trà sữa vị bạc hà. Rất nhanh, cô chủ quán nhấc chiếc chai nhựa màu trắng đục, trên chai không có tem nhãn, hạn sử dụng của nhà sản xuất, sau khi lắc đều, cô rót ra một lượng dung dịch sánh đặc màu xanh lá cây, tiếp tục thêm nước trà, sữa tươi và một thìa bột lọc màu tím, bao phim lên miệng cốc, hoàn tất việc pha chế ly trà sữa. Thắc mắc vì sao trà lại có màu xanh, cô cho biết ly trà này được pha chế từ siro vị bạc hà và thạch trân châu màu nho đen. Ngoài hương liệu bạc hà, cửa hàng còn có các loại hương liệu tạo màu, tạo mùi mang hương vị, màu sắc của các loại trái cây khác như: xoài, dâu, cam, táo, ổi... Loại đồ uống rất đỗi quen thuộc với nhiều người, nhất là nam giới, là trà đá. Trên vỉa hè các tuyến phố, bến xe hoặc cạnh các quán ăn..., đâu đâu cũng thấy quán bán trà đá. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết rằng, việc sử dụng nguyên liệu trà và quy trình pha chế không hợp vệ sinh có thể là mầm mống gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Giá trà đá hiện nay được bán từ 2.000 đến 5.000 đồng/cốc. Nghe thì rẻ nhưng nếu biết chi phí để “sản xuất” một cốc trà đá, nhiều người sẽ phải giật mình bởi mức lợi nhuận của sản phẩm này, bởi loại chè được pha hầu hết là loại rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hơn thế, các “quán cóc” vỉa hè thường xuyên tiếp xúc với các loại bụi bẩn, tạp chất từ môi trường và các phương tiện giao thông nên chắc chắn không thể đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, cũng do bán tạm bợ trên hè phố, điều kiện vệ sinh, như nước pha trà, nước rửa cốc chén... đều không có. Người bán đã vậy, nhưng người mua đa số cũng chỉ quan tâm đến tác dụng giải khát nhất thời và giá thành rẻ mà ít ai đặt dấu hỏi về chất lượng. Bên cạnh trà đá, món trà được yêu thích của giới trẻ hiện nay là trà chanh khiến người tiêu dùng lo lắng hơn cả. Qua tìm hiểu tại nhiều quán, nhất là quán vỉa hè nhận thấy cốc nước trà chanh hầu hết không được làm từ chanh quả mà sử dụng hóa chất pha chế gồm đường hóa học, bột trà, chất axit citric tạo vị chua và hương liệu để tạo mùi vị, có khi thêm vài lát chanh, quất để “đánh lừa” người tiêu dùng. Với một túi bột siêu trà (1 túi có 10 gói) kèm 50gr bột chanh tinh luyện, người bán có thể pha được 10 lít trà chanh, đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Bên cạnh đó, để tạo hương vị cho loại đồ uống này, người bán sử dụng một chất thơm để pha chế trà chanh, trà quất. Đây đều là loại chất thơm giá rẻ, không được kiểm soát chất lượng.
Bước vào mùa nắng nóng năm nay, các cơ quan chức năng gồm: Y tế, Công thương, NN và PTNT đã phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo ATVSTP đối với nhóm hàng thức uống giải khát mùa hè. Ban Quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh cũng tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết cung ứng hóa chất, phụ gia thực phẩm trong danh mục Nhà nước cho phép và thức uống mùa hè đảm bảo ATVSTP. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với kiên quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc giám sát nghiêm ngặt, thường xuyên từ ngành chức năng chưa được thường xuyên, liên tục nên nguy cơ mất ATVSTP rất dễ xảy ra. Vì vậy, mỗi khách hàng cũng nên có sự lựa chọn sáng suốt thực phẩm giải khát để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình trong dịp hè./.
Bài và ảnh: Hồng Minh