Ám ảnh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn

04:04, 09/04/2021

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trở thành nỗi nhức nhối ở một số địa phương trong tỉnh, đặc biệt ở khu vực thành thị. Các nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn phổ biến như: còi xe các loại; âm thanh phát ra từ nơi sản xuất, công trình xây dựng, hát karaoke tại khu dân cư, loa kéo, cửa hàng dùng loa quảng cáo… Ô nhiễm tiếng ồn tiềm ẩn nhiều nguy hại sức khoẻ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Các ban, ngành, đoàn thể phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị cho nhân dân.
Các ban, ngành, đoàn thể phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị cho nhân dân.

Muôn kiểu ô nhiễm tiếng ồn

Trong các nguồn gây ồn, tiếng ồn từ hoạt động sinh hoạt của người dân đang là vấn đề bức xúc cần được giải quyết. Thời gian qua, việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư dường như vẫn trông chờ vào ý thức của người dân là chính. “Phận là con gái, chưa một lần yêu ai... Buồn làm chi em ơi, lá xanh rồi cũng phai màu...”… Hết nhạc vàng, đến nhạc đỏ, rồi nhạc remix... những âm thanh liên tục phát ra từ loa nhà hàng xóm đến hơn 22h khiến gia đình bà P, ở thị trấn Gôi (Vụ Bản) vô cùng mệt mỏi. Bà P chia sẻ: “Ở cách nhà tôi 5 nhà là cửa hàng bán thiết bị âm thanh thường xuyên bật nhạc to từ 6h sáng đến tối. Một số gia đình gần đây cũng thường xuyên hát karaoke công suất lớn, có lúc không phải một hộ, mà mấy gia đình cùng hát, mỗi nơi một kiểu nhạc tạo ra thứ âm thanh hỗn tạp gây nhức đầu. Gia đình tôi có 2 cháu nội, một cháu đang học tiểu học thường xuyên bị mất tập trung khi làm bài tập ở nhà; một cháu nội vài tháng tuổi hay bị giật mình tỉnh giấc quấy khóc, con dâu liên tục kêu đau đầu. Hàng xóm với nhau, tôi đã nhỏ nhẹ nhắc vặn nhỏ âm lượng nhưng họ khó chịu và hôm sau lại tiếp diễn…”. Cùng cảnh ngộ như bà P, chị T.T.T, huấn luyện viên dạy Yoga tại khu vực xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) cho biết: “Không gian tập Yoga cần ưu tiên sự yên tĩnh trong lành, mặc dù thuê địa điểm dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu cách âm, nhưng những âm thanh khi hát karaoke công suất lớn từ nhiều hộ dân cùng lúc vẫn lọt vào phòng tập làm cả giáo viên và học viên mất tập trung…”. Hát karaoke để giải trí không phải là việc xấu, nhưng kiểu hát vặn loa to, hò hét xuyên trưa, xuyên tối pha trộn với các âm thanh hỗn tạp... bất chấp hàng xóm xung quanh thì thực sự là nỗi ám ảnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm trạng người khác. Đã có những xích mích, cãi cọ xung quanh việc mở loa to, hát karaoke gây tiếng ồn lớn và nếu không tìm được “tiếng nói chung”, biện pháp giải quyết sẽ tiềm ẩn những xung đột, bất hòa, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở khu dân cư.

Thời gian gần đây còn xuất hiện thêm kiểu hát karaoke, quảng cáo bằng loa kéo di động trên các tuyến đường đông dân cư để xin tiền, giới thiệu sản phẩm, mời mua hàng, nhất là khu vực chợ, quán ăn. Ngoài những đối tượng ăn xin “truyền thống”, hiện nay còn xuất hiện loại hình ăn xin khác bắt gặp dễ nhất tại nhiều điểm chợ, ngã tư trong thành phố là những người mù (hoặc giả mù), bị cụt chân tay, thanh niên trẻ khỏe dẫn theo 1 em bé đi thành cặp đẩy loa thùng hát rong xin tiền. Họ luồn lách mọi ngõ ngách như các khu chợ: Mỹ Tho, Lý Thường Kiệt, Hoàng Ngân, chợ Rồng, Diên Hồng, Hạ Long, các điểm ngã tư đèn xanh, đèn đỏ rồi hát hoặc bật nhạc xin tiền. Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực chợ Diên Hồng và ngã tư cầu đá tập trung khá nhiều những người ăn xin kiểu này. Hát với loa kéo công suất lớn khá phổ biến tại những quán trà chanh của giới trẻ, nhất là ở một số tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Nguyễn Du… Khi không có khách, chủ quán bật nhạc lớn để gây sự chú ý; khi có khách lại sử dụng loa kéo để phục vụ khách hát karaoke dù đã quá 22h tối.

Tiếng ồn từ các phương tiện tham gia giao thông cũng trở thành nỗi nhức nhối của nhiều gia đình sống ven các tuyến quốc lộ. Theo quy định hiện hành, âm lượng còi xe các phương tiện khi tham gia giao thông chỉ được phép dao động từ 90-115dBA. Tuy nhiên, một số phương tiện giao thông lắp còi có mức âm lượng lớn hơn quy định. Bà T.T.Y, từng sinh sống và bán hàng ở ven Quốc lộ 10, đoạn qua phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn của phương tiện giao thông phát ra nên tôi luôn thấy mệt mỏi, thính giác bị giảm đáng kể. Đặc biệt về đêm, nhiều xe ô tô vẫn bóp còi inh ỏi khiến nhiều người sống ven đường ngủ không ngon giấc”. Do không thể chịu đựng được những tiếng ồn ven đường Quốc lộ 10 nên bà Y đã bán nhà và chuyển đến một căn nhà ở khu phố nhỏ với không gian yên tĩnh hơn.

Một trong những nguồn tiếng ồn khá phổ biến đến từ hoạt động sản xuất, đặc biệt ở các làng nghề chế tạo cơ khí, mộc… Năm 2018, kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh cho thấy tiếng ồn tại một số làng nghề cơ khí, chế biến đồ gỗ vượt quy chuẩn cho phép (QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn) nhưng ở mức thấp. Cụ thể, tại làng nghề Tống Xá, xóm 2, xã Yên Xá (Ý Yên) có thông số tiếng ồn vượt giới hạn dưới 2 lần. Các cơ sở quy mô gia đình hầu hết không có các giải pháp giảm tiếng ồn trong quá trình sản xuất, khiến nhiều người dân sống xung quanh, nhất là người lao động trực tiếp, có biểu hiện ù tai, thính giác giảm.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Theo các chuyên gia nghiên cứu, ô nhiễm tiếng ồn chính là “sát thủ thầm lặng” của sức khỏe con người. Những người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường hay mất ngủ, dễ bị căng thẳng, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể, thậm chí là suy nhược thần kinh. Người đang điều trị bệnh mà sống nơi ồn ào, ô nhiễm thì quá trình hồi phục sẽ chậm hơn. Thực tiễn cho thấy, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn tại khu dân cư đang gặp những khó khăn nhất định: mức phạt tiền đối với hành vi gây ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng sau 22 giờ tới 6 giờ sáng hôm sau bị phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng theo Nghị định 167 (trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., ban hành năm 2013) là không đủ sức răn đe; thời gian xử phạt ngoài giờ hành chính cho nên chính quyền các cấp khó kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý vi phạm. Còn việc xử lý vi phạm hành chính các trường hợp gây tiếng ồn (trong lĩnh vực môi trường) theo quy định tại Nghị định số 155 (ban hành năm 2016) có mức phạt tiền cao hơn, nhưng bắt buộc phải có kết quả đo tiếng ồn bằng máy chuyên dụng của đơn vị có chức năng được Bộ TN và MT cấp giấy chứng nhận và thẩm quyền xử phạt lại chưa cho phép chính quyền cấp xã, phường được ra quyết định.

Với nguồn tiếng ồn từ còi xe các phương tiện tham gia giao thông. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó Mục 1 Chương II quy định xử phạt vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, phạt tiền từ 200-400 nghìn đồng đối với hành vi “bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm g khoản 1 Điều 5); từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng đối với hành vi “bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm b khoản 3 Điều 5)… Mặc dù quy định của pháp luật đối với việc sử dụng còi xe đã tương đối đầy đủ nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, việc xử phạt những người điều khiển giao thông vi phạm quy định về còi xe còn nhiều khó khăn do trong quá trình phát hiện, xử lý phương tiện giao thông lực lượng chức năng còn thiếu các thiết bị đo âm lượng.

Để giảm ô nhiễm tiếng ồn, thời gian qua các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng các quy ước, hương ước dựa trên sự đồng thuận của nhân dân. Đối với đám cưới quy định các gia đình không được sử dụng loa đài, văn nghệ quá 22h đêm. Việc tang lễ phải tiết kiệm, sử dụng loa đài phục vụ đám tang không quá 22 giờ và không mở loa đài trước 5 giờ sáng… Nhiều địa phương đã đưa việc thực hiện quy ước, hương ước thành một tiêu chí khi xem xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố, thôn, xóm văn hóa. Các lực lượng chức năng: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Quản lý thị trường tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm, các cơ sở sản xuất, bày bán các loại còi không đúng quy định… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông, những quy định của Luật Giao thông đường bộ; không lạm dụng bấm còi trên đường. Nhiều trường học mời cán bộ cảnh sát giao thông truyền đạt kiến thức pháp luật về ATGT, những điểm cần lưu ý khi tham gia giao thông cho giáo viên và học sinh. Đoàn Thanh niên các nhà trường phát động phong trào giữ gìn trật tự ATGT với các khẩu hiệu: “Văn hóa giao thông, đồng hành tuổi trẻ”, “Văn hoá giao thông là không tai nạn”, “Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”… Đến nay, 100% trường mầm non trong tỉnh đều đã xây dựng khu sân chơi giao thông để trẻ được trải nghiệm, sớm hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng cộng đồng khi tham gia giao thông; tại nhiều trường đã tận dụng ngay cả hệ thống tường bao, bảng tin để vẽ các khẩu hiệu, biển báo ATGT tuyên truyền pháp luật về ATGT…

Thời gian tới, để kiểm soát tiếng ồn, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiên quyết xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm về tiếng ồn. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh./.

Bài và ảnh: Viết Dư


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com