Dịch COVID-19 thời gian qua đã kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khiến hàng triệu lao động tự do, nhất là lao động nghèo, không có điều kiện tích lũy tài sản, bị thất nghiệp, mất việc, đời sống gặp muôn vàn khó khăn.
Những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không thể tiếp cận vốn vay hợp pháp vì không đủ điều kiện vay. Họ chính là “miếng bánh” để thị trường “tín dụng đen” bùng phát trở lại, bởi có cầu ắt có cung…
Hiện nay, các hình thức quảng cáo cho vay từ “ngân hàng cột điện”, phát tờ rơi có phần giảm bớt, thay vào đó là hình thức cho vay qua mạng xã hội, qua điện thoại… Với những lời mời chào đầy hấp dẫn “phục vụ 24/24 giờ”, “alo là có tiền”, người có nhu cầu chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại, máy vi tính là có thể tiếp cận nguồn vay. Thực tế, rất nhiều người khi đối mặt với lãi suất “cắt cổ” và tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con” tiếp diễn đã không trả nổi lãi và vốn. Lúc này, các chủ “tín dụng đen” sẽ dùng những thủ đoạn khủng bố, đe dọa, hành hung, bắt cóc con nợ, “siết nhà”, “siết đồ đạc”… để thu nợ.
Người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng có uy tín khi cần vay vốn. Trong ảnh: Người dân giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) chi nhánh Bắc Nam Định. Ảnh: Đức Toàn |
Anh Đường Quốc Chung ở Đông Anh (Hà Nội) sống bằng nghề lái xe du lịch nên khi dịch bệnh xảy ra, nguồn thu nuôi vợ và 3 con nhỏ không có. Lướt facebook thấy quảng cáo nếu vay tiền online 1 triệu đồng mỗi ngày chỉ phải trả 20 nghìn đồng, anh thấy số tiền lãi không lớn, khi đi làm lại có thể trả được nên đã liên hệ vay 5 triệu đồng. Thế nhưng lúc nhận tiền, chủ nợ chỉ đưa 4,5 triệu đồng, tiền còn lại tính là chi phí vay. 2 tuần sau tới hạn trả cả gốc và lãi là 6,4 triệu đồng, nhưng anh chưa kịp trả thì liên tục nhận được các cuộc gọi đe dọa của những người tự nhận là nhân viên của ứng dụng. Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh anh và vợ con trên facebook bị cắt ghép rồi đăng lên mạng xã hội với lời lẽ sỉ nhục, bôi nhọ; bạn bè trong facebook cũng bị họ gọi điện chửi rủa, nói anh là đồ tráo trở.
Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Hải Yến ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa mua trả góp căn hộ thu nhập thấp. Vì cùng là nhân viên bán hàng siêu thị điện máy nên khi dịch bệnh xảy ra, họ cùng phải nghỉ việc. Tiền trả góp ngân hàng không có, cộng thêm con ốm đi bệnh viện, do quá túng thiếu, chị Yến đành gọi điện vay nóng 10 triệu đồng, mỗi ngày phải trả 100 nghìn đồng. Thế nhưng khi chị trả được đến ngày thứ 10 thì không trả được nữa, trong khi cứ chậm trả là phạt 200 nghìn đồng/ngày. Còn chủ nợ, cứ đều đặn một giờ lại gọi điện hăm dọa, chửi bới, do quá lo sợ, vợ chồng chị vội bán hết đồ đạc trong nhà để trả nợ.
Mới đây, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 bị can trong đường dây cho vay nặng lãi qua ứng dụng điện thoại. Trong gần 6 tháng hoạt động, các bị can đã cho 60 nghìn người ở 63 tỉnh, thành phố vay với tổng số tiền lên đến 100 tỷ đồng. Mỗi người chỉ vay số tiền nhỏ và thời hạn ngắn 1-2 tuần, sau đó chậm trả bị phạt rất nặng, tính ra lãi suất lên tới 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm. Đường dây này còn có khoảng 30 “thánh chửi”, chỉ “bán nước bọt, bán giọng nói”, ngày đêm chửi bới đòi nợ thuê cho ông chủ với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Người dân khó khăn nhưng không tìm đến “tín dụng đỏ” (ngân hàng) vì yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp. Trong khi đó, “tín dụng đen” lại quá dễ dàng và chủ động tìm đến người dân. Vì vậy, giai đoạn này, Nhà nước cũng cần bổ sung nguồn vốn cho vay, có cơ chế, chính sách đặc thù để tổ chức ra một hình thức cho vay nhanh chóng như “tín dụng đen”. Việc này nên giao cho ngân hàng chính sách. Điều kiện cho vay không cần đến tài sản bảo đảm mà cho vay tín chấp thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, chính quyền địa phương; lãi vay ngang với cho vay tiêu dùng. Ngân hàng đề ra quy định về thời gian trả nợ, các biện pháp không trả được nợ và khi có rủi ro không xếp vào nợ xấu mà có chính sách hoãn, giãn nợ, có cơ hội thì xóa nợ cho họ”.
Theo luật sư Đỗ Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Sự thật: Hiện lãi suất “tín dụng đen” rất cao nhưng các bên không ghi nhận vào giấy tờ chính thức dẫn đến khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý. Mặt khác, người vay đều có sự thỏa thuận nên chỉ khi có người thân bị khủng bố, bắt giữ trái phép hoặc gây thương tích thì họ mới báo công an, còn lại họ không hợp tác. Thực tế, văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể để xử lý các đối tượng có hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, mức hình phạt theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự có khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù và được xác định là tội ít nghiêm trọng nên không tạo được tính răn đe.
Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, Văn phòng Luật sư Nguyễn Khánh Toàn và các cộng sự, cho rằng: “Cần ban hành quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý đối với các hoạt động tài chính ứng dụng công nghệ mới và có nguy cơ trở thành “tín dụng đen” ở Việt Nam. Các đối tượng “tín dụng đen” sử dụng phần mềm quản lý, khi bị kiểm tra thì phần mềm bị khóa, khiến việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội gặp khó khăn”.
Thiết nghĩ, thời điểm khó khăn, ngoài sự nỗ lực của Nhà nước và các cơ quan chức năng, mỗi người dân có nhu cầu cần nâng cao ý thức, kiến thức để không rơi vào vòng xoáy “tín dụng đen”. Khi có khó khăn, người dân nên chia sẻ với mọi người và chính quyền địa phương để được giúp đỡ; đồng thời, cần tìm hiểu về chính sách tín dụng và các sản phẩm cho vay chính thức để được phục vụ./.
KIM DUNG