Hơn 2 tháng qua, trong khi Ðảng, Chính phủ và cả cộng đồng đang gồng mình triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh thì một vài cá nhân chỉ vì thiếu ý thức đã khiến cho hoạt động ngăn chặn sự lây lan của đại dịch càng trở nên khó khăn, làm hao tổn tiền của, công sức, cả sự hiểm nguy của biết bao con người. Ðơn cử như trường hợp bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận được mệnh danh là “bệnh nhân siêu lây nhiễm”. Mặc dù đi về từ vùng dịch (đi du lịch châu Âu) và có các triệu chứng lâm sàng song vị nữ doanh nhân này không thực hiện cách ly theo khuyến cáo, không khai báo y tế mà vẫn đi gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, đi gặp gỡ đối tác… Hậu quả đã làm lây nhiễm cho 9 người tiếp xúc trong đó phần lớn là người trong gia đình gồm chồng, con trai, con dâu, cháu cùng một số đối tác. Sự vô ý thức, khai báo gian dối của bệnh nhân đã làm cho lực lượng chức năng của tỉnh này vô cùng vất vả khi thực hiện công tác rà soát, khoanh vùng. Tương tự như vậy là trường hợp bệnh nhân số 17 NTHN ở Hà Nội. Cũng đi về từ vùng dịch, có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với chị gái ở nước ngoài là bệnh nhân nhiễm CoVID-19 nhưng khi về nước, N không đến khai báo và cách ly tại cơ sở y tế mà về thẳng nhà, mấy hôm sau khi có triệu chứng ho, đau họng lại đến một bệnh viện tư nhân khám khiến cho cả một bệnh viện phải đóng cửa, cách ly cả một khu phố nơi gia đình chị ta ở và trước khi nhập viện chuyên khoa điều trị đã “kịp” lây nhiễm sang vài người khác(!). Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân số 178, là công nhân Công ty Trường Sinh chuyên cung cấp dịch vụ ăn uống cho Bệnh viện Bạch Mai - nơi đang được coi là điểm nóng về dịch COVID-19. Mặc dù đã được cảnh báo song người này vẫn tự ý bắt xe khách về quê ở Thái Nguyên, vào bệnh viện khám bệnh nhưng không khai báo trung thực khiến cho địa phương phải cách ly 250 trường hợp có liên quan trong đó có hàng chục trường hợp tiếp xúc trực tiếp như đi cùng trên chuyến xe khách, nằm cùng phòng khi bệnh nhân nhập viện, các y, bác sĩ của bệnh viện huyện… Bên cạnh đó là nhiều trường hợp bỏ trốn khi đang trong thời gian cách ly, tung tin thất thiệt để trục lợi… Hành động vô ý thức của một số người đã gây phẫn nộ trong cộng đồng xã hội, khiến cho công tác phòng chống dịch của chúng ta càng thêm khó khăn.
Hiện cả nước đang bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch trên phạm vi toàn quốc đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung cao độ, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đã đề ra; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng bảo đảm phương châm 4 tại chỗ; kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa người từ vùng có dịch đến các vùng khác. Chính quyền cấp cơ sở phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện sớm nhất các nguồn lây. Hơn lúc nào hết mỗi người dân cần nâng cao ý thức công dân, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế về thực hiện các biện pháp phòng dịch như hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Ðặc biệt với những người vừa đi về từ vùng dịch, tiếp xúc với người đi về từ địa bàn có dịch cần thực hiện khai báo trung thực để lực lượng chức năng thực hiện khoanh vùng, sớm dập tắt dịch khi còn là “đốm lửa nhỏ”, không để bùng phát thành “đám cháy lớn”. Một hành động đơn giản có thể cứu cả cộng đồng!
Phương Mai