Những ngày qua, ngành du lịch đã phải hứng chịu những tác động nặng nề từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV). Làm thế nào để vừa đối phó, vừa hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy tiêu cực của dịch bệnh nhằm duy trì sự ổn định và hồi phục nhanh chóng hoạt động du lịch là bài toán khó đang được toàn ngành quan tâm.
Thời vượt khó của du lịch
So với những gì đã xảy ra với ngành du lịch ở thời điểm dịch SARS bùng phát cách đây 17 năm thì những ảnh hưởng do nCoV gây ra lớn hơn nhiều. Bên cạnh sự sụt giảm nặng nề của lượng khách Trung Quốc vốn chiếm tới 30% cơ cấu khách quốc tế nước ta, dịch bệnh còn khiến các thị trường khách quốc tế khác e ngại khi đến với khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, trong khi lượng khách du lịch trong nước cũng giảm mạnh. Mối nguy hiểm do nCoV gây ra buộc nhiều quốc gia phải đưa ra những hành động quyết liệt như đóng cửa các đường bay, dừng tất cả các hoạt động sự kiện, lễ hội tập trung đông người... Theo phản ánh của các cơ quan quản lý du lịch và Hiệp hội Du lịch các địa phương, tình trạng khách hủy tua, hủy chỗ, hủy dịch vụ diễn ra rất phổ biến. Ước tính thiệt hại trước mắt đối với ngành du lịch lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hướng dẫn viên phát khẩu trang và hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh cho khách du lịch. |
Tại Hà Nội, tính đến ngày 3-2, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú đã lên tới 13 nghìn phòng, tương đương hơn 16 nghìn khách; hơn 7.600 khách inbound (khách đến Việt Nam) và 7.100 khách outbound (khách đi nước ngoài) hủy tua; hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30 đến 50%, lượng khách tới các điểm đến cũng giảm khoảng 30 đến 50%. Tại Quảng Ninh, lượng khách tới tỉnh này cũng giảm 90%. Những năm trước, dịch vụ tham quan vịnh Hạ Long đón trung bình 12 nghìn lượt người/ngày, nhưng nay chỉ còn khoảng 3.000 lượt/ngày và dự kiến sắp tới sẽ còn thấp hơn. Trong khi đó, đội tàu du lịch hơn 500 chiếc với khoảng hơn 4.000 lao động vẫn phải duy trì cho nên gặp nhiều khó khăn về bảo đảm kinh tế. Tương tự, tại Lào Cai, khoảng 30 đến 50% số khách sạn bị hủy dịch vụ. Tại Đà Nẵng, khách du lịch quốc tế giảm gần 70% trong tháng qua và dự báo còn tiếp tục giảm...
Nhiều doanh nghiệp du lịch, nhất là các hãng lữ hành như “ngồi trên đống lửa” vì những thiệt hại kinh tế do nCoV gây ra. Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt Trần Văn Long cho biết, khó khăn mà phần lớn các doanh nghiệp lữ hành đang gặp phải là nhiều khách hủy tua đòi lại tiền đặt cọc, trong khi với những tua sắp đến ngày xuất phát, doanh nghiệp đã phải thanh toán trước các chi phí dịch vụ liên quan cho đối tác. Để giữ khách, một số tua đã được các doanh nghiệp hoàn lại tiền đặt cọc cho khách, nhưng doanh nghiệp lại không được các đối tác hoàn tiền dịch vụ hay cho lùi sử dụng dịch vụ. Doanh nghiệp vừa phải gồng mình phòng, chống dịch, vừa lao đao giải quyết những tình huống phát sinh. Có thể nói, trước tình trạng “đóng băng” về du lịch, những doanh nghiệp và những người làm du lịch như đang ở trong một cuộc khủng hoảng mà hậu quả của nó diễn ra ở cả ngắn và trung hạn.
Đa dạng hóa giải pháp
Các chuyên gia du lịch nhận định, lượng khách du lịch không chỉ giảm trong thời điểm có dịch mà ngay cả khi kết thúc dịch, du lịch cũng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khi các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng chung từ dịch bệnh đều sẽ tung ra những chiến lược để lôi kéo trở lại lượng khách quốc tế. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, ngành du lịch cần chủ động lên kế hoạch hành động để tập trung khôi phục ngành công nghiệp không khói ngay khi dịch đi qua. Để thực hiện mục tiêu này, mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tìm kiếm “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona đối với du lịch Việt Nam”, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương, doanh nghiệp du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định: Thời điểm này, việc tính toán các phương án hồi phục thị trường là vấn đề cấp thiết nhất của ngành du lịch. Việc làm này đòi hỏi sự chung tay của tất cả các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển trong cả nước. Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng từ dịch bệnh cho thấy du lịch không nên chỉ phụ thuộc vào một thị trường. Đây chính là thời điểm để ngành du lịch Việt Nam có thể cơ cấu lại, nâng cao năng lực phục vụ, chất lượng nguồn nhân lực để có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách. Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh: Dù bị ảnh hưởng lớn về lượng khách nhưng nếu nhìn một cách tích cực hơn, đây có thể là điểm dừng để các doanh nghiệp có thời gian cơ cấu lại lượng khách, tìm kiếm các thị trường mới, tập trung đào tạo, nâng cao năng lực của hướng dẫn viên, xây dựng các tua, tuyến hấp dẫn để thu hút du khách...
Trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh, các doanh nghiệp cần nắm chắc tình hình thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Việc cung cấp những thông tin du lịch có chất lượng và mang tính chuyên nghiệp sẽ tạo sự tin tưởng cho du khách, nhất là du khách quốc tế. Giải pháp trước mắt cần đẩy mạnh là tập trung khai thác thị trường trong nước. Đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, các đơn vị trong nước phải có sự liên kết mạnh mẽ để thực hiện chiến dịch kích cầu du lịch nội địa. Cần giảm giá vé vận chuyển, lưu trú, tham quan điểm đến để thu hút du lịch trong nước. Đáng chú ý, cần quan tâm tới việc thực hiện đầy đủ bảo hiểm du lịch cho du khách. Bởi đây không chỉ là giải pháp giúp bảo đảm quyền lợi cho du khách mà còn giúp hạn chế những thiệt hại cho doanh nghiệp khi có sự cố xảy ra. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ngay trước và sau khi dịch kết thúc, sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần sẵn sàng tham gia tích cực các sự kiện xúc tiến trong và ngoài nước để thu hút du khách ngay khi dịch bệnh được khống chế, không thể chờ hết dịch mới triển khai. Tổng Giám đốc Công ty lữ hành HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan cho hay: Phía doanh nghiệp rất cần các thông tin chính xác về dịch để có kế hoạch khai thác và phục hồi từng thị trường, đồng thời cũng cần biết rõ những nguồn lực mà Nhà nước sẽ hỗ trợ để có thể kết hợp các nguồn lực của doanh nghiệp nhằm tạo ra chiến lược kích cầu hiệu quả. Với số lượng phòng, dịch vụ để trống trong thời gian có dịch, các doanh nghiệp du lịch hoàn toàn có thể liên kết với nhau để kích cầu du lịch, trước hết là du lịch trong nước để phục hồi. Bên cạnh đó, để phục hồi thị trường du lịch quốc tế, cần chú trọng đẩy mạnh cả hoạt động đón khách vào Việt Nam và đưa khách Việt Nam ra nước ngoài ở những thị trường quốc tế không nằm trong vùng dịch vẫn đang diễn ra các hoạt động du lịch tương đối bình thường. Thêm nữa, các chuyên gia du lịch cũng lưu ý, dù đây là thời điểm vô cùng khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn cần có kế hoạch giữ gìn nhân sự thông qua các hoạt động như đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công tác quản lý trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0.
Ông Vũ Thế Bình cho biết, đại diện cho hơn 7.000 doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất Chính phủ có những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như: miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế, giảm tiền điện nước, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT... để giảm áp lực. Đồng thời, phát huy mối quan hệ gần với Hiệp hội Du lịch các nước để hỗ trợ, thúc đẩy trao đổi khách, trước mắt là triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký với ASTA (Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ) và JATA (Hiệp hội lữ hành Nhật Bản) để thu hút khách từ hai thị trường này. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng sẽ phối hợp các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp du lịch để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và hiệp hội địa phương.
Mới đây, với mục tiêu đánh giá khách quan, đầy đủ về diễn biến của dịch bệnh do nCoV, dự báo mức độ thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra đối với ngành du lịch và đề xuất các giải pháp để nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch Việt Nam sớm nhất có thể sau khi dịch bệnh được khống chế, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị “Ngành du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do vi-rút nCoV gây ra” nhằm lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Trên tinh thần đó, Tổng cục Du lịch đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để phục hồi du lịch, bao gồm nhóm giải pháp về thị trường; về quảng bá, xúc tiến du lịch và truyền thông. Theo đó, bên cạnh các giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài, ngành du lịch xác định sẽ đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa và các thị trường gần có kết nối đường bay thuận tiện và đang có mức tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), ASEAN; tập trung khai thác thị trường tiềm năng như Ấn Độ; đồng thời tăng cường thu hút khách từ Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu...; qua nhiều phương tiện truyền thông khẳng định Việt Nam là điểm đến thân thiện, thật sự an toàn khi dịch đã được khống chế./.
Theo Báo Nhân Dân