Nắng nóng kéo dài, căn bệnh phổi của ông Thạo tái phát nên vợ chồng chị Huệ phải đưa bố đến bệnh viện điều trị. Tại phòng làm thủ tục nhập viện, sau một hồi loay hoay lật đi lật lại chiếc chứng minh thư nhân dân trong tập hồ sơ, cô nhân viên trẻ của bệnh viện lên tiếng:
- Người nhà cụ Thạo đâu? Sao chứng minh thư để cũ mờ thế này (?).
Chị Huệ thấy vậy lo lắng:
- Đúng là chứng minh thư của cụ đã cũ nhưng em thông cảm cho người già cả. Cụ ông nhà chị năm nay đã hơn chín mươi tuổi rồi (!).
Cô nhân viên bệnh viện vẫn “nguyên tắc”:
- Thế cụ đâu? Chị dẫn vào đây để em còn đối chiếu?
Chị Huệ dẫn bố vào ngồi chiếc ghế đối diện. Cô nhân viên nọ vừa căng mắt nhìn tấm ảnh trên chứng minh thư cũ, vừa ngẩng lên nhìn cụ già ngồi trước mặt. Dường như cũng động lòng trước sự yếu thế của người bệnh cao tuổi, cô xuống giọng:
- Thôi lần này chiếu cố cho cụ. Lần sau nhập viện, cụ phải làm lại chứng minh thư đấy (!).
Chứng kiến sự việc, một chị to béo, tuổi trung niên tỏ vẻ bất bình: “Cán bộ trẻ bây giờ nguyên tắc quá. Người thật, việc thật vậy mà vẫn xăm soi. Tôi nghĩ người cao tuổi sẽ chẳng bao giờ làm điều khuất tất”. Và như để xóa đi không khí căng thẳng, không vui vừa rồi, chị thân mật hỏi chị Huệ:
- Thế bác sĩ bố trí cụ ở phòng nào?
Chị Huệ đã vui vẻ trở lại:
- Bố em nằm ở phòng 15 chị ạ!
- Thế thì cụ nằm cùng phòng với chồng chị đấy!
Vào đến nơi, mặc dù thời tiết oi nồng nhưng ông Thạo vẫn có cảm giác thư thái, an bình trước tình cảm nồng ấm của những người bệnh cùng phòng. Sau mấy lời chào hỏi thông thường về quê quán, tên tuổi, bệnh tình là sự gần gũi, chia sẻ lẫn nhau của những người cùng cảnh ngộ. Trong khi chị Huệ ra ngoài chuyển đồ dùng cá nhân vào phòng, chị tuổi trung niên vừa nhanh nhẹn xoay hẳn chiếc quạt của mình về phía giường ông Thạo, vừa tìm chiếc ống hút cắm vào hộp sữa tươi, đon đả: “Dân gian có câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng”(!). Đã bị bệnh nan y thì phải thương nhau. Cháu mời ông uống cho đỡ khát ạ!”.
Từ những “chuyện nhặt” trong bệnh viện, có thể suy diễn: Trong cõi nhân sinh, mỗi người có một hoàn cảnh, công việc, điều kiện sống khác nhau. Yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau là phẩm chất cao đẹp, bản năng của con người trong cộng đồng. Khi bị bạo bệnh - ranh giới của sự sinh tử, phẩm chất ấy càng tỏa sáng. Nếu hiểu rõ điều này, chắc chắc cô nhân viên y tế trẻ sẽ có cách hành xử “thấu lý, đạt tình” hơn với người bệnh”./.
Đức Linh