"Năm 2005, sau thời gian dài du học ở nước ngoài, tôi về nước và bắt đầu các hoạt động thiện nguyện nhiều hơn. Tôi đến nhà những người có hoàn cảnh khó khăn, những người bị bệnh nan y, người già neo đơn để tặng quà. Tôi nhận nuôi những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, “đóng vai” bố và mẹ của những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi lọt lòng. Sau những giờ làm việc miệt mài, tôi cùng nhiều nhà hảo tâm khác lại xắn tay áo vào bếp nấu cháo đưa đến các bệnh viện giúp các bệnh nhân nghèo. Tôi cảm thấy vui, ấm lòng sau mỗi chuyến đi từ thiện". Sư thầy Thích Đàm Thảo, trụ trì Chùa Kênh, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) chia sẻ về những hoạt động thiện nguyện của mình suốt nhiều năm qua.
Sư thầy Thích Đàm Thảo, trụ trì Chùa Kênh, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) và những đứa trẻ được nhận nuôi. |
Năm 1986, thầy Thích Đàm Thảo từ Sài Gòn ra tu tại Chùa Đệ Tam, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Năm 1991, sư thầy rời Chùa Đệ Tam về trụ trì tại Chùa Kênh. Từ năm 1991 đến năm 2005, sư thầy đi du học, tìm hiểu thêm về Phật pháp tại các nước Lào, Thái Lan và Myanmar. “Quá trình đi du học giúp tôi mở mang rất nhiều thứ, trước hết là kiến thức về Phật pháp, sau là mở rộng nhãn quan nhìn đạo, nhìn đời. Tôi nghĩ rằng, con người càng làm được nhiều việc thiện thì tâm pháp càng trở nên rực rỡ hơn”, thầy Thảo chia sẻ thêm. Cơ duyên với các hoạt động từ thiện của thầy Thảo cũng bắt đầu từ đó, thầy nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ bị bỏ rơi. Phạm Tuệ Minh là tên “đứa con” nhỏ nhất hiện nay của thầy Thích Đàm Thảo. Minh năm nay 3 tuổi, rất lanh lợi, nghịch ngợm và “quấn” thầy Thảo. Minh, như tất cả những đứa con khác của thầy Thảo gọi thầy bằng “bố” xưng con. Một buổi sáng mùa đông rét mướt, ảm đảm, thầy Thảo tìm thấy Minh được quấn trong bọc tã lót để trước cổng chùa. Thương đứa trẻ tội nghiệp đang khóc tím tái cả người, thầy vội bế lên đưa vào chùa. Từ đó, thầy vừa là bố vừa là mẹ của Minh, chăm sóc, dưỡng nuôi em. Thầy đặt tên cho đứa trẻ tội nghiệp ấy là Phạm Tuệ Minh với mong muốn sau này lớn lên “con” có trí tuệ thông tuệ hơn người. Hàng ngày, thầy lo từ việc thay tã lót, tắm rửa, ru cho Minh ngủ, đưa đi học, cho ăn. Những lúc Minh ốm sốt, thầy lại cuống cuồng đưa vào viện, thức trắng đêm pha sữa, chườm nóng cho “con”. Cứ như vậy cho đến nay Minh đã 3 tuổi, lớn khôn hơn và biết nghe lời. Minh không phải là đứa con đầu tiên của thầy Thảo, từ năm 2005 đến nay, sư thầy đã nhận nuôi 12 đứa trẻ cả thảy. 12 “đứa con” của thầy là 12 hoàn cảnh, tính cách khác hoàn toàn nhau. Có đứa bị bỏ rơi, có đứa là trẻ lang thang cơ nhỡ, có đứa lại được người thân gửi gắm nhờ thầy nuôi hộ do không có điều kiện chăm sóc. Đứa nhỏ nhất mới lọt lòng được vài ngày tuổi, có đứa lại khoảng 12-13 tuổi, đứa bướng bỉnh, đứa lại nói nhiều… “Đứa con” nào đến thầy cũng không nỡ từ chối, mặc dù bản thân hàng ngày quá nhiều việc phải lo. Mà đã nhận chăm sóc, theo thầy Thảo phải chăm lo, nuôi dưỡng được các con nên người, hết lòng với chúng. Vì thế, một ngày của thầy Thảo dường như rất bận rộn. Đi họp phụ huynh, nấu nướng, tắm rửa, vệ sinh cá nhân, thậm chí là việc “phân công” cho bọn trẻ tự chăm nom nhau, ăn ngủ đúng giờ giấc. Tuy nhiên, trong không gian sinh hoạt chật hẹp của “gia đình” nhỏ ấy không lúc nào vắng tiếng cười đùa. Và niềm vui lớn nhất của thầy Thảo chính là hạnh phúc được thấy các con lớn lên mỗi ngày, trở thành người có ích. Thầy Thảo khoe về những đứa con lớn của mình: “cháu này học xong đại học đang làm ở Bộ Ngoại giao, cháu này đã xây dựng gia đình, có cuộc sống ổn định, cháu này đang học Cao đẳng Y dược Hà Nội. Các con gọi điện về hỏi thăm tôi suốt, dặn tôi giữ gìn sức khỏe”. Hiện thầy Thảo đang nhận nuôi 5 đứa trẻ gồm: Phạm Thị Như Thủy, quê Ninh Bình, mẹ mất sớm, bố lấy vợ, ở với thầy từ khi 3 tuổi, hiện là sinh viên Trường Cao đẳng Y dược Hà Nội. Nguyễn Thị Ngọc Ánh, quê Tuyên Quang, bố bỏ đi biệt tích, mẹ lấy chồng. Thầy Thảo nhận nuôi Ánh từ khi em mới 2 tuổi. 2 anh em ruột Đoàn Trương Việt Anh, 7 tuổi, Đoàn Trương Minh Anh, 4 tuổi, quê ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phạm Tuệ Minh, 3 tuổi, bị bỏ rơi, không rõ quê quán.
Không những chỉ nhận nuôi trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, nhiều năm qua thầy Thích Đàm Thảo còn dành thời gian, tâm sức cho vô số các hoạt động thiện nguyện khác. Hiện thầy nhận chu cấp hàng tháng cho 65 gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Thành phố Nam Định, các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực. Định kỳ mỗi tháng, thầy xuống từng nhà tặng 1 yến gạo, các nhu yếu phẩm như mỳ tôm, nước mắm, dầu ăn, mỳ chính, đường sữa… Biết được ở đâu còn có những hộ dân khốn khó, những người bất hạnh, cơ nhỡ, tật nguyền, thì bằng mọi cách, thầy đều đến thăm hỏi, tìm hiểu, động viên và tặng quà. Cũng đã 4 năm nay, bất kể mưa nắng, giá rét, đều đặn hàng tuần, thầy Thích Đàm Thảo cùng các tăng ni, phật tử đến Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát xôi và cháo. Để chuẩn bị cho hoạt động này, thầy Thảo cùng nhóm 10 người lo từ việc đi chợ mua rau củ quả, thịt… nấu nướng rồi vận chuyển đến cổng bệnh viện. Họ còn đến từng giường bệnh, phát đồ ăn cho những bệnh nhân không đi lại được. Ngày nắng đã đành, những ngày mưa rét chỉ tính riêng việc chuyển đồ ăn thức uống đã thấy vất vả, mệt nhọc. Nhưng nếu bỏ nấu một bữa thì lại cảm thấy có gì đó không yên tâm trong lòng bởi có hàng chục bệnh nhân nghèo chờ đợi. Để duy trì các hoạt động thiện nguyện trên, ngoài nguồn kinh phí của bản thân, thầy Thảo còn dùng nguồn công đức của tăng ni, phật tử gần xa. Bận rộn với công việc nhà chùa, chăm sóc các con, công việc từ thiện xã hội, mỗi ngày thầy Thảo chỉ dành vài tiếng ngắn ngủi để nghỉ ngơi, ăn uống, có những ngày thầy chỉ ngủ 2 tiếng, ăn một bữa cơm nhưng chưa bao giờ sư thầy thấy mệt mỏi và muốn tạm dừng công việc mà mình theo đuổi. Mong muốn lớn nhất của thầy Thảo ngoài việc các con trưởng thành, mạnh khỏe là bản thân khỏe mạnh để thực hiện những kế hoạch từ thiện dài hơi mà thầy hằng ấp ủ. Đó là đến được với nhiều người nghèo khổ hơn trong xã hội, lan tỏa lòng tốt, sự hướng thiện trong cộng đồng.
Rời Chùa Kênh khi trời đã tối hẳn, thầy Thảo còn dặn với tôi, “cô viết một cách đơn giản thôi nhé, những việc tôi đã làm so với nhiều người còn rất nhỏ bé, tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản đó là trách nhiệm và bổn phận của một công dân đối với xã hội. Kinh Phật có câu, “hương của các loài hoa không bay ngược chiều gió, hương của người đức hạnh bay khắp muôn phương”, câu nói đó có lẽ rất đúng với những việc làm thiện nguyện giúp đời của sư thầy Thích Đàm Thảo. Đây cũng chính là đức hạnh, sự khiêm tốn của một vị chân tu hết lòng với công tác thiện nguyện. Tiễn chúng tôi về, thầy Thảo lại tất bật với niềm hạnh phúc nhất trong ngày của mình, cho bé Tuệ Minh ăn và dạy Việt Anh học. Ra khỏi khuôn viên vắng lặng, bên tai tôi vẫn còn lảnh lót tiếng cười đùa, tiếng Việt Anh ê a đọc những câu thoại tiếng Anh ngắn ngủi./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân