Toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở điều trị HIV cho người lớn đó là Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ và 2 cơ sở điều trị HIV cho trẻ em là Bệnh viện Nhi tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ với tổng số 1.313 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó có 58 trẻ em. Việc khám điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV đang được các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc theo hướng tạo thuận lợi cho người bệnh.
Bệnh viện Nhi tỉnh tham gia điều trị cho trẻ nhiễm HIV từ năm 2007, hiện đang điều trị cho 36 bệnh nhi nhiễm HIV. Phòng khám Ngoại trú đặt tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy đang điều trị cho 22 bệnh nhi nhiễm HIV. Năm 2018, khi các dự án hầu như chấm dứt tài trợ cho chẩn đoán, điều trị, chăm sóc trực tiếp trẻ nhiễm HIV song việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV tại các phòng khám ngoại trú vẫn hoạt động bình thường. Thay bằng việc các cháu đến khám bệnh, làm xét nghiệm miễn phí như trước đây, việc khám bệnh, xét nghiệm, cấp thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng chế độ như những trẻ bình thường mắc các bệnh mãn tính khác. Các cháu dưới 6 tuổi có hộ khẩu Thành phố Nam Định được khám trực tiếp tại Bệnh viện Nhi tỉnh, các cháu ở huyện hoặc đã đi học phải có giấy chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi tỉnh, nhưng chỉ phải chuyển mỗi năm 1 lần. Những cháu không có thẻ Bảo hiểm y tế do nhiều nguyên nhân khác nhau đều được cấp thẻ Bảo hiểm y tế bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Trong năm 2018, 100% trẻ nhiễm HIV đang theo dõi điều trị tại Phòng khám Ngoại trú Bệnh viện Nhi tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ đều có thẻ Bảo hiểm y tế. Thuốc điều trị cho trẻ nhiễm, thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con vẫn do Trung ương cấp, đảm bảo đúng số lượng, chủng loại. Theo một bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi nhiễm HIV tại Bệnh viện Nhi tỉnh, đối với bệnh nhi ngoại tỉnh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh đều phải chuyển về đúng địa phương, các bệnh nhân của tỉnh đang điều trị tại các địa phương khác phải chuyển về Nam Định; nhiều trẻ lớn tuổi có thể sử dụng phác đồ điều trị của người lớn cũng được chuyển về các Trung tâm Y tế huyện để tiện theo dõi, điều trị nên trong đợt vừa qua số lượng bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh có nhiều biến động. Cụ thể, đầu năm 2018 tổng số bệnh nhi đang điều trị HIV tại Bệnh viện Nhi tỉnh là 47 cháu, trong năm chuyển đi 11 cháu, 1 trường hợp tử vong, 1 trường hợp bỏ điều trị, 2 bệnh nhân mới, hiện còn 36 bệnh nhân. Trong thời gian chuyển đến cơ sở điều trị mới, tất cả bệnh nhân đều được cấp thuốc đầy đủ.
Mục đích của điều trị ARV cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS là giảm sự nhân lên của vi-rút, tăng số lượng tế bào miễn dịch, giảm tối đa hoặc không mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ... Do vậy trẻ em nhiễm HIV/AIDS cũng như gia đình cần phải tuân thủ tuyệt đối điều trị ARV, phải uống đúng thuốc, đủ thuốc, đúng giờ và đều hàng ngày. Theo các bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi nhiễm HIV, các cháu được điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú phần lớn có sức khỏe tốt. Nhiều cháu đến tuổi đã được đi học. Tuy nhiên, việc tư vấn điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS gặp khó khăn, bởi hầu hết trẻ bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ phần lớn trong hoàn cảnh bố chết, hoặc mẹ chết, có cháu thì cả bố và mẹ đều chết; phần lớn các cháu sống cùng ông bà, cô dì, chú bác, tâm sinh lý lại chưa phát triển hoàn chỉnh. Do vậy, việc các cháu tuân thủ điều trị cũng như việc lấy thuốc kịp thời rất khó khăn. Bên cạnh đó, do trước đây một số bệnh nhân khai không đúng tên, địa chỉ, do sợ bị lộ thông tin. Khi chuyển sang điều trị thông qua quỹ Bảo hiểm y tế, các bệnh nhân này phải đổi tên, đổi hồ sơ cho đúng tên, đúng địa chỉ. Mặc dù trục trặc về thủ tục nhưng việc điều trị cho các bệnh nhân này vẫn không bị gián đoạn.
Cùng với việc điều trị cho bệnh nhi nhiễm HIV, chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhiều năm qua đã thực sự phát huy hiệu quả. Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây truyền từ 25-40%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai tại tỉnh ta hàng năm chiếm khoảng 0,24-0,29%. Gói dịch vụ can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại các cơ sở triển khai dịch vụ phòng lây truyền mẹ con tại tỉnh ta bao gồm: Tư vấn miễn phí cho phụ nữ mang thai và người nhà về xét nghiệm HIV; xét nghiệm HIV miễn phí, bí mật cho phụ nữ mang thai; giới thiệu phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để được khám, chẩn đoán và điều trị ARV nếu đủ tiêu chuẩn; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV từ tuần thai thứ 14; điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm; giới thiệu và chuyển trẻ đến cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ phơi nhiễm; tư vấn chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ; làm xét nghiệm PCR để phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV cho trẻ. Trên địa bàn tỉnh hiện có Bệnh viện Phụ sản tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu triển khai dịch vụ can thiệp phòng lây truyền mẹ con. Bệnh viện Phụ sản tỉnh triển khai tất cả các dịch vụ kể trên (dịch vụ trọn gói). Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Hải Hậu triển khai tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại các trạm y tế xã và theo dõi, chăm sóc thai nghén, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong năm 2018, Bệnh viện Nhi tỉnh tiếp nhận 13 trường hợp trẻ em dưới 18 tháng, trong đó có 11 trường hợp gửi đến từ phòng lây truyền mẹ con của Bệnh viện Phụ sản nhưng không có trường hợp nào dương tính.
Năm 2019, việc cung ứng thuốc điều trị HIV sẽ chuyển dần sang thanh toán thông qua quỹ Bảo hiểm y tế. Toàn bộ thuốc Abacavir hàm lượng nhỏ thuộc phác đồ ưu tiên của trẻ nhỏ không cung ứng kịp, phải chuyển phác đồ khác, kéo theo các tác dụng phụ của các thuốc khác ảnh hưởng không tốt cho quá trình điều trị. Nhiều thuốc điều trị cho trẻ em chỉ có ở tuyến tỉnh, chưa cung ứng được cho các phòng khám thuộc các Trung tâm Y tế tuyến huyện nên việc chuyển bệnh nhân lớn tuổi về gần nhà, thuận tiện cho việc theo dõi, điều trị chưa thực hiện được triệt để. Những trẻ được cấp thẻ Bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách của tỉnh nếu không kịp thời sẽ rất dễ bị gián đoạn điều trị. Để điều trị ARV thành công ở trẻ em lâu dài, bền vững cần sự chung tay hợp tác từ nhiều phía, từ chính bản thân các trẻ, người nhà trẻ em nhiễm HIV, các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế, các cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng xã hội./.
Minh Thuận