Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Thành phố Nam Định, năm 20 tuổi, trong một lần trên đường đi làm, anh Vũ Trung Kiên, sinh năm 1980 ở đường Phan Bội Châu B, phường Trần Đăng Ninh không may gặp phải tai nạn tàu hỏa làm mất đi một chân khi đang ở vào lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời.
|
Anh Vũ Trung Kiên (bên trái) trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế với cán bộ Hội Người khuyết tật Thành phố Nam Định. |
Trước tai nạn bất ngờ lại là trụ cột kinh tế của gia đình, có những lúc, anh Kiên cảm thấy tuyệt vọng, định buông xuôi cho số phận. Nhờ sự quan tâm, động viên của gia đình, anh cố gắng vượt lên hoàn cảnh. Anh bắt đầu tìm cách quen dần với việc đi lại bằng một chân và làm bạn với đôi nạng gỗ. “Lúc đó tôi chỉ nghĩ trên đời này có bao nhiêu người chịu cảnh tàn tật, nếu ai cũng bi quan, thất vọng như tôi lúc đầu thì họ lấy gì để sống, để nuôi mình, dần dần sẽ thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Xác định như vậy, tôi thấy thoải mái hơn và bắt đầu hướng đi mới phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình”, anh Kiên chia sẻ. Nghĩ là làm, bắt đầu cũng chính từ “đôi chân”, anh đã tìm hiểu các tiến bộ của y học và đến các bệnh viện để được tư vấn và lắp chân giả. Sau một thời gian điều trị và lắp chân giả, anh đã có thể tự mình đi lại được mà không cần dùng đến chiếc nạng nữa. Vốn có chút kinh nghiệm trong việc tiếp thị hàng thời còn đi lại được cùng với việc được bạn bè giới thiệu, anh mạnh dạn mở đại lý chuyên cung cấp sản phẩm bánh đậu xanh Hải Dương cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Chia sẻ về những khó khăn khi mới bắt đầu lập nghiệp, anh cho biết: “Nhập hàng về, lúc đầu sản phẩm chưa được thị trường biết đến nhiều, đại lý của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Để mở rộng thị trường, hằng ngày tôi trực tiếp đạp xích lô tới từng cửa hàng để giới thiệu sản phẩm, quảng cáo, chào hàng, cam kết đảm bảo chất lượng và giá cả sản phẩm”... Mặc dù việc đi lại không hẳn thuận lợi nhưng anh vẫn cố gắng đến từng đại lý giao hàng để có điều kiện trao đổi trực tiếp với khách hàng nhằm nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng… Ngoài ra, để giải quyết “bài toán thị trường”, anh Kiên còn nhờ những người thân quen đi giới thiệu chào bán sản phẩm giúp mình. Dần dần anh Kiên đã tạo dựng được niềm tin cho các cơ sở kinh doanh khác bằng uy tín và chất lượng sản phẩm với lượng khách hàng ổn định. Hiện đại lý của anh ngày càng được mở rộng, công việc kinh doanh phát triển. Trung bình một tháng, đại lý của anh bán được 7 tấn hàng mang về khoản lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ kinh doanh giỏi, anh Kiên còn là người tích cực trong các hoạt động thiện nguyện. Anh chia sẻ: “Số phận tôi đã không may mắn nhưng ngoài xã hội còn nhiều người không may mắn hơn tôi. Tôi luôn nghĩ, nếu có điều kiện nhất định tôi sẽ giúp đỡ họ, tiếp thêm niềm tin, tinh thần lạc quan, giúp họ vươn lên trong cuộc sống”… Với tâm niệm đó, anh Kiên đã tìm đến những hoàn cảnh như người nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em mồ côi… để giúp đỡ. Anh bắt đầu công việc từ thiện từ chính đại lý của mình. Gặp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến xin việc, anh tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm ổn định, trang trải cuộc sống. Điển hình như trường hợp của anh Hoàng Lăng Vinh ở xã Mỹ Xá (TP Nam Định) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, anh Kiên đã nhận anh Vinh vào làm việc với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, giúp anh Vinh có điều kiện chăm lo, ổn định kinh tế gia đình. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, biết được hoàn cảnh khó khăn nào ở địa phương, anh Kiên đều đến tận các gia đình chia sẻ tặng tiền, quà, động viên họ. Hết mình trong công tác thiện nguyện, anh còn tích cực tham gia các phong trào địa phương. Anh được tin tưởng giao giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Nam Định.
Từ một người khuyết tật, với ý chí vươn lên, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, anh Kiên đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều người khuyết tật khác noi theo. Nghị lực của anh Vũ Trung Kiên đang hằng ngày “truyền lửa” cho cả những người không may mắn, giúp họ xóa bỏ mặc cảm vươn lên trong cuộc sống./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh