Mới vào đầu hè nhưng thị trường nước giải khát tự chế đã vô cùng sôi động với đủ loại đồ uống bình dân có giá bán chỉ 5-10 nghìn đồng/cốc như sữa đậu nành, sâm lạnh, si rô, nước ép hoa quả… Giá rẻ, tiện dụng, các loại đồ uống này khá đắt hàng vì phù hợp với phần lớn người lao động, học sinh, sinh viên, nhưng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các sản phẩm này thực sự đáng lo ngại vì nguồn gốc nguyên liệu, quá trình sản xuất, bảo quản không thể kiểm soát.
|
Nước sữa đậu, thạch găng xanh được mua bán tấp nập ngay lề đường khu vực chợ Văn Miếu (TP Nam Định). |
Gần đây người tiêu dùng “ngại” sử dụng các loại nước ngọt có ga đóng chai do các Cty có tên tuổi sản xuất bởi các loại nước này có nhiều yếu tố gây nên bệnh béo phì, tiểu đường; đặc biệt sau khi có thông tin nước giải khát Cocacola có khả năng ăn mòn kim loại thì các loại nước giải khát công nghiệp không còn được ưa chuộng nữa. Do đó các loại nước giải khát có nguồn gốc thiên nhiên như sữa đậu nành, sữa vừng (mè) đen, đậu xanh, đậu đỏ, sâm, bát bảo, nước bí đao, nho, dâu… nhanh chóng được người tiêu dùng hưởng ứng. Theo y học cổ truyền, những thức uống này có tác dụng tiêu khát, giải nhiệt, bổ sung năng lượng cho cơ thể con người trong điều kiện thời tiết nóng nực. Tuy nhiên để phát huy được lợi ích đó thì các loại nước uống tự chế phải được sử dụng đúng liều lượng, phù hợp với thể trạng từng người và đặc biệt là tuân thủ tuyệt đối quy trình chế biến, bảo quản để bảo đảm ATVSTP và nhất thiết phải sử dụng trong vòng 4 tiếng sau khi chế biến… Những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản sản phẩm như vậy thì hầu hết các cơ sở chế biến, bán hàng giải khát tự chế không đảm bảo được. Có người bán hàng còn sử dụng hóa chất để ngăn chặn quá trình xuống chất, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm; cá biệt có cơ sở sử dụng hóa chất tạo màu, tạo mùi thay thế cho nguyên liệu tự nhiên và bổ sung thêm bột béo để đánh lừa cảm giác người dùng. Những sản phẩm nước giải khát tự chế dạng này trở thành nguồn gây bệnh đối với sức khỏe người tiêu dùng. Tại khu vực cổng các trường Tiểu học Nguyễn Trãi, THCS Lý Tự Trọng (TP Nam Định) có hơn chục điểm bán các loại nước đậu nành, nước dâu, nước cam, sâm đất tự chế có giá 3.000-5.000 đồng/cốc. Qua tìm hiểu hầu hết các loại nước này không sử dụng nguyên liệu thiên nhiên mà dùng phẩm màu, hương liệu và đường hóa học để pha chế nên sản phẩm có màu sắc vàng, đỏ, tím, xanh sặc sỡ, vị ngọt sắc, hương thơm đậm đặc; đánh trúng tâm lý trẻ em. Các loại nước này được người bán đóng trong cốc nhựa hoặc túi ni lông. Sau mỗi buổi học, cảnh tượng thường thấy là học sinh đứng vòng trong vòng ngoài kín quầy hàng, háo hức uống để thỏa cơn khát. Thậm chí người bán hàng mải mê phục vụ khách nhưng cũng không quên tranh thủ thu dọn ống hút, cốc nhựa để quay vòng sử dụng (trong khi đây là những đồ dùng chỉ được sử dụng 1 lần). "Cao cấp" hơn các loại nước hoa quả bán vỉa hè, cổng trường, nhóm hàng trà sữa, sữa ngũ cốc (sữa đậu nành, sữa ngô, sữa vừng đen) ngoài nguyên liệu chính là đậu tương, ngô, vừng đen… còn được người chế biến bổ sung thêm bột béo, đường, sữa bột; cá biệt nhiều nơi còn sử dụng cả chất tạo màu và hương liệu cho sản phẩm thêm ngon và bắt mắt. Điều đáng nói là phần lớn phụ gia sử dụng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc không rõ nhãn mác, cách thức sử dụng cũng như thời hạn sử dụng. Sữa được đóng vào chai, hoặc túi ni lông, bày bán ngay trên vỉa hè, lòng đường, trong môi trường không khí khói bụi, xe cộ qua lại và nền nhiệt độ cao của ngày hè… Những thao tác tuỳ tiện trong quá trình chế biến, bảo quản đã biến loại nước giải khát vốn bổ dưỡng này trở thành nhóm thực phẩm được các cơ quan y tế đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cao, nguy hiểm đến sức khỏe con người cần phải kiểm soát gắt gao. “Tiếp tay” cho các loại đồ uống này có “đất sống” chính là việc người tiêu dùng quá dễ dãi trong lựa chọn sử dụng đồ uống ngày hè thiếu ý thức tìm hiểu về sản phẩm cũng như tác hại của chúng đối với sức khỏe hiện được thông tin, tuyên truyền khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, sự lỏng lẻo trong kiểm soát, quản lý các cơ sở kinh doanh mặt hàng này cũng là một yếu tố “giúp” thị trường nước giải khát tự chế “đến hẹn lại lên”, hè đến sôi động “tấn công” người tiêu dùng.
Để ngăn chặn những nguy cơ lây nhiễm bệnh tật từ nước giải khát tự chế, các cơ quan chức năng gồm: Y tế, Công thương, NN và PTNT đã phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo ATVSTP đối với nhóm hàng thức uống giải khát mùa hè. Ban Quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh cũng tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết cung ứng hóa chất, phụ gia thực phẩm trong danh mục Nhà nước cho phép và thức uống mùa hè đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc tuyên truyền, nhắc nhở không đi đôi với xử phạt nặng các trường hợp bị phát hiện bán sản phẩm không bảo đảm ATVSTP thì hiệu lực ngăn chặn, răn đe không cao./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương