Nỗi niềm lao động tự do

09:03, 11/03/2016
Hiện nay, lao động tự do đang chiếm tỷ lệ khá lớn trên thị trường lao động và được xem là nguồn lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn do công việc bấp bênh, thu nhập thấp, không ổn định, nhiều người trong số họ còn phải chịu những thiệt thòi khi không may xảy ra những rủi ro, bất trắc trong quá trình làm việc do thiếu kỹ năng, hiểu biết các chính sách, pháp luật về lao động.
Nhiều lao động tự do vẫn chưa có điều kiện tham gia các chế độ BHXH, BHYT tự nguyện.
Nhiều lao động tự do vẫn chưa có điều kiện tham gia các chế độ BHXH, BHYT tự nguyện.
Anh Dương Văn Cát ở Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) hiện đang làm công việc lái xe, chuyên chở thuê các loại hàng hóa, vật liệu xây dựng, đồ phế thải. Thời còn sung sức, anh theo bạn bè ra tận Hải Phòng đạp xích lô, bốc vác gạo thuê. Công việc nặng nhọc, vất vả khiến anh bị thoái hóa đốt sống cổ, sống lưng, mỗi lúc trái gió trở trời lại đau buốt, nhức nhối, anh đành tạm biệt xứ người để về quê. 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, vợ làm thời vụ cho một Cty trong KCN gần nhà thu nhập quá ít ỏi, anh đành phải vay mượn anh em, bạn bè, mua chiếc xe tải nhỏ chở hàng thuê. Không hợp đồng lao động, không BHXH, BHYT, ai gọi là đi, bất kể sớm tối. Nhiều lúc chẳng găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động nhưng phải đứng bốc xếp cả xe gạch bụi mù hoặc chở đồ của người mất đi đốt ngoài bãi rác, anh bảo, khó khăn nên đành liều vậy, chứ biết cũng ảnh hưởng đến sức khỏe lắm. Cũng may chưa xảy ra điều gì chứ không thì chẳng biết xoay xở ra sao. Ông Trần Văn Tỉnh ở xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) làm thợ xây đã mười mấy năm, hầu như ngày nào cũng hít no bụi xi măng, nhiều hôm đứng trên giàn giáo chênh vênh ghép bằng những cây luồng để xây, trát tường mà chẳng mũ bảo hiểm, chẳng dây đai an toàn, có hôm hụt chân suýt rơi xuống đất. Có đợt thấy ho dữ dội cả tuần, ông nghi bị bệnh phổi nên phòng xa mua được cái thẻ BHYT. Hỏi ông sao không tham gia BHXH tự nguyện để lúc già, không còn sức khỏe đi làm nữa thì vẫn có lương hưu. Ông cười buồn, nghề thợ xây chúng tôi ráo mồ hôi là hết tiền, cũng muốn tham gia mà không có điều kiện. Cùng chung cảnh ngộ nhiều cái không như anh Cát, ông Tỉnh, bà Nguyễn Thị Quý, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) đi làm giúp việc gia đình khắp trong, ngoài tỉnh đã hơn chục năm nay. Chăm sóc người già ốm đau, bế trẻ con, làm việc nhà, bà đã qua mấy gia đình nhà chủ mà chưa bao giờ có hợp đồng lao động, đến làm cho nhà ai cũng chỉ là qua giới thiệu rồi thỏa thuận miệng với nhau về giờ giấc, mức lương. Bà bảo, đợt trước xem ti vi, thấy nói người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng lao động, trong đó người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục mỗi tuần, 12 ngày phép nguyên lương mỗi năm và nghỉ lễ, Tết theo quy định. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm chi trả BHXH, BHYT cho người giúp việc. Nhưng trên thực tế, thời buổi người khôn của khó, tìm được công việc phù hợp với mức thu nhập ổn định là rất khó khăn nên những người giúp việc như chúng tôi cũng không dám đòi hỏi.
 
Hiện nay, tỉnh ta vẫn còn một bộ phận không nhỏ người lao động tự do không có quan hệ lao động (không có hợp đồng lao động, không được chủ sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT…). Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm cho đối tượng này bằng việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân để mọi người lao động đều được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già. Tuy nhiên, do mức đóng vẫn còn cao so với thu nhập của nhiều lao động, thời gian đóng lại kéo dài, nhận thức của người lao động chưa đầy đủ nên nhiều người vẫn chưa tham gia 2 chế độ, chính sách mang tính nhân văn này. Trong khi đó, nhiều người lao động thuộc khu vực phi chính thức này phải làm việc với cường độ lao động cao hoặc làm việc trong môi trường độc hại nhưng thiếu các phương tiện bảo hộ lao động thiết yếu. Phần lớn trong số họ do không ký kết hợp đồng lao động nên khi không may xảy ra tai nạn lao động hoặc những rủi ro đáng tiếc thì các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn khó có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua hiện mới chỉ chú trọng đến lực lượng lao động ở khu vực chính thức, chưa có những quy định bảo vệ quyền lợi cho lao động tự do. Vì vậy để bảo vệ quyền lợi của mình, thiết nghĩ bản thân người lao động phải nâng cao kiến thức về pháp luật lao động; yêu cầu chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động khi tham gia quan hệ lao động. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động cần vận động các chủ sử dụng lao động ở các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước quan tâm đến người lao động để động viên họ gắn bó với doanh nghiệp, tích cực lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp./.
 
 Bài và ảnh:  Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com