Công tác Dân số - KHHGĐ ở Trực Ninh

09:03, 08/03/2016
Qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số - KHHGĐ giai đoạn 2011-2015, huyện Trực Ninh đã huy động sự “vào cuộc” của hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu công tác Dân số - KHHGĐ. Trong 5 năm qua, các chỉ tiêu công tác Dân số - KHHGĐ của huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đến nay bộ máy làm công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện đã được củng cố, hoạt động nền nếp, hiệu quả. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về Dân số - KHHGĐ được tăng cường, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Thực hiện Kế hoạch số 16 của UBND huyện về thực hiện chiến lược Dân số và SKSS giai đoạn 2011-2015, các tổ chức đoàn thể: Hội Phụ nữ, LĐLĐ, Đoàn Thanh niên, Hội CCB, Hội Nông dân… đều xây dựng chương trình hành động; tổ chức hội nghị và các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác Dân số - KHHGĐ, thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia. Đài Phát thanh huyện hằng tuần mở chuyên mục tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ; đài phát thanh các xã, thị trấn tuyên truyền về công tác Dân số - KHHGĐ. Đoàn Thanh niên tổ chức sinh hoạt “CLB tiền hôn nhân”, “CLB gia đình hạnh phúc”… để nâng cao nhận thức về công tác Dân số - KHHGĐ, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... Hội LHPN huyện phát động 405 chi hội trong toàn huyện thực hiện 8 tiêu chí về công tác Dân số - SKSS-KHHGĐ gắn với phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” thu hút 35.586 hội viên tham gia. Toàn huyện có 130 mô hình CLB gia đình hạnh phúc với 8.774 hội viên; 33 mô hình CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3 với 1.661 thành viên. Thông qua sinh hoạt, công tác tuyên truyền, giáo dục được đổi mới về hình thức, nội dung phù hợp với từng thời điểm, từng nhóm đối tượng, chất lượng sinh hoạt của các loại hình CLB được nâng lên. Năm 2015, toàn huyện có 20.646 phụ nữ (đạt tỷ lệ trên 90% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ký cam kết không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính thai nhi. Hội Phụ nữ huyện tổ chức 9 hội nghị lồng ghép truyền thông, cung cấp kiến thức về nuôi dạy con, giáo dục trẻ vị thành niên cho 43.878 lượt hội viên và 3.121 trẻ vị thành niên được tiếp cận kiến thức và dịch vụ CSSKSS. Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện tổ chức 78 lớp truyền thông Dân số - KHHGĐ cho 5.363 lượt cán bộ, hội viên; tổ chức 25 lớp truyền thông chính sách mới về công tác Dân số - SKSS-KHHGĐ cho 2.908 cán bộ, hội viên. Hằng năm, các cấp hội trong toàn huyện tổ chức liên hoan, giao lưu văn nghệ tuyên truyền về công tác Dân số - KHHGĐ bằng hình thức sân khấu hóa. Phát động và tổ chức cho 100% chi hội đăng ký không có hội viên sinh con thứ 3; xây dựng được 389 mô hình “Chi hội các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đăng ký không sinh con thứ 3” với 20.285 thành viên tham gia. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã có 75 CLB “Nam nông dân với công tác Dân số - KHHGĐ” thu hút hơn 7.000 thành viên. Đây là nét mới và cách làm sáng tạo của các cấp Hội Nông dân huyện trong việc thực hiện các mục tiêu công tác Dân số - KHHGĐ.
Cán bộ Trạm Y tế xã Trung Đông (Trực Ninh) tư vấn chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Cán bộ Trạm Y tế xã Trung Đông (Trực Ninh) tư vấn chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự “vào cuộc” của các ngành, đoàn thể, 5 năm qua huyện Trực Ninh đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác Dân số - KHHGĐ đề ra. Giai đoạn 2011-2015, số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong toàn huyện là 2,1 con, đạt được mức sinh thay thế; tỷ lệ phát triển dân số duy trì dưới mức 1,32%; nhiều xã đã duy trì được tỷ lệ sinh và tỷ lệ người sinh con thứ 3 ở mức thấp trong nhiều năm liền; tiêu biểu như các xã, thị trấn: Trực Chính, Phương Định, Việt Hùng, Trực Nội, Trực Thanh, Trực Thuận, Thị trấn Cổ Lễ... Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh có sự chuyển biến tích cực giảm từ 121 cháu trai/100 cháu gái (năm 2011) xuống còn 114 cháu trai/100 cháu gái (năm 2015).
 
Phát huy kết quả đã đạt được, giai đoạn 2016-2020, huyện Trực Ninh đề ra mục tiêu: Duy trì giảm sinh hằng năm 0,2%o; giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên hằng năm 1%. Thực hiện bình đẳng giới trong cuộc sống gia đình, nâng cao phúc lợi gia đình, xây dựng gia đình ít con (mỗi cặp vợ chồng có 2 con) no ấm bình đẳng. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Tập trung các hoạt động thực hiện giảm sinh; chủ động kiểm soát, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh và giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính khi sinh. Để thực hiện mục tiêu đề ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; quan tâm đối tượng vị thành niên, thanh niên, nhất là trẻ em gái; vùng có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ số giới tính khi sinh cao. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về Dân số - KHHGĐ, giới tính khi sinh đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng. Tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận; mở rộng giáo dục về Dân số - KHHGĐ, sức khỏe sinh sản, giới và bình đẳng giới, trong và ngoài nhà trường. Tăng cường phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về Dân số - KHHGĐ, đặc biệt là chính sách pháp luật về mất cân bằng giới tính khi sinh. Mở rộng các hình thức tư vấn của cán bộ các cơ sở dịch vụ, các trung tâm tư vấn tỉnh, huyện như tư vấn trực tiếp, điện thoại, thư, phát thanh, truyền hình, internet và tư vấn cộng đồng. Duy trì và đẩy mạnh các can thiệp truyền thông có hiệu quả, các mô hình và dịch vụ tư vấn trực tiếp, thân thiện cho đối tượng sinh con một bề, đối tượng nghèo, dân di cư, vị thành niên, thanh niên. Tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện sàng lọc, chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Triển khai mô hình khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân. Tiếp tục duy trì và mở rộng chiến dịch truyền thông, lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại các xã có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em; cung cấp các biện pháp tránh thai đảm bảo an toàn, thuận tiện và hiệu quả./.
 
 Bài và ảnh:  Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com