Hướng tới sân chơi hợp pháp cho máy bay mô hình

09:02, 19/02/2016
Ngày nghỉ, bãi đất trống gần KCN Mỹ Trung sôi động hẳn lên với hàng chục chiếc máy bay mô hình đủ kích cỡ lần lượt cất cánh bay lượn trên không trung trong tiếng hò reo của mọi người. Niềm phấn khích hiện rõ trên khuôn mặt những “phi công” từ mặt đất bởi chiếc máy bay mô hình đã giúp họ thỏa mãn niềm đam mê được tung cánh trên bầu trời tự do. 
 
Thú chơi máy bay mô hình trên thế giới đã phát triển từ rất lâu, gần như song hành với từng bước tiến của ngành hàng không. Với đặc trưng ngoại hình mô phỏng chính xác 100%, nhưng tỷ lệ nhỏ hơn, máy bay mô hình có thể bay lượn và thực hiện những động tác kỹ thuật y như máy bay thật dưới sự điều khiển của người chơi đứng dưới mặt đất thông qua bộ điều khiển bằng sóng radio. Có thâm niên hơn 10 năm theo đuổi thú chơi máy bay mô hình, anh Nguyễn Văn Trung - Chủ nhiệm CLB Mô hình Máy bay Nam Định cho biết: “Máy bay mô hình có đủ loại từ máy bay cánh bằng, cánh lượn, thủy phi cơ, trực thăng, chiến đấu thỏa mãn các lựa chọn của người chơi. Điều cốt yếu là phải có đam mê, kiên nhẫn và đủ tiềm lực tài chính. Hiện toàn bộ thành viên CLB có 60 người, đông nhất là ở huyện Hải Hậu với 30 thành viên”. Từng là sinh viên khoa Điện và Điện tử (Đại học Mỏ - Địa chất), anh Trung sớm bén duyên với thú chơi mô hình máy bay bởi các chi tiết linh kiện của động cơ máy bay đã thu hút anh. Chiếc máy bay mô hình đầu tiên được anh tận dụng lắp ráp từ xốp bọc ti vi kết hợp với các động cơ điện từ đồ chơi điện tử mô phỏng thiết kế máy bay số hiệu P51. Muốn chơi máy bay mô hình phải thấm nhuần quy trình, hiểu rõ về nguyên lý khí động học, động lực học. Sau đó, tìm kiếm mẫu thiết kế máy bay, chuẩn bị các nguyên liệu, linh kiện điện tử. Bước cuối cùng và cũng quan trọng nhất là cân chỉnh hệ thống cơ khí, điện tử, trọng tâm máy bay, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Sau khi hoàn thành lắp ráp, người chơi phải “bay” thử từ 1-2 tuần trên máy tính bằng phần mềm giả để phát hiện và chỉnh sửa lỗi kịp thời nhằm giảm chi phí thiệt hại hay sự cố kỹ thuật xảy ra trên thực tế. Theo anh Trung, học chơi máy bay mô hình không hề dễ, phải thường xuyên luyện tập từng bước một. Từ những kỹ thuật bay cơ bản nhất là lượn sau đó nâng lên từng cấp độ khó dần như xoay, bay nghiêng, bay vòng, bay ngửa, đứng yên hay kết hợp vừa nghiêng, vừa ngửa, vừa xoay trên một đường thẳng… Để tập xong kỹ thuật bay cơ bản, “kỷ lục” nhanh nhất cũng mất tháng rưỡi, còn thông thường là 2-3 tháng. Hơn nữa, đây cũng là thú chơi mang tính rủi ro cao. Nếu gió quá mạnh, hoặc bộ điều khiển bị nhiễu sóng là máy bay “rụng” như chơi. Cứ đập xuống đất là mất tiền. Nhẹ thì chỉ phải thay vỏ, nặng thì hỏng cả bộ máy luôn. Chả thế, dù đã chơi hơn 10 năm, lắp ráp được hơn 100 máy bay mô hình đủ chủng loại nhưng bình quân anh Trung hoặc các anh em khác chỉ giữ bên mình khoảng 2-3 mô hình, nhiều là 5-6 mô hình. Tiếp lời, một thanh niên trẻ mới chơi mô hình nói tếu táo: “Để có một phút bay trên trời phải dốc sức suốt ba tháng dưới mặt đất đấy, anh ạ! Khổ cực nhưng bay được thì vui lắm”. Thông thường dân chơi nghiệp dư, mới chập chững tập chơi thường sử dụng máy bay lắp ráp sẵn. Loại này giá mềm, chỉ cần 300 nghìn đồng, người chơi đã có thể sắm một chiếc về luyện. Còn dân chơi chuyên nghiệp lâu năm thường mua linh kiện về tự lắp ráp. Đa số linh kiện, động cơ, bộ điều khiển đều phải nhập từ nước ngoài với số tiền tính bằng USD. Vì thế, mẫu máy bay mô hình càng phức tạp, chi tiết linh kiện, động cơ càng nhiều thì càng tốn tiền. Tuy vậy, thú chơi máy bay mô hình không hề kén người chơi, đồng thời tạo được một sân chơi lành mạnh, khuyến khích người ham học hỏi về kỹ thuật, đặc biệt là phát hiện các tài năng trẻ, đáp ứng nhu cầu công nghệ lắp ráp linh kiện.
Các thành viên CLB Mô hình Máy bay Nam Định bên sản phẩm tự lắp ráp.
Các thành viên CLB Mô hình Máy bay Nam Định bên sản phẩm tự lắp ráp.
Thú chơi máy bay mô hình tại tỉnh ta do nhu cầu tự phát nên hiện gặp rào cản lớn bởi chưa có khung pháp lý đầy đủ để các “phi công” có một sân chơi hợp pháp. Theo các thành viên của CLB tâm sự, máy bay mô hình thường rất khó điều khiển nên khi chơi trong khu dân cư, người điều khiển còn thiếu kinh nghiệm rất dễ làm máy bay va đụng vào các tòa nhà hoặc vướng vào đường dây cao thế, gây chập điện. Mọi thành viên trong CLB đã chủ động chơi ở các chỗ vắng, rộng rãi, không có khu dân cư. Đồng thời, tham gia các buổi tập huấn, giao lưu chia sẻ giữa các thành viên về quy định của pháp luật đối với các phương tiện bay không người lái của Chính phủ trong thời gian qua. Chơi máy bay mô hình ngoài đáp ứng sở thích cá nhân, có thể kết hợp phát huy khả năng hỗ trợ đắc lực hơn cho các công tác nghiên cứu, đo đạc bản đồ, địa hình. Do vậy, đây cũng là hoạt động cần quản lý chặt chẽ. Mới đây Bộ Quốc phòng có văn bản yêu cầu các địa phương phải tăng cường quản lý các hoạt động này. Theo đó, các tổ chức, cá nhân trước khi bay phải thực hiện xin phép bay và chỉ được tổ chức bay khi được cấp phép. Khi có nhu cầu xuất nhập khẩu, thiết kế sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các phương tiện này phải có văn bản được Bộ Quốc phòng chấp thuận. Do không nắm được kịp thời các quy định nên thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, một số mô hình máy bay đã bị tịch thu hoặc khoanh vùng cấm bay mới, đặc biệt đối với các máy bay mô hình có gắn thêm các thiết bị như flycam hoặc máy ảnh. Anh Trung chia sẻ, để phong trào thực sự được mở rộng, đáp ứng đam mê của các thành viên cũng như phù hợp hơn với các quy định của pháp luật, hiện CLB Mô hình Máy bay Nam Định đang tập trung hoàn tất các thủ tục với cơ quan chức năng bảo đảm các hoạt động của CLB được lành mạnh, đúng luật./. 
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com