Công việc không “to tát”, hằng ngày họ đi dọc cung đường sắt quản lý kiểm tra đường ray, báo hiệu cho lái tàu khi có sự cố nguy hiểm, góp phần đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu đang ngày đêm vận chuyển hành khách và hàng hóa. Lặng thầm, những người công nhân thuộc Cty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh gợi cho tôi nhớ đến bài hát “Bài ca người tuần đường” (Lời thơ Trịnh Văn Khanh, nhạc Hoàng Bình): “Người tuần đường đi trong đêm thâu, người tuần đường đi xuyên nắng chiều. Chiếc mũ trên đầu bao lần đã đổi, áo bạt bạn đường chẳng thể nào quên. Ơi! Chiếc đèn vuông tôi quý tôi yêu, đôi giày vẹt gót đã nhiều. Là bạn suốt đời chung thủy vẫn cùng tôi vững bước trên đường tàu”…
Đêm thay ngày, ngày lại đổi thay đêm…
Giữa đêm khuya dưới bóng đèn cao áp vàng quạnh quẽ chiếu xiên những tán cây bàng in xuống đường ray tàu, những người tuần đường thuộc Cty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh đang miệt mài làm việc. Lau vội những giọt mồ hôi còn lăn trên trán giữa đêm thu se lạnh, ông Trần Đăng Ân, sinh năm 1965, công nhân tuần đường của Cty kể với tôi: “Học xong cấp 3 trường làng, tôi xin vào làm công nhân duy tu đường sắt ở cung đường Ninh Bình. Đến tháng 3-1985, tôi chuyển công tác về làm công nhân tuần đường thuộc cung đường sắt Nam Định. Hơn 30 năm làm công việc tuần đường, những người trong Cty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh gọi ông Ân bằng cái tên trìu mến “cây đại thụ” trong nghề tuần đường của ngành đường sắt. Mỗi ngày, công việc của người tuần đường thuộc cung đường sắt Nam Định thường được bắt đầu từ 8 giờ sáng. Cũng giống như các công nhân khác, công việc của ông Ân là kiểm tra 14km đường chính tuyến, 6 đường ở ga, một số cầu và đường ngang không có gác chắn. Tính ra một ngày làm việc của người tuần đường phải đi bộ 20km. Do đã quá quen với cung đường này, bây giờ “nhắm mắt” ông Ân cũng thuộc lòng được từng thanh tà vẹt, từng cái đinh ốc của mỗi đoạn đường ray trên cung đường sắt quen thuộc. Dụng cụ làm việc của người tuần đường khá đơn giản gồm: cà lê, đèn, cờ, còi dùng để báo hiệu sự cố cho người lái tàu. Khi thấy nguy hiểm, ông Ân dùng cờ đỏ vẫy hoặc cắm xuống báo hiệu tín hiệu không an toàn. Ngoài ra, trong túi đồ nghề của ông lúc nào cũng có 6 quả pháo tín hiệu đường sắt, nếu có sự cố xảy ra, ông đặt 3 quả trên đường ray trước chướng ngại vật khoảng 800m, khi tàu đi qua pháo sẽ nổ, lái tàu thấy tín hiệu này sẽ biết để dừng tàu kịp thời. Ngoài ra, công nhân tuần đường còn mang theo còi, bật lửa để phòng trường hợp sự cố lớn phải gom rác đốt lửa báo hiệu… Cũng theo ông Ân, mỗi công nhân làm nghề tuần đường thường được chia làm 3 ca trực. Ca 1 làm từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều; ca 2 sẽ nhận việc từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Ca 3 nhận việc từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau. Theo đó, 1 ca làm việc của ông sẽ kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Sau khi nhận ca, ông Ân nhận dụng cụ, khoác chiếc áo phản quang, đeo túi đồ nghề, một tay cầm chiếc đèn tuần, tay kia cầm cờ lê đi dọc cung đường. Nếu gặp sự cố bất thường nào trên tuyến, ông Ân sẽ phải xử lý ngay. Các sự cố nhỏ như lỏng bu-lông, ốc-vít, ông dùng cờ-lê vặn lại. Nếu sự cố lớn, bất thường, ông Ân gọi điện báo cáo chờ sự chỉ đạo, hỗ trợ của Cty để giải quyết. Cứ như vậy, bất kể mùa hè nóng nực hay mùa đông giá rét, những đêm mưa gió bão bùng, bước chân của những người tuần đường như ông Ân không bao giờ ngơi nghỉ để mỗi chuyến tàu đi qua cung đường sắt Nam Định đều được an toàn.
|
Công nhân tuần đường thuộc cung đường sắt Nam Định (Cty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh). |
Những người tuần đường… cô đơn
Do tính chất đặc thù của công việc, những công nhân đường sắt làm nhiệm vụ tuần đường thường xuyên lặng lẽ, đơn độc. Chỉ với một ngọn đèn trong tay, họ như những “chấm sáng” di chuyển một mình trong đêm tối. “Đối với tôi, những người bạn là… còi, pháo, cà lê và đoàn tàu. Đi tuần ban ngày còn đỡ buồn, vào ban đêm nhiều khi tôi có cảm giác mình giống như một người… cô đơn”. Bên cạnh đó, những công nhân tuần đường đôi khi cũng gặp không ít nguy hiểm. Trên cung đường tuần tra, họ gặp đủ các hạng người, thành phần trong xã hội như: nghiện ngập, ngáo đá xin tiền, những người say rượu chọn đường tàu làm giường ngủ, thậm chí cả những kẻ trộm sắt đường ray… Ngoài ra, hằng ngày họ phải đối mặt trực tiếp với khắc nghiệt của thời tiết. Vào mùa hè, những công nhân đi tuần thường phải chống chọi với cái nắng chói chang, bỏng rát. Mùa đông là những cơn gió lạnh buốt da thấu thịt và những cơn buồn ngủ thì không bao giờ dứt… Càng buồn hơn khi những ngày lễ, tết, lúc mọi người, mọi nhà quây quần bên nhau thì “chúng tôi lại phải xách đèn ra đường”, ông Ân kể.
Hiện, Cty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh phân công đều ca làm việc cho công nhân. Vì thế, 1 tháng công nhân sẽ thay phiên nhau được nghỉ 4 ngày để đảm bảo sức khỏe và cân bằng thu nhập cho người lao động. Tính bình quân, lương của người tuần đường ở bậc cao nhất 7/7 như ông Ân cũng chỉ khoảng trên 3 triệu đồng/người/tháng. Ông Ân cho biết thêm, “Trong Cty, người ít cũng gần 10 năm gắn bó với nghề, nhiều thì cũng trên 30 năm. Với mức lương như hiện tại, đời sống của những người tuần đường chúng tôi cũng còn nhiều khó khăn”. Tuy công việc có lúc nhàm chán, vất vả thu nhập không cao, song những công nhân tuần đường tôi gặp khi được hỏi vẫn nói: yêu chứ, gắn bó với nghề lắm chứ, nếu không chúng tôi đã chuyển việc lâu rồi. Điều mà những người tuần đường như ông Ân mong muốn nhất là người dân tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông qua đường sắt, trẻ em không nô nghịch dưới đường tàu, ảnh hưởng tới ATGT đường sắt, nguy hiểm tính mạng, những hành vi vô ý thức như ném đá lên tàu sẽ không bao giờ tái diễn. Mỗi một người tự ý thức sẽ xây dựng được nét đẹp văn hóa cho cuộc sống cộng đồng.
Mỗi công việc dù thầm lặng, nhỏ bé đều có giá trị riêng, mỗi chuyến tàu đi qua luôn in dấu chân của những người tuần đường cô độc. “Ơi! Anh lái tàu ơi! Anh hãy yên lòng, con đường này luôn có tôi phía trước. Con đường này luôn có tôi đều bước, trọn đời chăm lo. Ơi! Mỗi chuyến tàu qua. Mỗi sớm yên lành bao nụ cười ánh mắt trao tha thiết. Tôi tự hào người công nhân đường sắt chở tình quê hương…”. Chia tay người tuần đường mà lòng tôi vẫn luôn vương vấn những câu kết của bài hát
“Bài ca người tuần đường”./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh