Nỗ lực vượt khó làm giàu của một người khiếm thị

07:08, 14/08/2015

Sinh ra tại mảnh đất thuần nông xã Trung Thành (Vụ Bản), năm 13 tuổi, đôi mắt của ông Nguyễn Ngọc Tuấn cứ mờ dần và đến một ngày thì ông không nhìn thấy ánh sáng nữa. Thời điểm đó, theo ông Tuấn, vẫn có thể cứu chữa được nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên gia đình và bản thân ông đành buông xuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đang phổ biến kỹ năng sản xuất cho công nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đang phổ biến kỹ năng sản xuất cho công nhân.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, ông đã tự rèn luyện bản thân quen dần với hoàn cảnh hiện tại, học cách di chuyển, tự làm những công việc trong gia đình… Ông luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để khắc phục hoàn cảnh riêng, quyết tâm theo học hết chương trình THPT rồi theo học một khóa về quản trị kinh doanh của Viện đại học Mở. Năm 1988, sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn liếng mở một xưởng cơ khí nhỏ. Năm 1990 nghề cơ khí làm ăn không hiệu quả, ông chuyển hướng kinh doanh sang sản xuất gạch hoa. Trong khoảng 10 năm đi vào hoạt động, cơ sở gạch hoa của ông tạo việc làm cho nhiều người khiếm thị của địa phương. Năm 2000, nhận thấy thị trường tăm tre có thể mang đến nhiều cơ hội kinh doanh mới, phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân và những người khiếm thị, ông Tuấn chuyển hẳn sang làm tăm tre. Để khởi nghiệp, ông Tuấn miệt mài tìm hiểu thông tin qua các “kênh” như Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ sở sản xuất tăm tre của các Tỉnh Hội Người mù khác làm tăm có hiệu quả đem lại kinh tế cao. Ông đầu tư thời gian, tiền bạc “khăn gói” lên tận các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang… học nghề. Ông chia sẻ: Ngày đầu học làm tăm, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Vì không nhìn thấy nên phải học một cách từ từ, học bằng sự cảm nhận của tất cả các giác quan. Với sự cần mẫn, chịu khó, chỉ trong 2 tháng, ông đã có thể làm được đầy đủ các khâu của quy trình sản xuất tăm tre. “Đối với bản thân những người khiếm thị như chúng tôi, làm một công việc bình thường đã vất vả, tìm được một công việc phù hợp càng vất vả hơn. Vì vậy, chúng tôi luôn chú trọng đến chất lượng những sản phẩm làm ra”, ông Tuấn chia sẻ. Sau khi tìm hiểu kỹ càng về quy trình sản xuất, giá cả, thị trường, được sự động viên giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình, ông mở xưởng sản xuất tăm tre Thành Công. Ban đầu chỉ là một xưởng sản xuất nhỏ, tạo việc làm cho khoảng 5-6 lao động. Ông Tuấn nhớ lại những ngày đầu gian nan tìm đầu ra cho sản phẩm: “Tôi nhờ tất cả những anh em, bạn bè gần xa làm ăn ở đâu thì đi giới thiệu sản phẩm cho tôi đến đó. Tôi còn thuê các chị bán hàng rong ra Thành phố Nam Định chào sản phẩm, quảng bá sản phẩm tận trong Quảng Bình, Khánh Hoà, vừa chào hàng vừa cam kết chất lượng sản phẩm”. Nhờ nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dần dà tăm tre của cơ sở đã có được những lượng khách quen nhất định. Sản xuất ổn định giúp ông có điều kiện mở rộng nhà xưởng, với 500m2, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động. Có thời điểm, cơ sở sản xuất tăm tre Thành Công thu hút 40-50 lao động, chủ yếu là người khiếm thị. Hiện trung bình 1 năm cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Ngọc Tuấn có thể xuất bán hàng tấn sản phẩm. Có những lúc đơn hàng đặt nhiều, công nhân trong xưởng ông còn phải làm tăng ca. Xưởng tăm đã cho thu nhập khá cao, đảm bảo đời sống cho người lao động và có tích lũy tái đầu tư. Có vốn, ông lại tiếp tục sắm thêm các loại máy móc hiện đại như: máy xát, máy tuốt tre, máy bào nhẵn… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Chia sẻ với chúng tôi về những dự định trong tương lai, ông Tuấn hồ hởi: “Thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng xưởng tăm, tìm thêm nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm để tạo cơ hội giúp đỡ được nhiều người khiếm thị có công việc ổn định hơn”. 

Không chỉ là một người khiếm thị làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Ngọc Tuấn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hiện, ông là Giám đốc trung tâm phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề của Hội Người mù tỉnh. Tính đến nay, ông Tuấn đã có hơn 25 năm gắn bó với công tác Hội, trong đó có 12 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Người mù huyện Vụ Bản. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng cho những người khiếm thị học tập, noi theo./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com