Nghề sưu tầm cổ vật ở xã Hải Minh

08:01, 10/01/2015

Với hơn 750 năm lịch sử, đất Thiên Trường - Nam Định chứa đựng nhiều cổ vật có giá trị. Nghề sưu tầm cổ vật cũng nhờ thế mà phát triển khá mạnh. Trong đó, giới sành đồ cổ vẫn nhắc đến vùng quê văn hóa Hải Hậu là một trung tâm đồ cổ nổi tiếng cả nước, mà “thủ phủ” là xã Hải Minh. Ở đây, họ ưu ái gọi nghề này với tên khá độc đáo: “Đồng nát quý tộc”.

Tại trung tâm xã đã có một khu buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, đồ cổ với hàng chục cửa hàng. Bước vào nhà nào cũng tận mắt thấy cơ man đồ gỗ mỹ nghệ, những chiếc tủ chè trị giá tiền tỷ, khảm ốc ngà hay chiếc sập gụ đen thẫm, bóng loáng truyền qua bao thế hệ và rất nhiều câu đối, cuốn thư lóng lánh sắc vàng, các sắc phong còn nguyên dấu triện… Trò chuyện với chúng tôi, anh Đỗ Văn Thiện, Hội Cổ vật Hải Hậu cho biết: Đồ cổ Hải Minh chủ yếu là đồ sành, sứ, bàn, ghế, sập Tàu, long sàng; ngoài ra, còn có đồ đồng, đồ gốm… Xã Hải Minh hiện có khoảng trên 40 người chuyên buôn bán, sưu tầm cổ vật. Ngoài ra, nhiều nhà làm nghề “đồng nát” nhưng cũng biết nắm bắt cơ hội, kết hợp lùng mua đồ cổ để bán cho các nhà buôn. “Một vốn, vạn lời” nên cách đây khoảng hơn chục năm, nghề buôn đồ cổ phát triển mạnh ở Hải Minh, người già đi trước kéo theo những người trẻ đi sau, người biết nhiều tư vấn kinh nghiệm cho người biết ít. Thợ Hải Minh chia làm hai loại. Thợ "chạy" mua đuổi, bán đuổi, ăn lãi mỏng, rong ruổi khắp các vùng miền cả trong nước và ngoài nước để săn cổ vật; thợ "tay to" chuyên ôm găm hàng, đi ít, chủ yếu nhận đơn đặt hàng và giao dịch các món đồ cổ có giá trị lớn. Trước đây miền Bắc có nhiều đồ cổ, nhưng về sau nhiều người buôn bán và săn tìm nên đồ cổ khan hiếm dần. Thợ Hải Minh lại lặn lội vào tận miền Nam, những vùng mà ngày xưa nổi tiếng giàu có như Bạc Liêu, Cần Thơ, An Giang… hoặc sang Thái Lan, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a để săn tìm cổ vật. Vì vậy, đồ cổ vật ở Hải Minh hết sức phong phú. Trong đó phải kể đến lô cổ vật đĩa Huế tích "Khánh xuân thị tả" của anh Kim ở Hải Minh được giới chuyên nghiệp định giá tới 1,8 tỷ đồng. Theo anh Thiện cho biết: “Săn đồ cổ phải có duyên, có khi mình nghe nói ở đâu đó có đồ quý nhưng đến xem thì nó không quý như mình tưởng. Hoặc có đồ quý thật nhưng chủ nhân nhất định không bán. Chính vì thế, thợ “chạy” phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết của mình về niên đại lịch sử, các đặc trưng về họa tiết trang trí hay nét độc đáo của mỗi cổ vật xưa để không bị “hớ” khi mua hàng. Chẳng hạn như chiếc bát này”. Mở chiếc tủ bên trong bày các bát men, anh lấy cho chúng tôi xem chiếc bát chế tác từ thời Vua Thiệu Trị. Chiếc bát đó anh tình cờ nhìn thấy tại nhà một bà lão ở Tiền Hải (Thái Bình). Anh hỏi mua, bà lão nói giá bâng quơ 1 chỉ vàng. Mua về đến nhà đã có khách đến trả 1,2 cây vàng nhưng anh không bán.

Anh Đỗ Văn Thiện ở xóm 34 bên những cổ vật của gia đình.
Anh Đỗ Văn Thiện ở xóm 34 bên những cổ vật của gia đình.

Do thợ Hải Minh không hề qua một trường lớp đào tạo nào, tự học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau nên dù kinh nghiệm đầy mình, nhưng thợ Hải Minh vẫn không thể nào tránh được những lần bị lừa, bị hớ khi mua phải đồ bất hợp pháp, hoặc đồ làm giả. Theo anh Thiện, việc định giá đồ cổ dựa vào rất nhiều yếu tố, đòi hỏi người trong nghề luôn phải biết tự học hỏi, nâng cao trình độ của mình; đặc biệt là các dấu hiệu và kỹ thuật phát hiện niên đại của món đồ. Ví dụ như đồ sành, sứ có thể dựa vào men, màu sắc; đồ gỗ dựa vào các vân gỗ… Đối với người lâu năm, việc định giá còn tương đối chuẩn xác. Đối với người mới vào nghề, nhiều khi vẫn phải “ngậm trái đắng”. Anh Đỗ Văn Tĩnh, ở xóm 34, cho biết: “Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên mua cổ vật. Khi đó, tôi tin tưởng lời giới thiệu của một “thợ chạy” ở Long An nên lặn lội vào tận nơi để mua 1 bộ ấm chén sành sứ Trung Quốc cổ với giá 4 chỉ vàng. Thế nhưng, về đến nhà định giá lại thì bộ sành sứ chỉ mới 1 năm tuổi, chỉ bán được 500 nghìn đồng. Đây là bài học đầu tiên vô cùng thấm thía trên bước đường nghề sưu tầm cổ vật”. Kể từ đó, anh Tĩnh không ngừng học hỏi và tham gia các hội chợ triển lãm trưng bày cổ vật của các tỉnh bạn như Ninh Bình, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, căn nhà của anh đã có hơn 500 cổ vật các loại bàn, ghế, tủ bàn chủ yếu từ đầu thế kỷ 18. Mỗi năm anh dành 2/3 thời gian để sưu tầm hoặc tham gia các phiên đấu giá cổ vật để tích lũy kinh nghiệm, cũng là cơ hội trao đổi các món đồ ưng ý theo sở thích.

Mỗi cổ vật đều có một giá trị văn hóa, lịch sử riêng. Người chơi, sưu tầm, buôn bán cổ vật ngoài nhu cầu làm kinh tế còn đặc biệt thỏa mãn sở thích, thú chơi đậm nét văn hóa. Hằng năm, họ thường xuyên gặp gỡ và tổ chức các triển lãm trưng bày cổ vật để giới thiệu đến công chúng những cổ vật, sưu tầm được cùng bình luận, tôn vinh những tinh túy, tài hoa trong lao động, sản xuất, chế tác đồ thủ công của tổ tiên, quê hương mình thể hiện trên các món đồ. Có lẽ cũng bởi thế mà sưu tầm, chơi cổ vật trở thành một nghề, thú chơi không biên giới, là cầu nối văn hóa của các dân tộc trên thế giới./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com