Gần chục năm qua, ông Bùi Văn Khang, ở xã Hải Phương (Hải Hậu) đã dành nhiều thời gian, công sức đi tìm những đồng đội đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Những chuyến đi của ông nhiều khi kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, lên rừng, vượt núi với niềm mong mỏi đưa các đồng đội về với quê hương.
Ông Bùi Văn Khang đang tra cứu hồ sơ, tài liệu về các liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. |
Năm 1968, khi còn đang học tại trường cấp 3 Hải Hậu, Bùi Văn Khang đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Cục Xăng dầu Đoàn 559, Tổng cục Hậu cần với nhiệm vụ thi công đường ống dẫn xăng dầu từ Bắc vào Nam. Sau khi bị thương và phải nằm điều trị, ông chuyển sang làm công tác tham mưu tại Trung đoàn 671, Cục Xăng dầu Đoàn 559. Đến năm 1978, ông được chuyển công tác về ngành KSND tỉnh và nghỉ hưu năm 2009. Trong suốt quá trình công tác, được làm việc ở nhiều đơn vị khác nhau nhưng ông luôn canh cánh về những người đồng đội đã nằm lại chiến trường. Ý nghĩ phải đi tìm mộ những người đồng đội đã nằm xuống tại các chiến trường khi cùng ông làm nhiệm vụ đã luôn thôi thúc ông. Năm 2005, ông xin nghỉ phép và bắt đầu hành trình đi tìm mộ. Một mình trên chiếc xe máy cũ với hành lý gọn nhẹ chỉ vài ba bộ quần áo cùng mì tôm, lương khô, nước uống…, ông di chuyển từ Bắc vào Nam. Đến nay, qua nhiều lần tìm kiếm, đi đến tận mũi Cà Mau, sang cả nước bạn Lào tìm đồng đội, ông đã xác minh được danh tính, tìm và cất bốc được 8 hài cốt liệt sĩ; trong đó có người đã được đưa về với người thân, quê hương, có người vì điều kiện vẫn nằm tại các nghĩa trang liệt sĩ. Trong suốt quá trình tìm hài cốt đồng đội, niềm nung nấu và quyết tâm nhất trong ông là tìm được người bạn học thân thiết một thời đã ngã xuống mảnh đất miền Trung vào ngày 13-9-1972 vì bom B52 Mỹ. Hồi đó, ông và người bạn liệt sĩ Mai Chấn Hưng cùng trong đội hình bộ đội xăng dầu vào phục vụ chiến trường B. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, giữa mịt mờ bom đạn, ông không xác định được vị trí chính xác địa phương, tọa độ nơi ông Hưng hy sinh, vì vậy từ năm 1978, sau khi chuyển công tác, đã mấy lần ông cùng bạn hữu và gia đình liệt sĩ lặn lội kiếm tìm trên Trường Sơn và miền tây Quảng Bình nhưng không có kết quả. Ngày 27-7-2005, ông lại tìm về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, dò dẫm từng tấm bia, ngôi mộ mà vẫn bặt vô âm tín. Ông đã lặng lẽ khóc bạn bằng bài thơ đẫm lệ “Hưng ơi”: “Đất vẫn đỏ, vẫn đỏ/ Cây vẫn xanh, vẫn xanh/ Hưng ơi Hưng! Sao nỡ/ Là nấm mồ vô danh”. Về gặp lại mẹ của liệt sĩ, ông cảm thấy như mình có lỗi. Mùa hè năm 2006, dưới cái nắng như đổ lửa của miền Trung, ông lại một mình vác ba lô, đi xe máy vào Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Qua hai lần kiếm tìm trong mười ngàn nấm mộ, ông lại đành quay về trạm tiếp đón của Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nằm nghỉ mà trong đầu luôn hiện lên hình ảnh của người bạn thân thiết hôm nào. Đêm đó, ông đã khóc gọi tên bạn nhiều lần, đọc cho bạn nghe những bài thơ ông viết tặng riêng cho bạn. Sáng tinh mơ, ông như nghe tiếng ai vọng gọi giữa những luồng gió rít trong một không gian trầm mặc, mù sương. Ông cứ thế đi, băng qua những hàng mộ dài hun hút và bỗng dưng dừng lại bên ngôi mộ trước mặt: Người bạn Mai Chấn Hưng đây rồi (!). Ông thốt lên, ôm mộ bạn và khóc. Sau khi đưa liệt sĩ Mai Chấn Hưng về với quê hương Hải Hậu, 3 tháng sau mẹ của liệt sĩ cũng yên lòng nhắm mắt. Đó là những kỷ niệm, tình cảm ông không thể quên trong hành trình đi tìm đồng đội của mình.
Kể từ khi ông về nghỉ hưu, dù bộn bề công việc (hiện ông đang làm Trưởng Văn phòng Luật Thái Khang và cộng sự), nặng với duyên thơ (ông là hội viên bộ môn Thơ Hội VHNT Nam Định - đã xuất bản 8 tập thơ riêng) nhưng lòng ông khôn nguôi nhớ thương những đồng đội đã ngã xuống và ông sẽ tiếp tục đi tìm, để gia đình họ vơi bớt nỗi đau mất mát./.
Bài và ảnh: Thảo Linh