Lại nóng chuyện xe chính chủ

03:03, 07/03/2013

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Bộ GTVT mới hoàn thành và chờ lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và người dân tiếp tục đưa ra mức phạt với phương tiện giao thông không sang tên đổi chủ. Câu chuyện "xe chính chủ" lại trở thành vấn đề nóng.

Theo đó, từ ngày 1-7 tới, xe không sang tên đổi chủ, ô tô trong lĩnh vực vận tải không lắp hộp đen, chủ xe không đóng phí bảo trì sẽ chính thức bị xử phạt.

Mức phạt với xe máy không chính chủ từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức. Ô tô phạt từ 2-4 triệu đồng/cá nhân từ 4-8 triệu đồng/chủ xe là tổ chức nếu không làm thủ tục sang tên đổi chủ, không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Ngoài quy định về xử phạt xe chưa sang tên đổi chủ, dự thảo lần này còn quy định mức phạt từ 3-5 triệu đồng với hành vi đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính. Người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng. Với mô tô, xe gắn máy, phạt từ 60.000-80.000 đồng nếu sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ trợ thính).

Như vậy, so với quy định xử phạt trong Nghị định 71 trước đó, điểm nhấn của câu chuyện chính chủ lần này đơn giản chỉ là mức phạt đã được giảm nhẹ đi rất nhiều. Và nếu được thông qua, dự thảo Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 34, 71, 44 và 156 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông trước đó của Chính phủ. Người dân sẽ chỉ có 4 tháng để hoàn tất các thủ tục sang tên đổi chủ… trước khi bị phạt!

Tuy nhiên, Nghị định 71 phải tạm dừng thực hiện, chủ yếu là do vấp phải sự phản ứng từ nhiều luồng dư luận. Trong khi đó, dự thảo lần này vẫn giữ nguyên những quy định cũ, chưa nêu được phương hướng xử phạt cũng như các vấn đề liên quan đến chính chủ mà người dân quan tâm.

Cụ thể hơn, những bất cập còn tồn đọng như hướng giải quyết với xe đã mua đi bán lại nhiều lần, không thể xác minh chính chủ, việc chứng minh xe của người thân, xe mượn… vẫn chưa có một văn bản, thông tư hướng dẫn chuyển đổi nào.

Bởi thế, nói như ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, việc nghị định được áp dụng từ 1-7 sẽ tiếp tục gây khó khăn cho người dân. Thêm vào đó, việc xử phạt xe không chính chủ, không mua phí tham gia giao thông là 2 vấn đề thuộc lĩnh vực phí và lệ phí, không phải ATGT do vậy không nên đưa vào nghị định này.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cũng cho rằng, chủ trương xử lý xe không sang tên đổi chủ là hoàn toàn đúng đắn để quản lý phương tiện vận tải tốt hơn. Song, phải theo một lộ trình cụ thể, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, tránh áp đặt thì việc xử phạt mới có thể tiến hành mà không gặp phải rào cản. Trong khi đó, cái mốc 1-7 là quá gấp gáp.

Đồng thời, một nguyên nhân nữa khiến trước kia người dân "ngại" sang tên đổi chủ là mức phí sang tên quá cao. Theo các quy định hiện hành, mức phí sang tên đổi chủ đối với xe ô tô là từ 10-15% giá trị còn lại của chiếc xe, tùy theo từng địa phương. Đối với xe máy, mức phí này là 1%. Song, theo ý kiến người dân, mức phí này nên bỏ hoặc giảm đến mức thấp nhất từ 0,5-1%.

Bởi vậy, nhiều người dân đã tiếp tục thể hiện thái độ không tán thành khi có phương án tiếp tục xử phạt với xe không chính chủ./.

Theo daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com