Nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm từ thức ăn đường phố (TAĐP) là rất lớn, dù trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác truyền thông, thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhằm từng bước giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ TAĐP, bên cạnh việc ban hành, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật cần phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, nhất là toàn thể cộng đồng.
Tại Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trong khu vực, TAĐP rất được ưa chuộng bởi sự thuận tiện, giá cả hợp lý đáp ứng được nhu cầu của những người làm công ăn lương, học sinh, sinh viên, khách du lịch... Kinh doanh TAĐP là một loại kinh doanh thực phẩm chín, việc chế biến, lưu thông chủ yếu ở dạng hàng rong được bày bán trên các tuyến phố nội thành, các điểm thường tập trung đông người như: bến xe; nhà ga; các khu du lịch; các dịp lễ hội. Các sản phẩm TAĐP thường đa dạng về chủng loại như: bún, phở, cơm, nước giải khát, bánh kẹo, hoa quả. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc kinh doanh dịch vụ ăn uống và TAĐP còn bộc lộ không ít nguy cơ gây ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, việc bày bán vẫn chủ yếu là trên các tuyến phố, lòng, lề đường, hàng rong đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự và mỹ quan đô thị.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2006-2012, việc kinh doanh thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra khá phổ biến, tỷ lệ các vụ ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân do TAĐP chiếm từ 3,2% đến 5,7% tổng số vụ ngộ độc được ghi nhận mỗi năm. Kết quả giám sát 12.295 mẫu về an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2012, do các chi cục ATTP thực hiện cho thấy: Mẫu bánh cuốn, bánh tẻ, bánh phở, giò chả, nem, kem, nước đá uống bị ô nhiễm bào tử nấm mốc men vượt quy định từ 40% đến 41,7% số mẫu; ô nhiễm Coliforms là 11,7% đến 62,7%; ô nhiễm E.Coli là 6% đến 34,2%; phẩm mầu công nghiệp 0,4% đến 0,7%; độ ôi khét là 30,3% và có hàn the là 10,1% đến 15,4% số mẫu kiểm nghiệm. Tác nhân gây ô nhiễm TAĐP thường là vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại được phát hiện từ nguyên liệu, phụ gia chế biến thức ăn; nước đá uống, nước nấu ăn; dụng cụ sơ chế, chế biến, dụng cụ ăn uống; nơi kinh doanh bị ô nhiễm bởi bụi bẩn, ruồi, côn trùng; do bảo quản và vận chuyển thức ăn không bảo đảm vệ sinh và do bàn tay của người chế biến gây ô nhiễm thức ăn.
Thói quen ăn uống tại các hàng rong là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Internet |
Nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm do TAĐP vẫn còn những diễn biến phức tạp, cũng như khó kiểm soát một cách bền vững ở tất cả các công đoạn của chuỗi cung cấp TAĐP. Nguyên nhân, là sự tiếp tục gia tăng về số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cũng như cả về hình thức và quy mô phục vụ trong lĩnh vực này. Việc đầu tư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với các trang thiết bị như: dụng cụ chế biến; dụng cụ bảo quản, chứa đựng thức ăn chưa được đầu tư đúng mức và chưa đáp ứng được điều kiện bảo đảm về ATTP. Các địa điểm kinh doanh thường tạm bợ, môi trường bị ô nhiễm, nguyên liệu chế biến thức ăn chủ yếu vẫn được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, cho nên dẫn đến việc kiểm soát về ATTP sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, việc thực hành, nâng cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh TAĐP đối với người tiêu dùng chưa cao, còn tình trạng đối phó với các quy định của Nhà nước về ATTP khi có các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra vẫn diễn ra khá phổ biến. Nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề ATTP chưa được coi trọng, do tâm lý giá rẻ, thuận tiện trong sinh hoạt, ăn uống. Hiện nay, ở một số địa phương, các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chưa nhận thức được hết trách nhiệm của mình trong vấn đề ATTP TAĐP, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan chuyên môn. Cán bộ quản lý việc sản xuất, kinh doanh TAĐP, nhất là tại tuyến huyện, xã, phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm do thiếu nguồn nhân lực, cũng như trình độ còn hạn chế và việc đầu tư kinh phí, trang thiết bị cho hoạt động thanh tra, kiểm tra còn thiếu, không đồng bộ...
Để từng bước giảm nguy cơ ngộ độc TAĐP, nâng cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh TAĐP, ý thức của người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 5-12-2012 quy định điều kiện ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và TAĐP. Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp các ban, ngành có liên quan tại địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và TAĐP về những quy định tại Thông tư số 30 như: Khái niệm về kinh doanh dịch vụ ăn uống và TAĐP theo quy định của Luật ATTP; tất cả các đối tượng trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống và TAĐP phải được khám sức khỏe, cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP..., thông qua đó nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh đối với sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương khẩn trương phân cấp việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và TAĐP, cũng như tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo luật định.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh TAĐP cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa đối với người tiêu dùng như các nguyên liệu thực phẩm phục vụ cho việc chế biến phải rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, nhãn, mác, bảo đảm đúng quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm và thực hiện việc khám sức khỏe, tham dự các lớp tập huấn kiến thức về ATTP do các cơ quan chuyên môn tổ chức. Đối với mỗi người tiêu dùng, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh TAĐP, cũng như tẩy chay sử dụng các sản phẩm TAĐP nếu không bảo đảm về ATTP...
Theo: nhandan.com.vn