Cây sung trong ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam

09:02, 27/02/2013

Người Việt Nam rất thích trồng cây sung và bày sung trong ngày Tết. Trong mâm ngũ quả ngày Tết bao giờ cũng có thêm một chùm quả sung. Theo quan niệm dân gian, sung là loại cây cảnh mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, tượng trưng cho sự sung mãn, tròn đầy.

Vì vậy, nhà dù nghèo hay giàu, Tết đến đều có cành đào (hoặc mai) và một đĩa trái cây gồm xoài, dừa, đu đủ, mãng cầu và sung. Trong đó chùm sung được coi là vật linh không thể thiếu. Trong nghệ thuật, cây cảnh, đặc biệt cây cảnh thế ở Hà Nội, sung được đứng đầu trong bộ tam đa: phúc (sung), lộc (lộc vừng) và thọ (vạn tuế).

Theo truyền thuyết Phật giáo, trái sung còn gọi là hoa ưu đàm. ưu đàm, tiếng Phạn gọi là Udambara, cây này sinh ra hoa ưu đàm, 3000 năm mới nở một lần nên gọi là Linh hoa thụy (hoa điềm linh). Khi hoa ưu đàm xuất hiện thì sẽ có bậc Kim Luân Vương xuất hiện hoặc điềm lành sẽ đến. Kinh Pháp hoa có nhắc lại lời Phật: “Thật khó mà gặp hoa ưu đàm."

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Cây ưu đàm (ưu đàm thụ) tức cây sung, còn gọi là vô hoa quả, tên khoa học Ficus racemosa L., thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Cây thân gỗ, cao khoảng 15-20m. Lá hình ngọn giáo hay bầu dục, hơi có lông nhung trên cả hai mặt lá khi còn non, cứng, nguyên hay hơi nhăn nheo, dài 8-20cm, rộng 4-8cm; mọc so le; thường bị sâu ký sinh tạo thành mụn nhỏ (gọi là lá sung tật).

Quả sung, thực chất là hoa, hay còn gọi là quả giả. Bên ngoài giống như một đế hoa, bên trong mọc tủa tủa những cánh hoa li ti và được khép kín lại thành hình tròn, giống như quả vậy. Hoa lớn dần, vỏ từ màu xanh chuyển sang màu đỏ thẫm, chín và rụng rất nhanh. Phổ biến nhất ở Việt Nam là sung vè, sung xanh, sung nòi... Sung rừng có cây to đến vài người ôm, cao trên 20m, trái quanh năm.

Trên thế giới, sung có nhiều ở ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Chúng thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt và cũng được trồng quanh bờ ao hoặc ven sông. Nhưng nhiều nhất là mọc ở núi cao, rừng thẳm. Người ta dùng quả sung, lá sung làm thực phẩm và dùng cả nhựa, lá, vỏ cây để làm thuốc.

Đặc biệt, ở vùng Địa Trung Hải, có loại sung ngọt (Ficus carica L.), thân gỗ nhỏ, dạng bụi cao trung bình 3-4m, lá có hình chân vịt với 5-7 thùy cách nhau bởi những góc lõm sâu. Cây sung ngọt này mới được nhập về trồng ở Phú Yên và Khánh Hòa.

Quả sung ngọt có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, trừ ho, cầm máu, trừ lỵ và nhuận phế. Quả khi chín ngọt, phơi khô có vị ngọt như chà là. Người ấn Độ dùng quả sung ngọt để giải khát và bổ dưỡng. Người Trung Quốc dùng làm thuốc chữa táo bón, viêm ruột, hầu họng sưng đau, bổ dạ dày, giải độc. Sung ngọt còn dùng chế biến thành mứt ăn bổ huyết.

Ngày nay, cây sung được trồng trong bồn, chậu non bộ làm cảnh, rất được ưa chuộng. Người ta nhân giống bằng hạt (nhân hữu tính) hoặc bằng cách chiết cành, giâm cành (nhân vô tính). Thường nhân bằng hạt được thực hiện nhiều hơn vì tạo ra cây con khỏe hơn./.

Theo: (TTXVN/Vietnam+)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com