Nhầm lẫn hay gặp khi dùng lạc tiên

07:02, 16/02/2012

Vị thuốc lạc tiên trong y học cổ truyền thường dùng là bộ phận trên mặt đất của cây lạc tiên (Passiflora foetida L.). Ở Việt Nam có tới 15 loài, trong đó chỉ có loài P.foetida được dùng làm thuốc an thần gây ngủ. Lạc tiên là loại dây leo bằng tua cuốn. Thân mềm tròn và rỗng, có lông thưa. Lá mọc so le, chia 3 thùy, thùy giữa lớn hơn hai thùy bên, mép uốn lượn có lông mịn. Gốc lá hình tim, đầu lá nhọn. Hoa to, đều, lưỡng tính, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, 5 cánh, màu trắng hoặc hơi tím. Quả mọng, hình trứng, dài độ 3cm, bao bọc bởi tổng bao lá bắc tồn tại. Lạc tiên mọc hoang và được trồng ở nhiều vùng nước ta. Để làm thuốc, người ta thu hái các bộ phận trên mặt đất, rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn 3-5cm. Trước khi dùng sao hơi vàng, dùng dần.

Trường hợp ngủ không yên giấc: sắc riêng 20 - 40g lạc tiên khô, uống.

 Lạc tiên Nam Bộ không được dùng làm thuốc an thần.
Lạc tiên Nam Bộ không được dùng làm thuốc an thần.

Trường hợp tim hồi hộp, loạn nhịp, mất ngủ, lo âu, đau đầu, choáng váng:

Lạc tiên nấu thành cao lỏng với tỷ lệ 1 phần lạc tiên 1 phần nước, pha thêm chút đường cho dễ uống, ngày 2-3 lần, mỗi lần 50 -100ml, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Cũng có thể phối hợp với một số dược liệu an thần khác như lạc tiên, lá vông, lá dâu, lá sen, mỗi loại 20g, tâm sen 4g. Sắc uống ngày một thang. Uống 2-3 tuần, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

- Trong dân gian, bà con ta thường thu hái quả, rửa sạch, bổ đôi, nạo hết ruột, ép và lọc lấy dịch quả, thêm ít nước đun sôi để nguội và chút mật ong hoặc đường đủ ngọt để uống. Dịch quả lạc tiên thơm, ngon, bổ, mát; thích hợp cho giải nhiệt mùa hè. Hoặc hái phần ngọn và lá non của lạc tiên mỗi lần khoảng 100 - 200g nấu canh ăn giúp ngủ ngon.

 Lạc tiên tây tác dụng giải nhiệt.
Lạc tiên tây tác dụng giải nhiệt.

Phân biệt các loại lạc tiên:

Ngoài loài lạc tiên nói trên, để tránh nhầm lẫn, cần lưu ý tới một số loài khác cũng mang tên lạc tiên.

Lạc tiên Nam Bộ (Passiflora cochinchinensis  Spreng) cũng là cây leo nhưng cành hơi dẹt, có khía rãnh. Lá thuôn hẹp, gốc lá và đầu lá hơi tròn, mép nguyên, mặt trên nhẵn, mặt dưới có ít lông. Cụm hoa màu trắng. Quả nhỏ hình trứng nhẵn. Cây này không được dùng làm thuốc an thần như lạc tiên nói trên.

Lạc tiên tây (P. incarnata L.): là dây leo, dài đến 9 - 10m. Thân có rãnh dọc, vỏ màu xám nhạt, sau chuyển màu đỏ tía, khi non có lông mịn. Lá mọc so le, ba thùy, mép có răng cưa, có tua cuốn ở kẽ lá. Hoa to, màu trắng, thơm, có cuống dài, màu tím hoặc hơi hồng. Quả hình trứng. Khi chín có màu vàng. Quả có vị chua, chứa vitamin. Có tác dụng bổ mát, giải nhiệt.

Lạc tiên trứng, còn gọi là dây mát (P. edulis Sím): Là dây leo, mảnh, dài hàng chục mét. Thân mềm, hình trụ, có rãnh dọc, nhiều lông thưa. Lá mọc so le, chia 3 thùy, nhẵn, mép khía răng cưa, gốc lá hình tim, có hai tuyến nhỏ, đầu lá nhọn. Hoa mọc riêng ở kẽ lá, có cuống dài, màu trắng. Quả mọng hình trứng, khi chín màu da cam. Ở  nước ta, dây mát mọc hoang ở vùng Kỳ Sơn, Nghệ An. Dây mát cho quả thơm ngon, vỏ quả chứa nhiều vitamin C, axít hữu cơ, tanin, đường, các nguyên tố vi lượng: Si, K, P… Dịch quả cũng chứa nhiều vitamin C, tinh dầu, axít amin và  β- caroten. Quả lạc tiên trứng được dùng làm thực phẩm, pha chế đồ uống, đồ hộp, bánh kẹo, kem, đồ tráng miệng sau bữa ăn và làm thuốc bổ có tác dụng kích thích thần kinh và giúp cho việc tiêu hóa được tốt hơn.     

Theo: suckhoedoisong.vn  

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com