Luôn chú trọng xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thành một Đảng cách mạng phụng sự và liêm chính, được nhân dân tin yêu và ủy thác, nên trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn lại trong Di chúc: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Đặt lợi ích của Đảng lên trên hết
Ngay từ khi chuẩn bị chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng cách mạng muốn thành công thì phải lấy quần chúng công nông làm gốc”. Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã chứng minh rằng, cùng với mỗi bước ngoặt của cách mạng, tình hình và nhiệm vụ của Đảng cũng có sự thay đổi. Song, ở đâu và lúc nào, dù hoạt động bí mật hay đã cầm quyền, thì Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cũng luôn thấu triệt rằng: Đảng cầm quyền, nhưng nhân dân là chủ, quyền là do nhân dân ủy nhiệm, nên đó phải là một Đảng luôn phụng sự và liêm chính, để xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Trong di sản để lại, Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm của Người về yêu cầu xây dựng một Đảng phụng sự và liêm chính qua các tác phẩm: "Chính phủ là công bộc của dân"; "Sửa đổi lối làm việc"; "Dân vận"; "Tự phê bình và phê bình"; "Đạo đức cách mạng"; "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân"; "Di chúc"…
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định, Đảng Cộng sản Việt Nam phải là một Đảng liêm chính. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, nhất là phải có và thường xuyên rèn luyện 5 đức tính tốt: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Mỗi cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ, công bộc của nhân dân nên phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Để phụng sự và liêm chính được tốt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện tinh thần, ý chí: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”, “ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng”, “đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.
Sớm tiên lượng nguy cơ suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên khi được trao quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân”. Do đó, Người cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.
Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn liêm chính, “những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu… Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán”.
Thực hiện theo những chỉ dẫn của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đã xây dựng hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh về mọi mặt; xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên vừa hồng, vừa chuyên, có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo, xứng tầm với nhiệm vụ được giao. Trong mọi thời điểm, Đảng đều tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc xây dựng Đảng: Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh; đoàn kết thống nhất; gắn bó mật thiết với nhân dân...
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng: “Tất cả các đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo ra sức mạnh của mình, vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”. Chính vì vậy, trong Di chúc, Người căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Người cũng yêu cầu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”… Đây chính là những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lý luận xây dựng một Đảng phụng sự và liêm chính; là văn hóa Đảng, là bản chất tâm hồn và đạo đức dân tộc Việt mà Đảng là đại diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một Đảng cách mạng chân chính.
Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định, thể hiện rõ ở đường lối chính trị đúng đắn, ở sự kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ở bản lĩnh chính trị vững vàng của đội ngũ cán bộ, đảng viên khi dũng cảm, thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và di huấn của Người về xây dựng một Đảng cách mạng luôn phụng sự và liêm chính, luôn trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” không chỉ là tất yếu khách quan mà còn là yêu cầu và nhiệm vụ của một Đảng cầm quyền; là trách nhiệm của những người cộng sản Việt Nam trước lịch sử, nhân dân và dân tộc./.
Tiến sĩ Văn Thị Thanh Mai
(Ban Tuyên giáo Trung ương)