Cán bộ đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

05:07, 05/07/2019

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài; sự nghiệp và tư tưởng của Người là di sản vô giá của dân tộc Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tư tưởng về đạo đức cách mạng. Suốt cuộc đời, Người đã xây dựng, phát triển, thực thi một nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng cho mọi người học tập, rèn luyện và noi theo. Đặc biệt, trong Di chúc, Người đã để lại lời căn dặn tâm huyết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam (1965). Ảnh: Vũ Đình Hồng
Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam (1965). Ảnh: Vũ Đình Hồng

Khi đánh giá vai trò, vị trí của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền tảng vì liên quan tới Đảng cầm quyền, trở thành Đảng cầm quyền thì Đảng nắm giữ quyền lực chính trị, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội, cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng thì mặt trái của quyền lực có thể làm tha hoá con người nắm quyền lực.

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”; “khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đạo đức cách mạng là ở bất kỳ cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng, một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt đạo đức cá nhân”, có thể xem đó là một định nghĩa chung nhất về khái niệm đạo đức cách mạng. Khi bàn về tư cách của đảng viên và cán bộ, Người nói: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến bộ đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ít, mà những tính tốt như càng thêm”.

Thấy rõ vị trí vai trò của đạo đức cách mạng, suốt đời Hồ Chí Minh kiên trì giáo dục cán bộ, đảng viên phải giữ gìn đạo đức cách mạng. Người cho rằng trong đầu óc mọi người đều có sự đấu tranh giữa cái “thiện” và cái “ác” hoặc nói theo cách mới là sự đấu tranh giữa tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân. Người nói: “Người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu”, “Trong xã hội cũng có thiện và ác”. Từ quan niệm về thiện và ác, chính và tà, Hồ Chí Minh đề ra yêu cầu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức làm cho phần chính, phần thiện trong mỗi người tăng thêm, để phần tà, phần ác của mỗi người bớt dần đi: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Với quan điểm trên đây, ngay cả người có đạo đức cách mạng cũng không phải là cái bất biến, người có đạo đức cách mạng vẫn có thể trở thành người vô đạo đức nếu bản thân họ không kiên trì học tập, tu dưỡng và rèn luyện suốt đời. Cho nên, có người hôm qua còn là người cách mạng thể hiện rõ tấm gương hy sinh, gương mẫu về đạo đức thì hôm nay họ đã trở thành người có tội với cách mạng, mặc dù tài năng của họ vẫn còn đó, nhưng tài năng đó đã tỏ ra không có tác dụng, bởi lẽ họ quên mất phương pháp tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Theo Hồ Chí Minh, nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng đó là trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng...

Trung với nước, hiếu với dân là nội dung cơ bản, đầu tiên, là phẩm chất mang tính bao trùm của đạo đức cách mạng. Khác với quan niệm đạo đức Nho giáo cũ, Hồ Chí Minh đưa vào nội dung mới cho nền đạo đức mới, “Trung với nước, hiếu với dân” là mối quan hệ với đất nước, với dân tộc, thể hiện trách nhiệm đối với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và sự phát triển của đất nước, đó là phẩm chất đạo đức chủ chốt nhất. Trong Di chúc, Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp nhất. Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đem lại tự do, hạnh phúc cho những người lao động nghèo khổ. Theo Người, đạo đức cách mạng đi đến đích cuối cùng phải là để cho con người phát triển nhân cách toàn diện. Ham muốn lớn nhất của Người là nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Trong Di chúc, Người căn dặn đầu tiên là công việc đối với con người. Một trong những điều làm nên dấu ấn, sức sống lớn lao của Di chúc là những tư tưởng nhân văn cách mạng ngời sáng và đầy giá trị nhân bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là tình thương yêu đối với mọi tầng lớp người trong xã hội. Người căn dặn Đảng, Nhà nước cần quan tâm đến các đối tượng cụ thể: nông dân, thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thanh niên, thiếu niên, phụ nữ, các nạn nhân của chế độ cũ...

Trước lúc đi xa, Người “để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” và Người “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các thanh niên nhi đồng quốc tế”, thể hiện tâm nguyện của Người về một thế giới không có chiến tranh, con người được sống trong một thế giới hòa bình, nhân ái, đầy tình yêu thương.

Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là các chuẩn đạo đức của người cách mạng, giải quyết mối quan hệ “với tự mình”. Đó là các đức tính cần có của người cách mạng, tất yếu như tự nhiên có bốn mùa của trời; có bốn phương của đất; người cách mạng cần có cần kiệm liêm chính, cần có chí công vô tư. Người cách mạng phải chí công vô tư, có chỗ Người dùng “dĩ công vi thượng”, “thiết diện vô tư”... không nên “tư thù, tư oán”, “kéo bè kéo cánh”, “địa phương chủ nghĩa”,... Trong Di chúc, Người căn dặn, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đặt lợi ích của tập thể, đất nước lên trên lợi ích cá nhân, “chí công vô tư” là chuẩn mực đạo đức cao nhất mà Hồ Chí Minh yêu cầu ở mỗi đảng viên, đồng thời còn là thước đo, là tiêu chí để đánh giá phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong các giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay.

Hồ Chí Minh không chỉ đề ra cần kiệm liêm chính, chí công vô tư mà Người còn thực hành chúng trên hết, trước hết. Cách mạng Tháng Tám thành công, Người từ chối ở trong ngôi nhà sang trọng của Toàn quyền Đông Dương trước kia mà chỉ ở căn nhà của người thợ điện. Khi chuyển sang sống ở ngôi nhà sàn, ngôi nhà của Người chỉ là chiếc giường, một cái bàn, một cái ghế, một giá sách, một tủ quần áo trong có hai bộ kaki, một đôi dép, một máy thu thanh và chiếc đồng hồ để bàn. Khi đến thăm ngôi nhà sàn của Người trong Khu Di tích Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế chứng kiến cảnh đơn sơ ấy mà xúc động nghẹn ngào, không tin đó là nơi sống và làm việc của một vị nguyên thủ quốc gia. Lúc sống thì thanh bạch và giản dị, lúc sắp đi xa, đối với việc hậu sự của mình, Người yêu cầu: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi phải lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”, thi hài thì nên đốt đi để “đối với người sống tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”. Dẫu sắp không còn trên đời này nữa, Người vẫn luôn quên mình và nghĩ đến nhân dân, đến những điều tích cực cho người sống, vẫn nhắc nhở đến việc trồng cây để “lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm có chỗ nghỉ ngơi”.

Đạo đức cách mạng còn thể hiện ở tinh thần quốc tế trong sáng. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đặt cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới, những năm cuối đời, trước những bất hòa giữa các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Trung Quốc, Người cảm thấy đau lòng “vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”. Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động tích cực (viết thư khuyên Mao Trạch Đông, điện đàm, trao đổi thư từ với Khơrútxốp) để hòa giải những bất hòa đó trong sự phức tạp của tình hình quốc tế. Với một tinh thần trong sáng, trước khi đi xa, Người hy vọng “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Người mong ước, sau khi chiến tranh kết thúc, có điều kiện, Người sẽ đi thăm và cám ơn các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè khắp năm châu đã ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và kỳ vọng Đảng, Chính phủ ta sẽ góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới. Đó cũng chính là quan điểm về hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong một thế giới hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội theo tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em”, “vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em”,...

Hồ Chí Minh dạy đạo đức chủ yếu bằng nêu gương, dạy chủ yếu bằng hành động, đưa con người vào tình huống để người ta suy ngẫm, thức tỉnh, nó tránh được cái gọi là lý thuyết suông, không có sức thuyết phục. Người căn dặn: Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là kinh thánh mà là một phương pháp, là kim chỉ nam hành động, chúng ta học chủ nghĩa Mác - Lênin cốt là nắm lấy tinh thần và phương pháp để ứng xử với con người và công việc. Chủ nghĩa Mác là hệ thống lý luận, ý thức hệ, học thuyết, chủ nghĩa. Người nói, chủ nghĩa Mác - Lênin còn là đạo đức. Đọc hàng trăm, hàng nghìn quyển sách Mác - Lênin mà ăn ở với nhau không có tình, có nghĩa thì làm sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được. Trong lúc xem lại Di chúc, năm 1966, Người căn dặn thêm: phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Cả một năm xem lại Di chúc, cân nhắc từng ý, từng lời, Người chỉ viết thêm câu này và thêm một cụm từ “phục vụ Tổ quốc” trong phần nói về Đảng.

 Đại hội XII của Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên hàng đầu với mục tiêu toàn diện là “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”, xây dựng Đảng về đạo đức là điểm nhấn và sự bổ sung hết sức cần thiết trong đổi mới tư duy về xây dựng Đảng hiện nay, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều đó cũng trở lại đúng với di sản đạo đức Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng, để cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó quan trọng nhất là làm thế nào để việc học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh (trên cả hai bình diện tư tưởng và tấm gương đạo đức) trở thành một nhu cầu văn hóa, thành động lực tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Đây cũng là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, nó thẩm thấu và lan tỏa sâu rộng theo tiến trình phát triển của dân tộc. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần được thực hiện một cách tích cực, chủ động và vận dụng phù hợp, sáng tạo. Sáng tạo lại không phải là bắt chước một cách máy móc, giản đơn hay thần thánh hóa Hồ Chí Minh, mà phải phù hợp với thực tiễn phức tạp, luôn biến chuyển không ngừng. Điều đó yêu cầu Đảng cầm quyền không ngừng đổi mới và phát triển trở thành “Đảng là đạo đức, là văn minh” và cán bộ, đảng viên là những nhân cách đạo đức, có lối sống giản dị, tiết kiệm, phong cách làm việc gần dân, hiểu dân, tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ và luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân./.

Theo TS Lê Thị Thu Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com