Học Bác lòng ta trong sáng hơn

07:01, 02/01/2019

Bước sang năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã trải qua gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng, rõ nét trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị; trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống xã hội của mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, góp phần ngày càng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Ngay sau Chỉ thị 05-CT/TW được ban hành, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã đưa nội dung việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành một nhiệm vụ quan trọng trong chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội cấp mình và gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII). Từ đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều việc làm cụ thể, sáng tạo gắn với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương như: Đổi mới việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như quản lý đất đai, công tác cán bộ, xây dựng cơ bản… Tổ chức diễn đàn về vai trò của chi bộ Đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tổ chức chào cờ và sinh hoạt dưới cờ với các nội dung như: thông tin tình hình thời sự nổi bật, nêu gương người tốt, việc tốt, kể những câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh..., từ đó liên hệ vào thực tế, rèn luyện tác phong công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị. Đưa nội dung thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng và kiểm điểm, đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên hằng năm; trong đó, lấy kết quả học tập, làm theo Bác là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng; nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân ở các cấp, kết hợp công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã nghiêm khắc xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước. Năm 2017, số đảng viên bị thi hành kỷ luật của Đảng, cơ quan, đoàn thể là 401 trường hợp; vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước là 102 trường hợp. Không chấp nhận sự phân công, gây mất đoàn kết là 3 trường hợp. Qua đó, đã có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa sai phạm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đồng thời đấu tranh, ngăn chặn tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Đồng chí Bí thư Đảng bộ Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Bí thư Đảng bộ Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, việc học và làm theo Bác cũng giúp chính quyền và các đoàn thể trong tỉnh nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự đoàn kết thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, nhiệm vụ của địa phương. UBND các cấp đã tích cực chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 16-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời xây dựng các mô hình, điển hình thi đua yêu nước, vận động nhân dân trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; phát triển văn hóa - xã hội - giáo dục; bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất tại các địa phương, cơ sở. Nổi bật trong phát triển kinh tế là việc thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó toàn tỉnh đã xây dựng 10 liên kết chuỗi giá trị được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao; đến nay tỉnh đã có 35 cơ sở, doanh nghiệp xây dựng được tem truy xuất nguồn gốc và dán tem truy xuất nguồn gốc cho 130 sản phẩm nông nghiệp; 1 tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn hiện đại của Công ty Biển Đông với công suất giết mổ 300 con lợn/giờ. Bên cạnh đó, việc xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Cụm công nghiệp Thịnh Lâm (Giao Thủy) được đẩy nhanh tiến độ. Khu công nghiệp Mỹ Thuận đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng; các cụm công nghiệp: Yên Dương (Ý Yên), Xuân Tiến (Xuân Trường), Đồng Côi (Nam Trực) đang hoàn thành thủ tục để xây dựng, mở rộng. Cùng với đó, các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh được tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện quyết liệt; nhất là các dự án: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; cầu Thịnh Long; các dự án khu đô thị trung tâm và khu dân cư tập trung các huyện... Trong công tác nội vụ, UBND các cấp trong tỉnh đang tập trung xây dựng và thực hiện các đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong chi tiêu tài chính công, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính; tổ chức khai trương và đưa vào hoạt động Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh...

Cùng với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp trong tỉnh cũng đã phát động nhiều phong trào thi đua gắn với Chỉ thị 05-CT/TW. Tổ chức ký giao ước thi đua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cụ thể hóa theo yêu cầu của từng tổ chức, đoàn thể. Mặt trận Tổ quốc với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”; Hội Nông dân với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Hội Cựu chiến binh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường”, xây dựng các mô hình “Tổ cựu chiến binh vì dân”, “Tổ cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường”, “Tủ sách cựu chiến binh”; Liên đoàn Lao động với phong trào “Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”; Hội Liên hiệp Phụ nữ với mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường làng nghề”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn Thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ Nam Định chung tay xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản, cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp”...  Đến nay toàn tỉnh đã có gần 10 nghìn mô hình, điển hình học và làm theo Bác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Riêng trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện hàng nghìn mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tham gia đóng góp trí lực, vật lực, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu đi đầu thực hiện các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20-4-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đem lại nhịp sống mới khu vực đô thị, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Tỉnh ta được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% số xã, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; 6/10 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Những chuyển biến sau 3 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo bước chuyển tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần khai thác, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com