Trong kho tàng di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, có khoảng 50 bài viết, tác phẩm của Người bàn về vấn đề đạo đức. Nhiều tác phẩm cho đến nay vẫn nguyên giá trị và mang tính thời sự, trong đó có tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1958, với bút danh Trần Lực, đăng trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), số 12.
Tác phẩm khái quát những đặc điểm, nội dung căn bản và toàn diện về đạo đức cách mạng, về mặt trái của đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, cùng các biện pháp nhằm xây dựng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh thống nhất nước nhà, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thông qua tác phẩm, Hồ Chí Minh đề cao và khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của việc học tập lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đây cũng là bài học có ý nghĩa thời sự khi Đảng ta đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” ra đời trong bối cảnh miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, Đảng bước sang giai đoạn lãnh đạo nhân dân hai miền Nam - Bắc thực hiện đồng thời nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau khi được xuất bản, “Đạo đức cách mạng” đã tạo nên một “tiếng vang” lớn trong cán bộ, đảng viên, trí thức đương thời.
“Nghe lời Bác dạy” - Tranh sơn dầu của họa sĩ Vương Trình. |
Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy, trong khi phần đông cán bộ, đảng viên, đoàn viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phấn đấu để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của Đảng, thì cũng xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhận thức lệch lạc, biểu hiện suy thoái và cá nhân chủ nghĩa. Trong tác phẩm, Bác viết: “Họ lầm tưởng rằng, miền Bắc không còn thực dân và phong kiến nữa, thì tức là cách mạng thành công rồi. Do đó mà họ để chủ nghĩa cá nhân chớm nở, họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi... không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ”. Những biểu hiện, diễn biến đó không dừng lại ở hiện tượng đơn lẻ, mà theo Bác, trở thành căn bệnh, là nguy cơ của một Đảng cầm quyền, gây mất đoàn kết, thống nhất trong Đảng, ảnh hưởng đến mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, làm tổn hại bản chất cách mạng của Đảng.
Hồ Chí Minh chỉ rõ những biểu hiện cơ bản của đạo đức cách mạng, mà cán bộ, đảng viên phải ra sức phấn đấu, rèn luyện, đó là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.
Người yêu cầu Đảng phải quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, vì theo Người: “Cán bộ quyết định mọi việc... Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”. Để có được những phẩm chất đạo đức cách mạng tốt đẹp đó, cần phải học tập lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhiều lần Người đề cập tới việc giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”.
Đạo đức cách mạng do quá trình nỗ lực rèn luyện, đấu tranh, kiên trì, bền bỉ, khổ luyện thường xuyên mà thành. Vì thế, trong “Đạo đức cách mạng”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” và Người căn dặn phải: “Ra sức học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin”.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng phải gắn liền với học tập lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin. Việc học tập lý luận phải trở thành nhu cầu và yêu cầu tự thân, cấp thiết, thường xuyên và lâu dài của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc học tập “Không phải chỉ ở tại nhà trường, có lên lớp, mới học tập, tu dưỡng, rèn luyện và tự cải tạo được. Trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều có thể và đều phải học tập, tự cải tạo”. Có như vậy, mỗi cá nhân mới không ngừng hoàn thiện bản thân, phát triển trình độ lý luận, năng lực tư duy và hành động, để trở thành người cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng.
Trong hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh nhận thức rõ giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác - Lênin, mà theo Người, đó là một học thuyết chân chính nhất, chắc chắn, cách mạng và khoa học nhất. Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra phương hướng, đường lối cho chúng ta đi và đi đúng hướng. Người viết: “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”. Chỉ khi có đạo đức cách mạng thì người cán bộ, đảng viên mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Chỉ có trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, người cán bộ cách mạng mới có thể nâng cao đạo đức cách mạng, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Lý luận đúng đắn sẽ giúp mỗi cá nhân nhận ra sai lệch trong tư tưởng, nhận thức và hành động; khắc phục những biểu hiện, như: Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi nền tảng tư tưởng của Đảng...
Học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin để kiên định lập trường, quan điểm, tư tưởng và phương pháp cách mạng; giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đề ra. Đội ngũ cán bộ, đảng viên cần ra sức học tập lý luận, trang bị hệ thống luận điểm cách mạng, khoa học, phương pháp luận biện chứng của học thuyết Mác - Lênin, từ đó nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Học tập lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ soi đường, dẫn lối cho việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và năng lực hoạt động cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình”.
Lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin còn là vũ khí sắc bén cải tạo và xây dựng con người mới, đạo đức mới xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”. Đó là lời nhắc nhở mỗi người cách mạng phải không ngừng tự rèn luyện đạo đức cách mạng, nỗ lực hết mình trong thực hiện nhiệm vụ mà Đảng giao. Vũ khí sắc bén nhất để rèn luyện đạo đức của mỗi người cách mạng là Chủ nghĩa Mác - Lênin. Người cách mạng có lý luận Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, được rèn luyện trong một tổ chức cách mạng, thấm nhuần đạo đức cách mạng thì sức mạnh nội lực của mỗi người sẽ được phát huy mạnh mẽ. Theo Bác, “Học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình”. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững vai trò tiền phong, gương mẫu; đảng viên phải thật sự trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa, mới hoàn thành được các nhiệm vụ cách mạng phức tạp.
Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Hồ Chí Minh nhận định: “Công việc cách mạng là nghìn điều muôn loại phức tạp, khó khăn. Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề, thì chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lênin”.
Hồ Chí Minh cũng thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng một Đảng cách mạng, được trang bị lý luận tiền phong, có đường lối chính trị đúng đắn, tổ chức kỷ luật chặt chẽ để đảm đương vai trò lãnh đạo và đưa cách mạng giành thắng lợi. Theo Người: “Nâng cao trình độ lý luận và chính trị, cải tạo mình là một việc trường kỳ và gian khổ. Nhưng đó là một công tác chủ chốt trong việc xây dựng Đảng mà mỗi đảng viên phải cố gắng” và Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận.
Trong suốt chặng đường 88 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện luôn lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Nhờ nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đưa phong trào cách mạng nước ta vượt qua những bước hiểm nghèo, giành nhiều thắng lợi vẻ vang.
Nghiên cứu, tìm hiểu tác phẩm “Đạo đức cách mạng” và quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, ý nghĩa của việc học tập lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện trong tác phẩm, giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, toàn diện về yêu cầu, nhiệm vụ đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới. Quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng đòi hỏi mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải tăng cường học tập lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh./.
Theo PGS, TS Nguyễn Xuân Trung
(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)