Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan hệ đặc biệt Việt - Lào

06:09, 08/09/2012

Trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia - dân tộc từ xưa đến nay, ít thấy có mối quan hệ nào đặc biệt như quan hệ hai nước Việt Nam - Lào. Đây là mối quan hệ bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước là những người xây dựng nền móng và dày công vun đắp...

Gắn kết cách mạng hai nước

Được Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản cho phép trở về Đông Dương theo nguyện vọng, năm 1928, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm đến bản Xiêng Vảng, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn trực tiếp truyền bá cách mạng tại Lào nhằm đưa cách mạng Việt Nam và Lào hòa quyện, nương tựa vào nhau, cùng đấu tranh giành độc lập, tự do. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào cách mạng Việt Nam - Lào những năm 1930-1931 đã có sự phối hợp ngày càng gắn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (8-2-1966). Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (8-2-1966). Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn mối quan hệ giữa cách mạng hai nước Việt Nam và Lào, kịp thời xây dựng và phát huy sức mạnh nhân dân hai nước. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tạo điều kiện cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Lào. Quán triệt chủ trương và những lời căn dặn của đồng chí Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tân Trào, Ban chỉ đạo khởi nghĩa ở Viêng Chăn vận động các lực lượng yêu nước và tiến bộ Lào xúc tiến thành lập Chính phủ Lào Ít-xa-la.

Xuất phát từ nhu cầu hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, ngày 14-10-1945, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là Chính phủ đầu tiên trên thế giới chính thức công nhận Chính phủ độc lập Lào và cử phái viên của Chính phủ Việt Nam tại Lào. Từ đây, quan hệ Việt Nam - Lào chuyển sang giai đoạn mới không chỉ trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, mà nâng lên tầm quan hệ gắn bó giữa hai Nhà nước, quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Nhân dịp năm mới, tháng 1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, trong đó nêu rõ: “Lào và Việt Nam là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc rất là mật thiết”. Người cũng khẳng định: “Bây giờ, hai dân tộc ta tuy còn phải khó nhọc, nhưng tương lai của chúng ta rất là vẻ vang”.

Nhằm giúp Lào xây dựng căn cứ địa kháng chiến của Trung ương làm chỗ dựa cho cơ quan lãnh đạo kháng chiến cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nghiên cứu xây dựng Sầm Nưa thuộc tỉnh Hủa Phăn thành căn cứ chiến lược cho cách mạng Lào. Ngày 16-5-1948, Ban xung phong Lào Bắc được thành lập, do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm chỉ huy trưởng. Sầm Nưa đã trở thành trung tâm căn cứ địa Trung ương cách mạng Lào, nơi ra đời Quân đội Lào Ít-xa-la, do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản trực tiếp chỉ huy.

Cùng chiến đấu chống kẻ thù chung

Trước tình hình quốc tế, khu vực và Đông Dương có những chuyển biến sâu sắc, đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương (2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải ra sức giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào, vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam có liên hệ mật thiết với cuộc chiến tranh giải phóng Lào”. Đại hội cũng quyết định thành lập ở mỗi nước một chính đảng riêng, ở Việt Nam là Đảng Lao động Việt Nam và ở Lào là Đảng Nhân dân Lào. Từ đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào được nâng lên tầm cao mới trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung vì độc lập, tự do của mỗi quốc gia.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” và thực hiện chủ trương của lãnh đạo hai nước, quân và dân Việt Nam - Lào đã phối hợp chiến đấu giành nhiều thắng lợi. Đặc biệt là phối hợp giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người cộng sản Lào đã tổ chức Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào (1955) để lãnh đạo nhân dân Lào đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống kẻ thù chung. Ngay sau khi thành lập, Đảng Nhân dân Lào (năm 1972 đổi tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) đã gửi điện cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Bức điện có đoạn: “Chúng tôi thành công trong việc thành lập Đảng Nhân dân Lào là nhờ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi, dìu dắt và sự giúp đỡ vô điều kiện của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian qua”.

Ngày 5-9-1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đây, quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào được xây dựng phát triển lên tầm cao mới, thống nhất chủ trương, sách lược đấu tranh trên các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, xây dựng lực lượng kháng chiến, tăng cường giúp đỡ lẫn nhau trong tác chiến, trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo cán bộ…

Quân đội và nhân dân hai nước cũng đã sát cánh bên nhau chiến đấu  đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mỹ, tạo ra thế và lực mới, bảo đảm cho quân đội và nhân dân Lào thực hiện “ba đòn chiến lược” và mũi giáp công pháp lý năm 1975 thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời.

Đưa quan hệ đặc biệt Việt - Lào lên tầm cao mới

Trước yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam và Lào trong thời kỳ mới, ngày 18-7-1977, hai nước đã thỏa thuận ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng mang tính chiến lược lâu dài, đánh dấu mốc phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Ngày nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, vừa thuận lợi, vừa có những khó khăn, thách thức khó lường. Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào sẽ nỗ lực đoàn kết phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giữ trọn mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người dày công vun đắp là một tài sản vô cùng quý báu, mãi mãi được giữ gìn, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác toàn diện, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com